Nhà thơ Anh Hồng tên thật là Cao Thị Hồng. Chị là PGS. TS, nhà lý luận, phê bình văn học. Trong mắt đồng nghiệp và người yêu thơ, ngoài vẻ sắc sảo, cương định ở lĩnh vực lý luận phê bình, khi thả hồn vào những trang thơ, Anh Hồng lại cho thấy tính nữ mạnh mẽ bên trong - dịu dàng, mỏng manh và dễ tổn thương. Tập thơ Tôi & đêm, và... bộc lộ rõ màu sắc của riêng chị trên thi đàn.
Lãng mạn hóa nỗi buồn và sự trầm tư
Không rõ từ khi nào, nỗi buồn và bóng tối được ví như “anh em họ”. Trong khi niềm vui bị thu hút bởi ánh sáng thì nỗi buồn bị bóng tối mê hoặc. Màn đêm luôn cất giấu điều gì đó bí ẩn mà không phải ai cũng có thể chạm tới, nếu không đủ sự nhạy cảm và gan góc. Nhưng kỳ lạ, tập thơ của Anh Hồng thuyết phục người đọc muốn khám phá màn đêm bí ẩn này.
Thơ Anh Hồng giàu tính triết luận, mở ra những mênh mang suy tưởng, để mỗi độc giả bước lên một chiếc phi thuyền, cùng chị khám phá vũ trụ đêm. Phần lớn những bài thơ của Anh Hồng đều đóng vai trò ẩn dụ cho thân phận con người, phản ánh những cuộc đấu tranh nội tâm và cuộc chiến vĩnh cửu giữa các thế lực thiện và ác.
Có người nói, Anh Hồng tạo cho mình một cõi thơ riêng để những sáng tạo của chị không bị chìm nghỉm trong đại dương thi ca. Quả nhiên, với Tôi & đêm, và... Anh Hồng cho thấy phong cách và bút pháp không giống bất cứ ai.
“Đêm nay... ngày mai... ngày mốt... và bao giờ, bao giờ... bình an trở lại?.../ những câu hỏi vỡ vụn, những phi lý tồn tại như mặc định...”
Tác giả hóa thân vào hình ảnh người đàn bà “đếm sợi thời gian”, dẫn độc giả đi sâu vào những điều chưa biết, nỗi sợ hãi, tiếc nuối và sự phức tạp của tiềm thức, nhắc nhở rằng trong những khoảnh khắc đen tối nhất, luôn có một tia sáng soi đường dẫn dắt chúng ta vượt qua bất trắc của cuộc sống.
Với Anh Hồng, tia sáng đó chính là thơ.
Trong bài Tôi đi tìm tôi, Anh Hồng viết: “Không thừa nhận gương mặt mình trong gương/ Tôi đi tìm Tôi giữa muôn vàn kẻ khác/ tìm trong khắc khoải/ tìm trong u ơ/ tìm trong mơ/ tìm trong vỡ òa tiềm thức...”
Trăn trở về sự hiện hữu của bản thể trong thơ Anh Hồng là lẽ tự nhiên, bởi mỗi người là một cá thể độc đáo, được ban phước với những màu sắc và năng khiếu riêng, nhưng chúng ta cũng khao khát được chấp nhận - cảm thấy được mọi người mong muốn và thấu hiểu.
Nói về tập thơ mới nhất của mình, Anh Hồng bày tỏ: “Trong sự hỗn loạn của thế giới hiện tại - chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, sự tham lam, độc ác, tráo trở, đê tiện, giả dối… của con người, những câu hỏi đại loại như: Cái gì đang diễn ra thế này? Tôi là ai? Đây là đâu? Ta sinh ra trên Trái đất này để làm gì?… luôn ám ảnh trong cả những giấc mơ. Vì thế tôi viết, viết như một nỗ lực để 'cứu Tôi', để giải phóng 'Tôi' khỏi những tổn thương, thét gào, đau đớn…”.
Tôi & đêm, và… chứa chất những tiếng lòng hoang mang, tan nát, lo âu cho phận người (trong đó có Tôi). Con người quá đỗi bé nhỏ, mong manh đi đi lại lại trên Trái đất luôn phải đối diện với bất trắc khôn lường. Và sau những trải nghiệm vật vã, đối diện với “đêm”, nhân vật Tôi thấy có thêm năng lượng để thương yêu, chia sẻ, bao dung, gắn bó với cuộc sống và con người. Càng đau đớn, xót xa lại càng khát vọng và hy vọng rằng mỗi ngày thế giới này sẽ tốt đẹp hơn!
Khi “con quỷ” xuất hiện
“Buông tay nhau rồi... anh đi về đâu? Và em đi về đâu trong những hoàng hôn bụi đỏ?”
“Ôi! Cõi địa đàng/ của A Đam và Eva/ hạnh phúc và bất hạnh/ trôi trong dòng chảy vô thường...!/ Những dấu hỏi: vì sao? thế nào?...”
Dấn thân vào vũ trụ đêm cùng Anh Hồng, có những khoảnh khắc, độc giả được trải nghiệm cảm giác ngồi bên chị, lắng nghe những câu hỏi vu vơ mà ngỡ nỗi cô đơn và sợ hãi của mình dường như có người thấu cảm.
Có một điều kỳ diệu đằng sau những cuộc đối thoại đêm khuya trong thơ Anh Hồng mà nếu diễn ra vào ban ngày, có lẽ chị không cảm thấy thoải mái đến vậy. Trong bóng đêm, con người dường như dễ bị tổn thương hơn. Và chỉ có thơ mới chuyên chở hết thế giới nội cảm với tầng tầng lớp lớp chiều sâu vô thức.
“Em đan tay dưới sợi sợi thời gian/ đếm từng giọt, nâng niu từng giọt... Em đan tay dưới sợi sợi thời gian.../ nghe năm tháng hắt lên bao mùa tóc...”
Vũ trụ đêm của nhà thơ khiến người đọc liên tưởng đến một căn phòng tâm trí, một thế giới tự thân, một cõi mơ màng mà ta có thể trốn vào đó.
Đó là phong cách của Anh Hồng: bắt đầu một cách chậm rãi, như một chuỗi dài các chi tiết và cuộc trò chuyện nội tâm có vẻ khó xảy ra hoặc phi thực tế, nhưng dần dần đạt đến đỉnh cao khi hiện thực hé lộ. Qua những trang thơ, độc giả được trải nghiệm cảm giác thấp thỏm, phập phồng theo từng nhịp ngắt, nghỉ rất chủ động.
“Ở giữa Tôi và Đêm/ là một con quỷ mang hình hài quái lạ/ biến đổi màu lúc đen, đỏ/ lúc trắng, vàng... xanh...”
Ở nửa cuối tập thơ, khi “con quỷ” xuất hiện, người đọc càng ngẫm ngợi nhiều hơn về vũ trụ đêm của tác giả. Có vẻ như bất chấp những biến cố kịch tính và những thay đổi mạnh mẽ, loạt câu hỏi hóc búa vẫn còn đó, ngay cả ý chí của người mạnh mẽ nhất cũng không thể loại bỏ chúng ngay bây giờ, chứ đừng nói là mãi mãi.
Tập thơ Tôi & đêm, và... của nữ sĩ Anh Hồng là một cách nhẹ nhàng, tinh tế để nói về sự hủy diệt và tái sinh trong một chu kỳ vô tận của đời sống mà chúng ta không hoàn toàn nhận thức hết được và cũng không thể diễn tả đến tận cùng.
Sao Khuê