“Thợ may đo” đặc biệt
Trung tuần tháng 10/2023, tại một sự kiện ở Hà Nội, thiết bị bay không người lái (drone) của Công ty Cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Rất nhiều người tranh thủ chụp ảnh cùng sản phẩm có hình thức khá bắt mắt này.
Bất kỳ câu hỏi nào của khách thăm quan, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị MiSmart Trần Thiên Phương đều nhiệt tình giải đáp.
Câu hỏi ngắn gọn của chúng tôi: “Drone này có thể làm được những việc gì”, như chạm đúng mạch tâm sự của vị Phó Chủ tịch.
“MiSmart là đơn vị tiên phong chuyên thiết kế, phát triển các sản phẩm drone, hiện vẫn là doanh nghiệp duy nhất được Bộ Quốc phòng Việt Nam cấp giấy phép thiết kế, sản xuất, sửa chữa và bảo dưỡng máy bay không người lái. Chúng tôi đã và đang triển khai nhiều bài toán cho các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng công trình giao thông, tài nguyên môi trường, điện lực, viễn thông… bằng hệ thống drone kết hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Khả năng phân tích hình ảnh và viễn thám trên không có tỷ lệ chính xác cao lên đến 99%”, ông Phương trả lời rồi dẫn ra một loạt câu chuyện làm minh chứng.
Vài năm gần đây, các thiết bị drone nông nghiệp của MiSmart với mức giá khoảng 300 triệu đồng/bộ đã trở thành “trợ lý đắc lực” cho nhà nông, giúp tăng năng suất vượt trội so với cách làm nông nghiệp truyền thống. Chẳng hạn, một nông dân phun thuốc trừ sâu bằng biện pháp thủ công chỉ được khoảng 0,5 ha/giờ, nhưng drone có thể đạt tới 16 ha/giờ. Drone còn có thể giúp nông hộ tiết kiệm khoảng 30% lượng thuốc, 90% lượng nước do được tối ưu, nơi nào có sâu bệnh mới phun tưới nên giảm dư lượng thuốc trừ sâu, hướng tới nông nghiệp sạch, giảm thất thoát lúa và hoa màu (do bị giẫm đạp trong quá trình phun)…
Bài toán phun tưới đã được drone AI giải quyết nhanh gọn lẹ không chỉ cho cây lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng duyên hải miền Trung, mà cho cả cây mía ở miền Đông Nam Bộ cùng nhiều loại cây khác như chanh leo, sầu riêng, bơ, chuối và một số loại cây ăn quả khác ở khu vực phía Nam.
MiSmart cũng đã phối hợp cùng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải bài toán theo dõi sinh trưởng và phát hiện sâu bệnh bằng cách sử dụng drone AI kết nối với cơ sở dữ liệu sâu bệnh của ngành nông nghiệp; Phối hợp với 2 công ty hàng đầu trong lĩnh vực lâm nghiệp dùng drone AI để đếm cây rừng trồng, tính toán sinh khối để dự đoán sản lượng gỗ, dựng bản đồ 2D/3D cây rừng theo lứa tuổi, vẽ đường phân định ranh giới rừng (tiểu khu, khoảnh, lô và ranh giới chủ sở hữu) để lập bản đồ hiện trạng rừng nhằm tăng hiệu quả quản lý rừng.
Từ những thành công bước đầu trong việc hỗ trợ ngành nông lâm nghiệp, MiSmart dần phát triển sang một số lĩnh vực mới.
Với ngành điện lực, các giải pháp của MiSmart phục vụ đa dạng nhu cầu liên quan tới công tác quản lý vận hành đường dây cao áp, siêu cao áp từ 110 - 500kV. Chẳng hạn, xây dựng nền tảng phần mềm AI tập trung ứng dụng công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh để tự động phát hiện sự cố vi phạm hành lang tuyến; đo đạc độ võng đường dây, mức độ sạt lở móng cột, độ nghiêng cột trong truyền tải và phân phối…, đặc biệt là tự động phát hiện sớm và dự đoán các lỗi phát nhiệt linh kiện, từ đó đánh giá hiệu suất và tải trọng, phân bổ tài nguyên và năng lượng, cũng như dự báo và lập kế hoạch bảo trì hiệu quả.
Trước đây, khi thực hiện kiểm tra đường dây 220/110kV theo phương pháp thủ công truyền thống, có thể gặp phải một số khó khăn và thách thức như: Nhân viên phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn vì gần các vùng tiếp xúc điện áp cao, độ chính xác và tính minh bạch kết quả kiểm tra không cao, tốn nhiều thời gian và công sức cho việc kiểm tra cũng như quản lý dữ liệu thông tin quan trọng.
Nhờ ứng dụng drone, giờ ngành điện có thể dựa trên dữ liệu thu thập từ camera quang học, camera nhiệt, lidar của drone, phần mềm AI được huấn luyện thành trợ lý tự động cảnh báo sớm sự cố cột/dây dẫn/linh kiện để các bộ phận liên quan lên kế hoạch sửa chữa phù hợp hoặc chủ động đầu tư mua sắm linh kiện dự phòng. Hiệu quả thực tế đã thể hiện rõ ràng khi áp dụng tại một số công ty điện lực.
Với ngành viễn thông, giải pháp Bản sao số (Digital Twins) của drone AI MiSmart sẽ khảo sát phần không gian ngoài trời (outdoor) của trạm phát sóng di động BTS, giúp nhà mạng xác định số lượng, chủng loại, độ cao, độ cụp/ngẩng, góc phương vị… của ăng ten di động, giúp chuyển từ quy trình vận hành khai thác bị động sang chủ động, nâng cao hiệu quả quản lý, quy hoạch thiết kế tài nguyên mạng lưới cũng như chất lượng quản lý hạ tầng, tài sản, tải trọng cột và không gian lắp đặt thiết bị. Mô hình này đã được MiSmart triển khai thử nghiệm cho 2 trong số 4 nhà mạng di động lớn tại Việt Nam.
Với ngành giao thông, thay vì phải cử người đi đo, cắm mốc địa giới xong vẽ bản đồ bằng AutoCAD, mất khá nhiều thời gian mà độ chính xác không cao, thì drone AI gắn máy quét laser lidar sẽ khảo sát toàn tuyến, tọa độ hóa, tạo nên mô hình 3D địa hình của công trình, sau đó tự động tính toán khối lượng san lấp mặt bằng chi tiết, chính xác tới từng điểm lồi lõm.
Vừa rồi, drone AI của MiSmart còn “lấn sân” sang cả lĩnh vực trình diễn ánh sáng (drone light show), phối hợp với một số đơn vị nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang…
Một thông tin nóng hổi khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với MiSmart thử nghiệm phương pháp dùng drone AI để đo giám sát phát thải khí nhà kính cacbon dioxide (CO2) và metan (CH4), từng bước xây dựng phương pháp đo lượng khí phát thải, khắc phục “điểm nghẽn” không biết đo cách nào khi triển khai hành trình Net Zero (không phát thải carbon dioxide). Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Hệ thống drone AI của chúng tôi được nghiên cứu triển khai để giải những bài toán AI “may đo” chuyên sâu chứ không phải theo kiểu các flycam (camera biết bay) sản xuất hàng loạt rồi để trên kệ bán hàng như nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường”, ông Phương nhấn mạnh điểm đặc biệt của “thợ may” MiSmart.
Vượt qua sự nghi ngờ “mang sản phẩm của người khác về làm của mình”
MiSmart thành lập năm 2019, xuất phát từ mong muốn dùng công nghệ, đặc biệt là thiết bị Drone AI, để nâng cao giá trị nông sản Việt.
“Những ngày đầu rất nhiều khó khăn. Phần lớn mọi người không tin drone AI do MiSmart tự nghiên cứu thiết kế, thậm chí rất buồn là có người cho rằng chúng tôi mang sản phẩm của người khác về làm của mình. Tuy nhiên, không ngừng nỗ lực tối ưu và phát triển sản phẩm, chúng tôi đã dần vượt qua sự nghi ngờ đó”, ông Phương chùng giọng.
Tháng 6/2021, MiSmart được Viện Nghiên cứu Phát triển tiêu chuẩn chất lượng (ISSQ) trao chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và Cơ quan Kiểm định Vương quốc Anh (UKAS) trao chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thông tin ISO 27001:2013.
Liên tục cải tiến để tạo sản phẩm Việt Nam chất lượng quốc tế, sản phẩm của MiSmart dần tích lũy thêm nhiều ưu thế cạnh tranh. Chẳng hạn, cùng mang bình phun dung tích 40 lít nhưng tổng trọng lượng thiết bị của MiSmart nhẹ hơn do thiết kế tối ưu về khung, càng, các chi tiết khớp nối…
Đến giờ, dấu ấn khách hàng đầu tiên vẫn in đậm trong tâm trí Phó Chủ tịch MiSmart: “Đơn hàng đầu tiên đến từ một đơn vị làm nông nghiệp rất lớn ở miền Tây. Trước đó họ đã dùng sản phẩm của nhà cung cấp khác nhưng gặp sự cố nên tìm đến chúng tôi. Dùng thử drone AI thấy tốt, họ đặt dần từ đơn hàng nhỏ tới đơn hàng lớn hơn. Họ đánh giá rất cao sản phẩm của MiSmart, nhất là tỷ lệ ngừng dịch vụ bay do lỗi giảm khoảng 4 lần so với sản phẩm trước”.
Trong bối cảnh thị trường ngày càng đa dạng sản phẩm drone, xác định điểm mạnh của mình là có thêm phần mềm, ứng dụng AI hỗ trợ thu thập và phân tích tín hiệu, hình ảnh, MiSmart đã tập trung đầu tư cho mảng này.
Hơn 70% nhân viên MiSmart làm về nghiên cứu và phát triển (R&D). Hoạt động đầu tư R&D chiếm 60 - 70% ngân sách của công ty. MiSmart đã sớm làm chủ 100% khâu thiết kế và sản xuất hệ thống drone AI. Hiện chỉ còn 3 bộ phận phải mua gồm động cơ, cánh quạt và cell pin.
Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu các đơn hàng lớn, MiSmart hợp tác với một số nhà máy của Nhật Bản ở Việt Nam để họ sản xuất gia công linh kiện điện tử theo đúng thiết kế. Sản lượng trung bình của MiSmart hiện tại ước khoảng 200 drone AI/năm.
Kể từ sau khi lọt vào Top 3 xuất sắc nhất cuộc thi Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo Thành phố Hồ Chí Minh (HAI) năm 2019, cho tới nay, MiSmart đã “gặt hái” khá nhiều giải thưởng khác như: Giải Nhất Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia năm 2020 (Viet Solutions 2020); 1 trong 5 start-up thắng cuộc của Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo “AI Accelerator Challenge 2021” (AAC 2021); Giải Nhất Cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC) năm 2022...
Các “sếp” của MiSmart luôn tự tin thiết bị, công nghệ tự động kết hợp với AI của mình sẽ sớm vào Top 3 khu vực Đông Nam Á.
Cần cơ chế sandbox
Cho tới thời điểm hiện tại, liên doanh giữa MiSmart với Viện công nghệ giáo dục ASEAN vẫn là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được Bộ Tổng tham mưu – Bộ Quốc phòng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho phép triển khai thí điểm các khóa đào tạo phi công điều khiển drone.
“Drone ứng dụng trong nông lâm nghiệp và công nghiệp không giống như flycam quay phim. Với trọng lượng hàng chục kg, nếu xảy ra sự cố drone thì sẽ có nhiều hệ lụy không nhỏ. Thế nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có quy định tường minh về phi công drone. Các khóa đào tạo phi công drone của chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể từ quy định pháp luật, lý thuyết, tới thực hành tháo lắp, bảo dưỡng, vận hành drone…, đặc biệt là những kỹ năng xử lý tình huống khi gặp sự cố. Mỗi gói đào tạo khoảng 15 triệu đồng/người. Trung bình mỗi khóa đào tạo kéo dài khoảng 1 tháng”, ông Phương lưu ý.
Theo Phó Chủ tịch MiSmart, một trong những khó khăn lớn nhất bây giờ đối với công ty là rào cản pháp lý. Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ được Chính phủ ban hành từ năm 2008, trong đó chưa đề cập tới nhóm thiết bị sản xuất ở Việt Nam bởi thời điểm ban hành luật ít ai nghĩ người Việt có thể nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ được loại thiết bị hiện đại này.
Khó khăn khác là vấn nạn hàng lậu. Nghị định số 36 và một số văn bản liên quan cho phép nhập khẩu drone về để sử dụng chứ không được thương mại. Song trên thực tế, nhiều nơi chỉ xin giấy phép của Bộ Công Thương để nhập 1 – 2 drone, sau đó nhập hàng lậu về, dán số seri để qua mắt cơ quan quản lý rồi lách luật bằng cách làm hợp đồng cho mượn để bán. Drone không có số khung, số máy nên không dễ quản lý. Sản phẩm nhập lậu có giá rẻ hơn nhưng không ai đảm bảo chất lượng. Sự tồn tại của hàng lậu sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển thị trường của các doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc.
MiSmart vẫn đang ấp ủ nhiều dự định, ước mơ lớn khác, song quá trình triển khai sẽ thuận lợi hơn nếu được áp dụng cơ chế sandbox (thử nghiệm).
“Hai lĩnh vực mới mà chúng tôi đang rất tâm huyết là vận chuyển hành khách và giao hàng. Về chế tạo sản phẩm thì không khó. Cái khó là tính pháp lý và tính khả thi. Sản phẩm chế tạo ra mà không dùng được thì rất tốn kém, lãng phí. Chúng tôi đang trình đề án vận chuyển hành khách/hàng hóa bằng drone cho một hãng hàng không, trong đó, MiSmart đóng vai trò là đối tác công nghệ, nghiên cứu triển khai hệ thống drone AI vận chuyển hành khách/hàng hóa từ các điểm tập kết tới sân bay. Chúng tôi rất mong được áp dụng cơ chế sandbox như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nói: Khoanh vùng cho doanh nghiệp thử nghiệm thí điểm, các cơ quan quản lý có liên quan cùng giám sát, sau một thời gian thí điểm thì rút kinh nghiệm để triển khai tiếp nếu thực sự hiệu quả”, Phó Chủ tịch MiSmart đau đáu tâm tư.
Hướng sang thị trường ngoại
Cùng với việc mở rộng độ phủ tại thị trường nội địa, giải pháp tổng thể drone AI gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm của MiSmart đang từng bước hướng sang các thị trường ngoại.
MiSmart đang triển khai thí điểm giải pháp drone AI cho công nghiệp tại Nhật Bản và giải pháp cho ngành nông nghiệp, ngành điện tại Úc.
Riêng về giải pháp phần mềm AI, MiSmart đã giúp một doanh nghiệp Malaysia giải bài toán đếm cây cọ, phân tích hình ảnh thu được từ camera drone (của hãng khác) để đánh giá sản lượng buồng cọ, tính ra sản lượng dầu.
Điểm mạnh của hệ thống do người Việt thiết kế là phần AI “ngon - bổ - rẻ” hơn các đối thủ cạnh tranh, khả năng thích ứng cao với các bài toán “may đo”, sẵn sàng tùy biến theo yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng, linh hoạt.
“Nếu bán mỗi drone phần cứng thì không thể cạnh tranh về giá được với Trung Quốc. Giải pháp tổng thể của MiSmart có tiềm năng thị trường khi nhiều hãng lớn chỉ bán riêng drone, không kèm giải pháp phần mềm, hoặc làm giải pháp chung chung, giống như áo may sẵn hàng loạt, giá khá cao mà mua về vẫn phải mất thêm công sức và chi phí để sửa vì không hợp kích thước người dùng. Quá trình thí điểm tại Nhật Bản và Úc cho thấy giá của MiSmart đưa ra "mềm" hơn khoảng 20% so với nhiều hãng khác. Khách hàng phản hồi tốt về sản phẩm và đang bàn tiếp câu chuyện tương lai. Tuy nhiên, muốn bán drone AI ở thị trường quốc tế thì sẽ phải xây dựng đội ngũ đại lý, đại diện, phụ trách công tác sau bán hàng tại từng thị trường. Việc này không đơn giản”, ông Phương phân tích.
Một tin vui vừa đến với MiSmart khi doanh nghiệp này có tên trong Top 6 Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ Dự án, với sự tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID.
Sự hỗ trợ từ IPSC sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group), drone của MiSmart vận hành ổn định, chi phí thấp, hiệu suất gấp hàng chục lần so với các biện pháp phun thuốc thủ công. “Đây là giải pháp hiện đại có thể ứng dụng rộng rãi. Toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 2.800 ha đất trồng lúa, trong đó có đến 90% diện tích có thể triển khai dịch vụ này”, ông Hiếu cho biết. Chia sẻ trải nghiệm sử dụng drone, anh Châu An, phi công điều khiển drone của Công ty Toàn Thắng, cho rằng thao tác trên bộ điều khiển thiết bị bay do MiSmart cung cấp khá đơn giản, giao diện dễ sử dụng do phần mềm viết bằng tiếng Việt, bên cạnh đó quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa drone rất khoa học và dễ hiểu. Đây là ưu điểm nổi trội mà những sản phẩm cùng loại của nước ngoài trên thị trường không có. |