LỜI TÒA SOẠN

Xây dựng đại học số là xu thế tất yếu của các trường đại học hàng đầu Việt Nam. Đại học số cũng là bước chuyển mình để đại học Việt Nam tiệm cận với giáo dục đại học trên thế giới. Tuy nhiên nhiều chuyên gia thừa nhận xây dựng đại học số tại nước ta còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, kinh phí, hay chưa có nguyên mẫu... VietNamNet xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Vũ Hải Quân (Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) về vấn đề này, mời quý độc giả đón đọc. 

CHUYỂN ĐỔI SỐ - SỰ GIAO THOA GIỮA CÔNG NGHỆ VÀ ĐÀO TẠO

Theo cách nói đơn giản, chuyển đổi số là “sự thay đổi về cách thức hoạt động của một tổ chức nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ bằng cách khai thác ứng dụng công nghệ và dữ liệu”.

Đối với giáo dục đại học, mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng đào tạo, phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Về bản chất, chuyển đổi số không thay đổi giá trị cốt lõi hay mô hình của một tổ chức giáo dục đại học mà là sự chuyển đổi hoạt động cốt lõi thông qua công nghệ và nền tảng số, đồng thời nắm bắt các cơ hội. Nói cách khác, chuyển đổi số là sự giao thoa giữa công nghệ và chiến lược đào tạo.

Ba tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở một trường đại học là ngân sách nhà nước ngày càng giảm, kỳ vọng ngày càng cao của người học và công nghệ ngày càng phát triển.

Ba thành phần cơ bản của quá trình chuyển đổi số gồm con người, chiến lược, công nghệ. Bốn hiệu quả được kỳ vọng khi thực hiện chuyển đổi số là nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, xuất hiện những phương thức/mô hình đào tạo mới và gia tăng nguồn lực tài chính.

Sẽ là phiến diện nếu chúng ta chỉ xem chuyển đổi số đơn thuần là giảng dạy từ xa thông qua webcam, cần phải hiểu chuyển đổi số là hệ sinh thái đào tạo hiện đại với nhiều thách thức mới, cơ hội mới.

chuyen doi so.jpeg

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một số xu hướng chuyển đổi số ở các trường đại học lớn trên thế giới cũng như những hiệu quả chuyển đổi số có thể mang lại. Đó là mở rộng đối tượng người học, gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng cách kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp; giảm chi phí nhưng tăng chất lượng đào tạo.

Việc thu thập và phân tích dữ liệu lớn của người học tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập, từ đó, các đại học có những điều chỉnh về chính sách, phương pháp giảng dạy, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người học cũng như xã hội.

Ngoài ra, sử dụng mạng lưới kết nối trực tiếp/trực tuyến với doanh nghiệp/nhà tuyển dụng để đào tạo các kỹ năng, kiến thức cần thiết sẽ giúp người học có thể làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp.

Không chỉ vậy, việc ứng dụng thực tế ảo tăng cường có thể tạo môi trường học có tương tác, nâng cao trải nghiệm học tập cho người học. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hóa quá trình học, hỗ trợ nâng cao hiệu quả của công tác giảng dạy, công tác quản lý, giáo vụ…

Yêu cầu của chuyển đổi số hiện nay là phải có tư duy thích ứng với các thay đổi nhanh và chấp nhận thay đổi, từ thói quen đến các quy trình nghiệp vụ. Phải có kiến thức cơ bản về sử dụng công nghệ ở cả cán bộ quản lý, giảng viên và người học. Chúng ta phải cải thiện hạ tầng công nghệ tức hệ thống mạng và hệ thống tính toán, thiết bị, phần mềm giảng dạy và học tập.

Đi kèm với yêu cầu là các thách thức như khả năng và mức độ sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số, hiểu được ý nghĩa và giá trị cốt lõi của chuyển đổi số của lãnh đạo, giảng viên và người học và các bên có liên quan.

Một thách thức không thể không nhắc đến là chi phí đầu tư khởi điểm cho chuyển đổi số cao so với hiệu quả ban đầu và việc hạn chế về đường truyền, băng thông và các phần mềm, thiết bị hỗ trợ giảng dạy và học tập.

HẠ TẦNG SỐ - YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ

Khả năng thành công của chuyển đổi số trong giáo dục đại học cần có hạ tầng số. Hạ tầng số bao gồm hạ tầng logic và hạ tầng vật lý. Trong đó, hạ tầng logic chính là dữ liệu, hạ tầng vật lý bao gồm mạng lưới kết nối, băng thông mạnh, phương thức sư phạm hiện đại, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm người học và quan trọng hơn hết là các công cụ/nền tảng hỗ trợ triển khai.

Những công cụ này, dưới dạng hạ tầng kỹ thuật, phải đủ ổn định và tin cậy để vận hành được các yêu cầu, tính năng của giáo dục đào tạo thế hệ mới. Vì vậy, thực hiện chuyển đổi cần có chính sách cụ thể, rõ ràng cho thành phần tiên quyết này.

Hạ tầng dữ liệu hay còn gọi là trung tâm dữ liệu là thành phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Đối với giáo dục đại học, cần hình thành một số trung tâm dữ liệu như: Trung tâm dữ liệu người học, trung tâm dữ liệu giảng viên. Các dữ liệu này cần được cập nhật, lưu trữ đồng bộ, được phân quyền quản lý và truy cập theo từng nhóm đối tượng.

Hạ tầng vật lý, cụm từ “chuyển đổi” mang nghĩa đen là thay đổi, trước tiên là thay đổi trong hạ tầng công nghệ thông tin của tổ chức như năng lực phần cứng, năng lực tính toán và mức độ làm chủ công nghệ.

Băng thông mạnh là một yêu cầu then chốt của hạ tầng số, tuy nhiên, không phải bất cứ ai hoặc từ vị trí nào cũng có được kết nối. Ngoài ra, các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa hoặc người học khiếm thị/khiếm thính cũng rất cần được lưu tâm.

Một trong những trở ngại lớn nhất của tiến trình chuyển đổi là sự chậm trễ hoặc không thích ứng kịp thời với các thay đổi. Ví dụ, giảng viên không sẵn sàng thay đổi phương pháp sư phạm, cán bộ không thích ứng với quy trình làm việc số… Huấn luyện cách vận hành, sử dụng và tiếp cận công nghệ là chìa khóa tối quan trọng để vượt qua nỗi sợ đó.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 các thầy giáo, cô giáo ít nhiều đã trải qua việc sử dụng các phần mềm Zoom, Google Meet, Microsoft Team, Powerpoint hay email/web để dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, chuyển đổi số ở giáo dục đại học không đơn giản chỉ là dạy học trực tuyến mà là công nghệ hóa toàn bộ tiến trình dạy và học, tự động hóa quy trình nghiệp vụ và quản lý, mở rộng đối tượng, năng lực, phạm vi giảng dạy, là nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng đáp ứng công nghiệp…

Kỹ năng quan trọng nhất đối với người học là “học cách để học”. Chúng ta đã đi từ giai đoạn thiếu thốn thông tin đến thời đại bùng nổ kỹ thuật số, đi từ việc ngồi thâu đêm hàng tuần trong thư viện sang việc phân loại các kết quả tra cứu của google.

Trong bối cảnh đó, thực hiện chuyển đổi số được xem là một hoạt động tất yếu để đáp ứng sự thay đổi, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo.

CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở ĐH QUỐC GIA TP.HCM NHƯ THẾ NÀO?

Hơn 10 năm qua, ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường đại học thành viên đã từng bước đầu tư, phát triển các nền tảng hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn, học thuật trong hệ thống như: thư viện số, hệ thống quản lý học vụ…

Tuy nhiên, các nền tảng này còn rời rạc, chưa liên thông trong toàn hệ thống, chưa khai thác hết những tiến bộ của công nghệ để phục vụ đào tạo, chưa thực sự hỗ trợ được cho công tác quản trị, quản lý và chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người học, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ mô hình lớp học truyền thống, tất cả mọi hoạt động đào tạo đều phải đưa lên mạng. Thực hiện chuyển đổi số là để duy trì tính liên tục và thích ứng của hoạt động đào tạo.

sinh-vien.jpeg
Sinh viên TP.HCM (Ảnh: Thanh Tùng)

Một thành phần quan trọng của quá trình chuyển đổi số ở các trường đại học là mô hình dạy học hỗn hợp (blended learning). Mô hình này lấy người học làm trung tâm, đề cao khả năng tự học, tự nghiên cứu, khả năng đặt câu hỏi thảo luận, giúp người học phát triển được những kỹ năng cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, thiết thực với công nghiệp.

Tuy nhiên, để triển khai được mô hình dạy học hỗn hợp cần phải có một kho học liệu mở đồ sộ (MOOC) với hệ thống bài giảng, bài tập, tài liệu có tính tương tác cao, được biên soạn sẵn. Đây là một thách thức không nhỏ trong bước đầu thực hiện chuyển đối số vì bên cạnh chi phí đầu tư để thực hiện còn cần sự kiên trì của giảng viên. 

Đội ngũ giảng viên cần được trang bị kỹ năng về công nghệ và phương pháp sư phạm để thực hiện chuyển đổi số bao gồm phương pháp giảng dạy theo tiếp cận mới, phương thức vận hành các công cụ/môi trường số, cách thức biên soạn tài liệu số, xây dựng bài giảng tương tác... 

Hiện nay, các hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường đại học đang chuyển dịch trọng tâm vào dữ liệu. Thực hiện chuyển đổi số trong nghiên cứu khoa học cần tập trung xây dựng các trung tâm dữ liệu, các nền tảng kết nối để hình thành mạng lưới các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng giải quyết các vấn đề lớn. 

Với sự sẵn sàng của lớp học số, tài liệu số, kho học liệu mở, đối tượng người học của trường đại học sẽ không còn bị bó buộc bởi độ tuổi. Bất kỳ ai, ở đâu, làm gì đều có thể tham gia học và nhận bằng tốt nghiệp. Các giới hạn về diện tích của trường hay khoảng cách địa lý sẽ không còn.

Một hoạt động hiệu quả trong quá trình thực hiện chuyển đổi số là khả năng phân tích dữ liệu người học. Cụ thể, từ lộ trình, tiến độ, cũng như sự tiến bộ trong quá trình học tập của người học được theo dõi và phân tích tự động. Đây là nền tảng cho việc học tập cá nhân hóa.

Từ kết quả phân loại này, người học có thể điều chỉnh nhịp độ, cường độ học tập hoặc thay đổi môn/ngành/định hướng cho phù hợp với bản thân. Người học trong nhóm nguy cơ sẽ được tư vấn, hỗ trợ trực tiếp từ nhà trường. Hệ thống cũng phân tích được các yếu tố tác động tạo ra sự khác biệt trong kết quả học tập, làm cơ sở điều chỉnh hoạt động đào tạo về sau.

Trên nền tảng dữ liệu chung là các hệ thống các ứng dụng hỗ trợ phục vụ công tác điều hành quản trị. Các hệ thống này bao gồm ứng dụng quản trị số - chữ ký số, văn phòng điện tử, thống kê dữ liệu phục vụ xếp hạng đại học, phục vụ xây dựng báo cáo, phục vụ công tác quản lý như khen thưởng, phân tích xếp loại… Các ứng dụng này cần đảm bảo tính nhất quán và liên thông trong toàn hệ thống.

Khi đã hoàn thành thực hiện chuyển đổi số, ĐH Quốc gia TP.HCM có thể nhân rộng mô hình mẫu và hỗ trợ chuyển đổi số cho các trường đại học, cao đẳng và các tổ chức có liên quan trong lĩnh vực giáo dục. 

PGS.TS Vũ Hải Quân (Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)