Gần 20 năm nay, bên cạnh mô hình dạy học truyền thống với hình ảnh quen thuộc “bảng đen, phấn trắng", một hệ thống đại học mới đã nảy mầm, ngày càng phát triển - hệ thống đại học số.
LỜI TÒA SOẠN
Xây dựng đại học số là xu thế tất yếu của các trường đại học hàng đầu Việt Nam. Đại học số cũng là bước chuyển mình để đại học Việt Nam tiệm cận với giáo dục đại học trên thế giới. VietNamNet xây dựng tuyến bài: Đại học số - “Cuộc chơi lớn” giữa các trường đại học phản ánh bức tranh hiện thực, những thuận lợi khó khăn, hướng đi… của hệ thống đại học này, mời quý độc giả đón đọc.
Trong buổi làm việc tại Đại học Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chúng ta cần nhiều kỹ sư công nghệ số mức ứng dụng để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nhu cầu nhân lực về công nghệ thông tin, công nghệ số tại Việt Nam là 150.000 kỹ sư/năm. Hiện nay, mới đáp ứng được 40-50%. Nhu cầu về nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000-10.000 kỹ sư/năm. Hiện nay, mới đáp ứng được dưới 20%.
Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh, đại học số là lời giải cho nhu cầu rất lớn về nhân lực số hiện nay. Vậy các “đại học số” ở Việt Nam đang phát triển như thế nào?
THỊ TRƯỜNG ĐÀO TẠO ĐH TỶ ĐÔ, GIÚP SINH VIÊN VIỆT TIẾP CẬN NHIỀU KHÓA HỌC TOÀN CẦU
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, TS Quách Thanh Hải, Trưởng phòng đào tạo nhìn nhận, giáo dục số và mô hình đại học số là một xu thế của thời đại mà tất cả các quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới đang thực hiện và rất có hiệu quả.
Ông Hải dẫn chứng, doanh thu từ giáo dục số trên thế giới năm 2023 khoảng 103,8 tỷ USD, trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là giáo dục đại học số với 103,8 tỷ USD (62,5%), theo thông tin của Ngân hàng thế giới- World Bank. Bên cạnh đó, đào tạo số giúp tiết kiệm lên đến 50% chi phí/sinh viên/tín chỉ. Vì vậy, theo ông Hải, giáo dục đại học của Việt Nam cần có chiến lược phát triển mô hình đại học số để tham gia sâu rộng vào trào lưu của thế giới, hội nhập và bắt kịp sự phát triển giáo dục của thời đại.
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, theo ông Hải, trong thời gian hơn 10 năm qua, nhà trường đã thực hiện nhiều nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình đại học số và từng bước triển khai vào thực tế, rút kinh nghiệm và thực hiện các điều chỉnh theo xu thế thời đại.
“Từ năm 2014, chúng tôi đã triển khai dạy học số với các hệ thống quản lý học tập LMS (Learning Management System), tạo cơ hội cho đội ngũ giảng viên có thể triển khai đa dạng hơn các mô hình dạy học tiên tiến, tích cực hóa người học như là: Project-based-learning (học tập qua dự án), work-based-learning by doing (học tập thông qua công việc), blended learning (học tập tích hợp)… Bên cạnh đó, các giải pháp số hóa văn bản, quản lý điều hành cũng được nhà trường thực hiện”- ông Hải nói.
Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho hay, những điều này góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và đã được minh chứng bằng đánh giá từ phía người học, giảng viên đến cộng đồng doanh nghiệp sử dụng kỹ sư/cử nhân của trường.
Mặt khác, cũng theo ông Hải, đến năm 2018, nhà trường tiếp tục đa dạng hóa, số hóa các hệ thống quản lý, đánh giá, về đào tạo nhà trường tiếp tục triển khai học tập trực tuyến bằng việc lựa chọn phát triển các khóa Massive Open Online Courses (MOOCs) trên nền tảng hệ thống học tập trực tuyến UTEx, do trường nghiên cứu và xây dựng nên.
Hệ thống này cho phép sinh viên được đăng ký học các học phần này cùng với các khóa MOOCs trên các nền tảng học tập trực tuyến phổ biến khác, thường được thiết kế với thời lượng tự học chiếm 70% -100% thời lượng của học phần.
Điều này giúp người học có cơ hội tiếp cận thêm nhiều khóa học chất lượng của các trường đại học khác trên toàn thế giới. Đây cũng chính những giải pháp trên giúp nhà trường vẫn vận hành, tổ chức đào tạo hoàn toàn trực tuyến trong giai đoạn giãn cách vì đại dịch Covid -19 vừa qua.
“Số” nảy mầm rất sớm tại Trường ĐH Mở TP.HCM – trường đại học chú trọng đào tạo trực tuyến, từ xa của Việt Nam. GS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, nhớ lại ngày 22/6/2006, khi chuyển trường đại học công với tên gọi là Trường ĐH Mở TP.HCM cũng là thời điểm trường bắt đầu tổ chức đào tạo theo tín chỉ và người học được chủ động đăng ký môn học trực tuyến trên mạng internet.
Lúc này, việc quản lý lớp học, lịch học, thời khóa biểu và các thông tin tổng thể khác của người học cũng đã được cập nhật vào hệ thống dữ liệu chung, giúp khâu quản lý học tập và giảng dạy được ổn định hơn.
Đến năm 2016, các chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến tại trường chính thức được triển khai sau một quá trình dài chuẩn bị, cùng với việc trường thành lập Trung tâm Đào tạo trực tuyến. Các chương trình đào tạo trực tuyến này đã đóng góp đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội và cũng đánh dấu sự chuyển đổi số trong đào tạo của trường.
Hệ thống học tập trực tuyến hiện đại – LMS 3.5, cùng với chương trình đào tạo được trường thiết kế theo chuẩn chất lượng quốc tế của tổ chức Quality Matters – Hoa Kỳ đã và đang giúp người học theo đuổi khát vọng học bất cứ khi nào, ở bất kỳ nơi đâu”- GS Hà cho hay.
Đến nay, 100% các môn học đều sử dụng LMS trong quá trình dạy và học của trường. Ba năm sau, trường bắt đầu thí điểm mô hình đào tạo kết hợp (blended learning) cho sinh viên đại học chính quy tập trung.
“Đây là do chúng tôi ứng phó một cách kịp thời trong đại dịch Covid-19, vẫn đảm bảo việc học và dạy không bị gián đoạn. Giảng viên có thể chuyển sang dạy, học trực tuyến qua LMS và các phần mềm video conference đối với các nhóm lớp có sự đồng thuận của người học”- GS.TS Nguyễn Minh Hà nhấn mạnh.
Đến năm 202, Trường ĐH Mở TP.HCM tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng hệ thống VMOOCs (Vietnam Massive Open Online Courses), cung cấp miễn phí các khóa học trực tuyến mở đại chúng Việt Nam.
“Đây còn là một “nền tảng số”, hưởng ứng mục tiêu của đề án “Phát triển hệ tri thức Việt số hóa”, được Chính phủ triển khai từ năm 2018”- ông Hà khẳng định.
"TRÁI TIM" CỦA ĐẠI HỌC SỐ LÀ ĐÀO TẠO SỐ VÀ QUẢN TRỊ SỐ
TS Tô Văn Phương, Trưởng phào đào tạo, Trường ĐH Nha Trang cho biết, hai lĩnh vực trọng tâm để chuyển đổi số của trường là đào tạo số và quản trị số. Trong đó, đào tạo số là thực hiện chuyển đổi các hoạt động đào tạo từ face-to-face trên giảng đường lên môi trường số.
Đến nay nhà trường đang thực hiện 2 mức độ là đào tạo kết hợp (blended-learning, lớp học online hỗ trợ cho lớp học tại giảng đường) với phương thức cung cấp giáo trình, tài liệu; diễn đàn trao đổi giải đáp sinh viên ngoài giờ; các bài kiểm tra, nộp bài tập online.
Đào tạo từ xa (e-learning, lớp học hoàn toàn online), tức ngoài các nội dung tương tự đào tạo kết hợp, sử dụng phần mềm video conference để giảng viên giảng bài online và tổ chức thi, đánh giá kết quả lớp học online.
“Với phương thức này, chúng tôi trọng phát triển học liệu số để sinh viên có thể tự truy cập học tập từ xa, đặt biệt các bài tập mô phỏng thực hành online, xây dựng thư viện số”- ông Phương cho biết.
Ở lĩnh vực quản trị số, ông Phương thông tin, các hoạt động quản trị liên quan đến sinh viên và cán bộ viên chức đã được thực hiện trên môi trường số như thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển sinh, làm thủ tục nhập học online.
Sinh viên đăng ký môn học, xem điểm, đóng học phí online, thực hiện các thủ tục học vụ online trên phần mềm một cửa. Mặt khác, nhà trường trang bị hệ thống văn phòng điện tử, thực hiện các hoạt động hành chính liên quan đến cán bộ viên chức online.
Học viện Hàng không Việt Nam cũng đã từng bước xây dựng đại học số. PGS.TS Trần Hoài An, Chủ tịch Hội đồng trường, cho hay để xây dựng đại học số cần phải làm 2 việc một là xây dựng công cụ quản trị và điều hành số, hai là xây dựng dữ liệu số về học liệu, bao gồm giáo án, bài giảng, giáo trình, tài liệu tham khảo, Học viện Hàng không sử dụng công cụ quản trị điều hành số trên nền tảng chuyển đổi số Base.
Trái tim của quản trị điều hành số là hệ thống các qui chế, qui định của pháp luật và nội bộ; các quy trình được chuẩn hóa (ISO) được số hóa và đưa vào phần mềm chuyển đổi số.
Theo PGS Trần Thiên Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, từ năm 2007, nhà trường đã ứng dụng công tác số hóa bằng kho học liệu BK E-Learning. Ban đầu kho học liệu này chỉ tích trữ các bài giảng, tư liệu giảng dạy như sách, báo, tài liệu tham khảo để làm chỗ cho thầy trò có thể học ngoài giờ gặp nhau trên lớp.
Đến năm 2012, nhà trường tiến hành tất cả các môn học đều sử dụng một trang E- Learning, làm một lớp học ảo trên mạng. Trường tiến hành kiểm tra, đánh giá, bài thi, bài tập lớn nhỏ. Đến năm 2018, trường tiến hành nâng cấp tiện ích hệ thống E-Learning, sinh viên có thể học nhóm, sinh hoạt trên hệ thống này.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh lớp học ảo khi toàn thể sinh viên không thể tới trường. Lúc này, 22 studio là các giảng đường, thực hiện dạy học trên hệ thống này.
“Như vậy mọi thứ trên lớp học thật đều chuyển sang lớp học ảo, chỉ duy nhất bài kiểm tra và những môn thực hành thí nghiệm chưa thể số hoá. Hiện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đang tiến tới phòng thí nghiệm ảo, sinh viên có thể làm thí nghiệm bất kỳ ở đâu miễn có máy tính với trải nghiệm như thực sự”- PGS Phúc nói.
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ sẽ chủ trì thực hiện, phối hợp cùng các bộ ngành khác và các trường xây dựng nền tảng khóa học trực tuyến mở dùng chung VN-MOOC, hỗ trợ cơ sở đào tạo hạ tầng thực hiện chuyển đổi số; thiết kế và triển khai xây dựng học liệu số và khóa học trực tuyến; phát triển mô hình học tập kết hợp (blended learning) và bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến.
ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, HV Công nghệ bưu chính viễn thông xây dựng đề án đào tạo nhân lực số.
ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì xây dựng đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành máy tính và công nghệ thông tin. Đề án Thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số đặt ra mục tiêu xây dựng được 100 khóa học trực tuyến với số sinh viên dự kiến tham gia học tập trên hệ thống MOOCs dùng chung khoảng 10.000 sinh viên.
Để xây dựng được đại học số, các trường ở Việt Nam phải vừa làm vừa học hỏi vì không có hình mẫu. Ngoài những trở ngại tới từ nguồn lực tài chính còn có yếu tố công nghệ chưa hoàn chỉnh và đặc biệt là yếu tố con người ngại thay đổi.