Theo đại diện các trường đại học, để hướng tới xây dựng, phát triển đại học số, một trong những vấn đề quan trọng là phải thay đổi tư duy lãnh đạo trường - những người "đứng mũi chịu sào".
LỜI TÒA SOẠN
Xây dựng đại học số là xu thế tất yếu của các trường đại học hàng đầu Việt Nam. Đại học số cũng là bước chuyển mình để đại học Việt Nam tiệm cận với giáo dục đại học trên thế giới. VietNamNet xây dựng tuyến bài: Đại học số - “Cuộc chơi lớn” giữa các trường đại họcphản ánh bức tranh hiện thực, những thuận lợi, khó khăn, hướng đi… của hệ thống đại học này, mời quý độc giả đón đọc.
Gần 20 năm thực hiện “số hoá” đại học, Trường ĐH Mở TP.HCM hiện có hơn 15.000 học viên trên cả nước và các quốc gia Malaysia, Philippines… tham gia chương trình cử nhân trực tuyến với 15 ngành đào tạo.
“Chúng tôi đã mang lại trải nghiệm học tập cá nhân hoá thông qua phát triển các phương thức đào tạo đa dạng và linh hoạt về không gian, thời gian, phù hợp với người học ở những nền tảng kiến thức lẫn điều kiện học tập khác nhau”- GS Nguyễn Minh Hà nói.
Ông Hà khẳng định chuyển đổi số giúp nhà trường chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Mặt khác, rào cản về tuổi tác được xóa bỏ, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với bài giảng mọi lúc mọi nơi.
Những người học có nền tảng kiến thức khác nhau được tiếp cận kho tài nguyên giáo dục mở với từng bài giảng phù hợp. Với những điều kiện học tập khác nhau, người học có thể nghe đi nghe lại bài giảng ở bất cứ đâu và trong bất kì thời gian nào.
Dưới dạng “lớp học ảo”, người học vẫn có môi trường để trao đổi với giảng viên, làm bài tập nhóm và có một hệ thống quản lý người học.
Cũng theo GS Hà, nhà trường đã xây dựng kho học liệu miễn phí với tài liệu học tập đa phương tiện (video, slide, script...), giáo trình do trường biên soạn. Trường đang hướng tới việc mở thêm nhiều khóa học miễn phí cho cộng đồng nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập.
Trường cũng cải tiến nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, tăng cường bảo mật thông tin, sao lưu dữ liệu nhằm đảm bảo an toàn cho người học và hệ thống, phát triển các dịch vụ số cho người học. GS Nguyễn Minh Hà khẳng định đây là những dấu ấn “con người”, cụ thể là sự đồng lòng của tập thể.
NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG CỦA ĐẠI HỌC SỐ
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng với đại học số, giảng viên đóng vai trò hướng dẫn hơn là người dạy kiến thức. Không gian đại học không còn là những giảng đường to lớn mà chỉ cần phòng học khoảng 15 em với sự kết nối internet. Sinh viên sẽ nhận các nhiệm vụ, dự án để thảo luận, giải quyết vấn đề, hình thành kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề trong nhóm.
Ông Dũng phân tích có ba vướng mắc cản trở phát triển đại học số ở Việt Nam. Vướng mắc thứ nhất, theo ông Dũng, lãnh đạo ngại thay đổi, khi thay đổi sợ sai lầm nên không dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Vướng mắc thứ hai tính bảo thủ trong giáo dục đại học còn rất cao, giảng viên tự ti, không mạnh dạn đổi mới. Nguyên nhân thứ ba, cơ sở vật chất không theo kịp như hạ tầng số bởi khi chuyển đại học số giảng đường, phòng học phải chuyển đổi để theo môi trường giáo dục đại học mới.
Theo PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, từ năm 2007 trường đẩy mạnh E-Learning nên dạy học trên mạng trở nên quen thuộc với giảng viên và sinh viên.
Từ quyết tâm của lãnh đạo trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, số hoá trong giảng dạy trở thành điều kiện thúc ép trường phải thực hiện. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng con người cũng là yếu tố khó khăn để tiến tới đại học số.
“Về phía người thụ hưởng - sinh viên, phụ huynh, xã hội có chấp nhận việc này không khi quan niệm học đại học là phải tới giảng đường, với bảng đen phấn trắng? Đối với người thực hiện - các thầy cô có hiểu được rằng đây là một cơ hội rất tốt để họ thay đổi và đầu tư?”- ông Phúc nói.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, còn nhiều vấn đề về đại học số cần có lời giải như quy định về đại học số, việc cấp bằng, tổ chức thi cuối kỳ... Bộ GD-ĐT yêu cầu tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến như vậy khi giảng dạy số thế nào. Việc lưu giữ minh chứng kiểm tra cuối kỳ, cuối năm ra sao?
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Hoài An, Chủ tịch hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam, cũng nhấn mạnh ý chí, quyết tâm của người đứng đầu và tập thể cán bộ lãnh đạo quản lý quyết định sự thành công của phát triển đại học số.
Theo ông An, khó khăn lớn nhất Học viện Hàng không đang gặp phải chính là yếu tố con người, tâm lý ngại thay đổi và trình độ công nghệ thông tin của một số cán bộ chuyên viên chưa tốt.
YẾU TỐ CẦN VÀ ĐỦ ĐỂ TIẾN TỚI ĐẠI HỌC SỐ
Theo TS Quách Thanh Hải, hiện Bộ GD-ĐT có kế hoạch chủ trì thực hiện, phối hợp cùng các bộ, ngành khác và các trường xây dựng nền tảng khóa học trực tuyến mở dùng chung VN-MOOC, hỗ trợ cơ sở đào tạo hạ tầng thực hiện chuyển đổi số; thiết kế và triển khai xây dựng học liệu số và khóa học trực tuyến; phát triển mô hình học tập kết hợp (blended learning) và bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến.
Mặt khác, một số đại học/trường đại học chủ trì xây dựng đề án đào tạo nhân lực số, đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành máy tính và công nghệ thông tin. Đây là các thông tin tích cực cho quá trình xây dựng phát triển đại học số ở nước ta.
Ông Hải mong muốn các kế hoạch trên diễn ra nhanh hơn từ đó, Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành những cơ chế chính sách đột phá để phát triển giáo dục số và mô hình đại học số.
Ngoài ra, các trường cần sự đầu tư có trọng điểm vào các cơ sở đào tạo đại học tiềm năng và quyết tâm lớn trong việc xây dựng mô hình đại học số. Từ đó, các đại học có nguồn lực xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, trung tâm học liệu mở, đào tạo nhân lực… để thành lập, vận hành và quản lý đại học số thành công.
PGS.TS Trần Thiên Phúc cho rằng, nếu Chính phủ quyết liệt, hỗ trợ những nền tảng chung cũng như hỗ trợ cơ sở đào tạo như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ chuyển biến dần từ việc quảng bá dạy học số đến đưa vào quy chế, quy định. Trước mắt, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ kiến nghị với ĐH Quốc gia TP.HCM và Bộ GD-ĐT công nhận bằng online, để tiến hành xây dựng giảng dạy đào tạo qua các khóa MOOC.
PGS.TS Trần Hoài An chia sẻ các trường đại học nên sử dụng 1 nền tảng chuyển đổi số chung. Bộ GD-ĐT tạo nên xây dựng 1 phần mềm chuyển đổi số để cung cấp cho tất cả các trường đại học, từ đó có thể sử dụng một số tài nguyên chung.
Tại Trường ĐH Nha Trang, TS Tô Văn Phương nhận định rào cản lớn nhất hiện nay là công nghệ vẫn chưa hoàn chỉnh, nhiều vấn đề chưa thể giải quyết được bằng công nghệ như giám sát thi cử từ xa. Mặt khác, chi phí trang bị và duy trì vận hành các hệ thống công nghệ thông tin khá tốn kém.
Ông Phương mong các cơ quan quản lý sớm hoàn chỉnh các thể chế, quy định về đào tạo số, đồng thời hỗ trợ kinh phí và công nghệ trong việc trang bị các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số, xây dựng học liệu số.
Để xây dựng được đại học số, các trường ở Việt Nam phải vừa làm vừa học hỏi vì không có hình mẫu. Ngoài những trở ngại tới từ nguồn lực tài chính còn có yếu tố công nghệ chưa hoàn chỉnh và đặc biệt là yếu tố con người ngại thay đổi.
Gần 20 năm nay, bên cạnh mô hình dạy học truyền thống với hình ảnh quen thuộc “bảng đen, phấn trắng", một hệ thống đại học mới đã nảy mầm, ngày càng phát triển - hệ thống đại học số.