Hôm nay (8/8), Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM có buổi khảo sát, kiểm tra dây chuyền sản xuất suất ăn, quy trình chế biến, nấu ăn, vệ sinh dụng cụ tại Công ty Suất ăn công nghiệp Tú Anh (Công ty Tú Anh) ở quận Bình Tân.
Công ty này mỗi ngày cung cấp khoảng 40.000 suất ăn cho các trường có tổ chức ăn bán trú, công nhân, nhân viên văn phòng các khu công nghiệp Tân Tạo, Bình Tân, Tân Phú Trung, Vĩnh Lộc (TPHCM), Trảng Bàng (Tây Ninh), Hoà Phú (Vĩnh Long)…
Trao đổi với đoàn khảo sát, bà Nguyễn Thị Nụ - Giám đốc Công ty Tú Anh - thẳng thắn cho biết, nhiều doanh nghiệp, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngại đưa ra giá thật thấp để cạnh tranh không lành mạnh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn từ nguồn thực phẩm giá rẻ, không nguồn gốc.
"Giá thực phẩm ngày càng tăng, trong khi giá mỗi suất ăn của họ vẫn giữ ở mức 18-20 nghìn đồng như nhiều năm về trước. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khác trong cung ứng suất ăn đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng" - bà Nụ nói.
Từ thực tế này, đại diện công ty đề xuất nên có quy định về giá sàn, ví dụ như giá tối thiểu cho mỗi suất ăn là 22-25 nghìn đồng (chưa bao gồm thuế). Suất ăn trong trường học nên ở mức 40 nghìn đồng/ngày (gồm ăn trưa và ăn xế).
Cùng với đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp không giấy phép, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, hiện nay đã có quy định về giá trần cho mỗi suất ăn là 35 nghìn đồng. Để quản lý tốt, cơ quan chức năng cần có thêm quy định về giá sàn, nếu không các đơn vị sẽ hạ giá để cạnh tranh, dẫn đến nguy cơ không đảm bảo chất lượng và vệ sinh.
Với các công ty tổ chức bếp ăn tập thể, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát những đơn vị có suất ăn giá thấp để đơn vị tăng chất lượng, giá cả suất ăn, nhằm đảm bảo sức khỏe cho công nhân và người lao động.
Bà Phong Lan cho biết thêm, lực lượng thanh tra của Sở quá mỏng so với số lượng cơ sở kinh doanh suất ăn nên việc quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm vẫn chưa triệt để.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở này cũng nhấn mạnh, cần tăng cường thanh tra để phát hiện những gì chưa đúng, chưa tốt ngay từ khi mới manh nha để chấn chỉnh.
"Nếu đợi đến lúc sai phạm mới kiểm tra là thất bại, vì khi đó đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Với tình hình nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra như hiện nay, nếu thanh tra không cứng, không làm đúng thì không ổn. Chúng tôi sẽ giữ quyền thanh tra đột xuất nếu có thông tin về vi phạm và tiếp tục phối hợp thật tốt để thanh tra không trùng lắp” - bà Lan khẳng định.
Sau khi kiểm tra, giám sát thực tế tại doanh nghiệp, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội cho biết, bên cạnh các doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp, Ban sẽ tiến hành các buổi kiểm tra, khảo sát tại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn, khu ăn uống tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ…