Vừa qua, cử tri ở TP.HCM kiến nghị một số vấn đề liên quan đến giáo dục, đào tạo. Cụ thể, cử tri băn khoăn về việc đánh giá học tập hiện nay như số lượng học sinh giỏi, tiên tiến quá nhiều, chưa đánh giá chính xác năng lực học tập của học sinh, không chỉ ra được các điểm mạnh để các em phát huy, điểm yếu để rèn luyện.

hsgioi.gif
Danh sách tổng hợp học lực bậc THPT tại TP.HCM năm học 2021-2022.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trả lời, theo quy định của Luật giáo dục, thẩm quyền ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) và các quy định về kiểm tra đánh giá thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT, CTGDPT 2018 (được Quốc hội thông qua) đã được điều chỉnh theo định hướng đổi mới so với Chương trình GDPT 2006 trước đây để khắc phục các hạn chế của quá trình dạy học trong đó có kiểm tra, đánh giá.

CTGDPT 2018 chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, các nhà trường chú trọng tổ chức các hoạt động học và áp dụng đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá nhất là đánh giá quá trình học tập của học sinh.

Theo chương trình này, việc đánh giá thành tích học tập học sinh theo quan điểm phát triển năng lực, không giới hạn vào khả năng tái hiện tri thức mà chú trọng khả năng vận dụng tri thức trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức hợp.

học sinh.jpeg
học sinh TP.HCM (Ảnh: Lê Huyền)

Theo đó, công nhận kết quả kiểm tra, đánh giá suốt qua trình học tập là công nhận hoạt động dạy học và giáo dục giúp tạo động lực cho học sinh học tập và rèn luyện qua quá trình học, góp phần quan trọng trong việc hình thành phẩm chất năng lực người học hiệu quả.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, hiện nay, việc đánh giá học sinh được thực hiện theo thông tư 27/2020/TT- BGDĐT (đối với học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3, 4) và thông tư 22/2021/TT-BGDĐT (đối với học sinh lớp 6, 7, 8, 10, 11). Đến năm học 2024 - 2025, khi Chương trình GDPT 2018 hoàn thành việc triển khai các cấp học sẽ thực hiện việc đánh giá, xếp loại học sinh theo 2 thông tư này.

Cụ thể: Đối với cấp Tiểu học, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức:

Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên).

Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học 7 điểm trở lên).

Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên.

Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.

Đối với cấp THCS và THPT: Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT kết quả học tập của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 (bốn) mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Mức Tốt: Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt; Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTB môn học kỳ, ĐTB môn cả năm từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có ĐTB môn học kỳ, ĐTB môn cả năm đạt từ 8 điểm trở lên.

Mức Khá: Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt; Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTB môn học kỳ, ĐTB môn cả năm từ 5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có ĐTB môn học kỳ, ĐTB môn cả năm đạt từ 6,5 điểm trở lên.

Mức Đạt: Có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức chưa đạt: Có ít nhất 6  môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTB môn học kỳ, ĐTB môn cả năm từ 5 điểm trở lên; không có môn học nào có ĐTB môn học kỳ, ĐTB môn cả năm dưới 3,5 điểm.

Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, việc khen thưởng học sinh THCS và THPT được thực hiện vào cuối năm học gồm: Khen thưởng danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có ĐTB môn cả năm đạt từ 9 điểm trở lên.

Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học.

Số học sinh giỏi TP.HCM giảm kỷ lục

Số học sinh giỏi TP.HCM giảm kỷ lục

So với năm ngoái, số học sinh giỏi lớp 12 của TP.HCM năm nay giảm kỷ lục. Toàn thành phố chỉ có 1.975 học sinh đoạt các giải Nhất, Nhì, Ba ở 12 môn thi.