Azota - nền tảng công nghệ giáo dục (EdTech) giúp giáo viên tạo và chấm điểm các bài thi trực tuyến vừa huy động được 2,4 triệu USD trong vòng gọi vốn Pre-Series A, do quỹ đầu tư GGV Capital dẫn đầu. Vòng gọi vốn này còn có sự tham gia của quỹ Nextrans và nhà đầu tư vòng trước Do Ventures.
Đây là nền tảng cung cấp giải pháp tạo và chấm bài thi tự động, công cụ giám sát thi trực tuyến cùng hệ thống theo dõi kết quả học tập của học sinh theo thời gian thực. Tất cả kết quả học tập được lưu trữ và phân tích trên hệ thống, từ đó giúp việc quản lý của giáo viên và nhà trường trở nên thuận tiện hơn.
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu khiến các trường học liên tục phải đóng cửa, đội ngũ sáng lập của Azota đã quyết tâm xây dựng một sản phẩm có khả năng đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên và giúp họ thích ứng với môi trường giảng dạy trực tuyến. Đó là lý do dẫn đến việc nền tảng EdTech này ra đời.
Azota được thiết kế với giao diện thân thiện, dễ sử dụng ngay cả với những giáo viên không quen với công nghệ. Công cụ chấm điểm tự động của startup này được xây dựng dựa trên tài liệu giảng dạy đặc thù của giáo viên Việt Nam với tỷ lệ chính xác cao, nhờ vậy cắt giảm quy trình chấm điểm thủ công từ hai giờ xuống chỉ còn hai phút.
Sau chưa đầy một năm ra mắt, hiện có hơn 700.000 giáo viên và 10 triệu học sinh sử dụng sản phẩm của Azota. Vào giai đoạn cao điểm, startup này phục vụ hơn 6 triệu người dùng mỗi tháng. Khoảng 300 triệu bài tập đã được nộp thông qua hệ thống của ứng dụng này.
Azota là sản phẩm EdTech Việt Nam hiếm hoi được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình đào tạo giảng dạy trực tuyến quốc gia năm 2021, bên cạnh các nền tảng nước ngoài.
Đáng chú ý, trong năm 2021, nền tảng này còn được vinh danh tại một số cuộc thi công nghệ cấp quốc gia, trong đó có Giải Vàng Sản phẩm Công nghệ số trong cuộc thi Make in Vietnam năm 2021.
Theo Azota này, nguồn vốn 2,4 triệu USD vừa huy động sẽ được đầu tư vào công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời giới thiệu nhiều tính năng mới để phục vụ tốt hơn nhu cầu của giáo viên.
Mục tiêu của startup là trở thành một hệ thống hỗ trợ giảng dạy toàn diện, có thể tối ưu hóa phương pháp dạy học offline kết hợp online trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19.
Trọng Đạt