Trong bối cảnh các giao dịch tại chỗ bị giới hạn, các số liệu cho thấy số lượng thanh toán không tiền mặt tăng mạnh trong thời gian gần đây ở hầu hết các lĩnh vực.
Một quán cà phê ở TP.HCM khuyến nghị khách giao dịch không tiền mặt. (Ảnh: Hải Đăng) |
Thống kê của Payoo cho thấy kể từ thời điểm nhiều địa phương mở cửa trở lại ngày 1/10, nhiều ngành nghề và lĩnh vực đã có sự phục hồi trở lại. Trong đó tăng mạnh nhất là mảng siêu thị hàng tiêu dùng, hàng điện máy, và mảng giáo dục. Báo cáo của công ty dựa trên số lượng giao dịch thanh toán trên nền tảng do họ cung cấp.
Theo báo cáo, tăng trưởng mạnh nhất nằm ở mảng giáo dục. Việc chuyển dịch từ offline sang online trong lĩnh vực giáo dục trong tình hình hiện tại đã khiến các giao dịch trực tuyến ở mảng này tăng lên.
Tính từ đầu tháng 10 đến nay, mảng online của nhóm giáo dục có mức tăng trưởng bứt phá, gấp 10 lần so với cùng kỳ tháng 4/2021. Song song với việc chuyển đổi sang online của những trung tâm giảng dạy hiện có, trong thời điểm dịch bùng phát vào tháng 7 và 8/2021, hệ thống Payoo ghi nhận thêm nhiều đơn vị danh tiếng khác trong lĩnh vực này tích hợp hệ thống thanh toán qua mạng.
“Không ít đơn vị trước đây chỉ lèo tèo vài giao dịch online vì tập trung thanh toán trực tiếp tại trung tâm, nay đã có sự chuyển đổi với giá trị giao dịch trực tuyến tăng trưởng ấn tượng”, báo cáo của nền tảng thanh toán cho hay.
Ở lĩnh vực hàng quán, tỷ lệ phục hồi chung của ngành chỉ đạt khoảng 20-30% do vẫn còn chịu ảnh hưởng của các quy định giãn cách và không cho bán đồ ăn uống tại chỗ (số liệu chưa cập nhật đến giai đoạn nhiều địa phương cho ăn tại quán như hiện tại).
Dù vậy, báo cáo đánh giá một số chuỗi cửa hàng có những chiến lược bán và giao hàng tốt, cộng hưởng với nhu cầu của người dùng rất cao dù mua mang về nhưng đã có mức phục hồi ấn tượng, thậm chí cao hơn lúc trước dịch.
Mảng thanh toán online cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh ở các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, báo cáo 9 tháng đầu năm của Thế Giới Di Động cho thấy doanh thu online đóng góp gần 9.320 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ).
Riêng trong tháng 9, do các thiết bị điện tử - điện máy được giao hàng thông suốt trở lại, hoạt động kinh doanh online tăng mạnh, đóng góp 1.670 tỷ đồng và chiếm 27% tổng doanh thu của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh. Doanh số online tăng 118% so với cùng kỳ và gấp đôi mức bình quân thời điểm trước dịch.
Kênh bán hàng qua website bachhoaxanh.com có số lượng đơn hàng lũy kế gấp 4 lần và doanh thu lũy kế gấp 5 lần so cùng kỳ 2020. Tỷ trọng online trong tổng doanh thu Bách hoá Xanh lần lượt là khoảng 3% lũy kế sau 9 tháng và 5% chỉ tính riêng tháng 9.
Báo cáo 9 tháng của FPT Retail (sở hữu FPT Shop và nhà thuốc Long Châu) cũng cho thấy xu hướng tương tự. Mảng online của FRT thu về 4.610 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với 9 tháng năm 2020 và chiếm 33% tổng doanh thu hợp nhất của công ty.
Trên Lazada trong quý 3/2021, số lượng nhà bán tham gia mới đã tăng 1,5 lần so với năm ngoái. Trong đó, doanh thu của các sản phẩm máy tính (bao gồm máy tính cá nhân và máy tính để bàn) ghi nhận mức tăng trưởng gấp 5 lần so với cùng kỳ. Riêng ngành hàng bách hóa đứng đầu doanh thu trong quý 3/2021 với mức tăng trưởng hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng thực phẩm tươi sống tăng gấp 17 lần.
Ngoài xu hướng gia tăng của các giao dịch online, Payoo cho hay giải pháp thanh toán từ xa cũng đang bắt đầu nở rộ. Trong giai đoạn dịch và hậu dịch, khi đa số người dùng vẫn đang ngần ngại thanh toán trực tiếp tại quầy, giải pháp thanh toán từ xa phù hợp với những đơn vị chưa có sẵn hệ thống nền tảng và website thương mại điện tử. Giải pháp này triển khai nhanh chóng, không yêu cầu cao về mặt kỹ thuật.
Với giải pháp này, người bán sẽ tạo yêu cầu thanh toán trên hệ thống và tận dụng các công cụ OTT và mạng xã hội, hoặc SMS, email để bán hàng và giao tiếp thông tin thanh toán. Khách hàng dù ngồi tại nhà cũng có thể thanh toán bằng link do người bán gửi tới, với các phương thức thanh toán bằng thẻ nội địa, thẻ quốc tế, quét mã QR.
Hải Đăng
Mạo danh nghệ sĩ để bán hàng online
Kẻ giả mạo lập ra các trang bán hàng trên mạng xã hội, sử dụng rất tinh vi hình ảnh của người nổi tiếng để tiêu thụ hàng hoá.