Người phụ nữ đa tài
Ở tuổi 70, nhà văn, biên kịch, đạo diễn, diễn viên Nguyễn Thị Minh Ngọc (SN 1953, TP.HCM) vẫn rất tinh tấn, duyên dáng.
Trong tập 186 chương trình Gõ cửa thăm nhà, biên kịch Minh Ngọc lan tỏa nhiều thông điệp sống và làm nghề tích cực.
Dù trải qua tuổi thơ cơ cực, sống đời nay đây mai đó nhưng mỗi lần nhắc lại, bà đều biết ơn những buồn vui ngày cũ.
“Mẹ tôi gặp cảnh mẹ ghẻ con chồng. Bà không chỉ chịu đựng một dì ghẻ mà đến tận 9 đời mẹ kế. Đến một ngày, bà không chịu nổi nữa, bỏ nhà vào Sài Gòn học nghề may.
Chỗ bà học may là cơ sở bí mật của cách mạng. Cơ sở bị lộ, thực dân Pháp bắt giam mẹ tôi và các chiến sĩ cách mạng.
Mẹ tôi lần lượt bị giam tại khám lớn Sài Gòn và nhà tù Bà Rá ở Bình Phước. Trong thời gian này, bà tiếp xúc với nhiều bạn tù và giác ngộ lý tưởng cách mạng.
Tại khám lớn Sài Gòn, bà bị giam trong căn phòng từng giam cầm bà Nguyễn Thị Minh Khai. Về sau, bà đặt tên các con là Minh Châu, Minh Ngọc, Minh Phượng… để nhắc nhớ kỷ niệm đặc biệt đó”, nữ biên kịch kể.
Được cứu ra khỏi cảnh tù đày, mẹ biên kịch Minh Ngọc tiếp tục hoạt động cách mạng. Thế nên, chị em bà theo mẹ sống cảnh nay đây mai đó.
Bao nhiêu tài sản, mẹ bà đều bán hết, chỉ còn lại sách. Đam mê văn chương, sân khấu của biên kịch Minh Ngọc bắt đầu từ những quyển sách đó.
Nhờ sống đời rong ruổi, bà có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nghe được vô vàn câu chuyện hay.
Bà nhớ lại: “Tôi từng sống ở Pleiku, học chung với người đồng bào. Có lúc, cả nhà lại ngược ra Huế, tôi học dự bị Y khoa.
Năm 1975, tôi về lại Sài Gòn nhưng thi trường nào cũng rớt, chỉ đậu mỗi trường sân khấu điện ảnh”.
Tự nhủ nghề chọn người, biên kịch Minh Ngọc hết lòng hết dạ với sân khấu. Tốt nghiệp, bà hoạt động nghệ thuật và đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ cải lương và kịch nói.
Các nghệ sĩ được bà dìu dắt đã thành danh trong và ngoài nước như: NSƯT Hữu Châu, Hữu Nghĩa, Hồng Đào, Quang Minh…
Biên kịch Minh Ngọc là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đưa tác phẩm Việt Nam vào sân khấu Broadway tại NewYork, Mỹ. Bà vinh dự là nữ biên kịch người Việt duy nhất tham dự Đại hội phụ nữ viết kịch thế giới.
Lấy chồng ở tuổi 51
Trái ngược với sự nghiệp thăng hoa, chuyện tình cảm của biên kịch Minh Ngọc gặp nhiều trắc trở.
Bà tâm sự: “Tôi chuẩn bị áo cưới rất nhiều lần nhưng vào giờ chót đều gặp trục trặc. Thế nên, tôi không còn thiết tha chuyện chồng con”.
51 tuổi, bà tin chắc mình phải sống đời đơn lẻ thì người đàn ông định mệnh lại xuất hiện.
Lúc đó, em gái của bà rời cuộc hôn nhân đầu cùng hai người con thơ dại. Thương em thương cháu, bà san sẻ tiền bạc, mong muốn tìm cho em gái một người đàn ông tốt.
Trên chặng đường tìm chồng cho em, biên kịch Minh Ngọc lại trở thành “tình yêu sét đánh” của người đàn ông dở dang 2 đời vợ.
“Hôm đó, tôi từ Mỹ sang Canada thăm em gái thì vô tình gặp gỡ người chồng hiện tại. Người bạn đón ông ấy ở sân bay, cũng là người đến đón tôi về nhà em gái.
Do em gái tôi bận việc, chưa có mặt ở nhà nên người bạn này chở chúng tôi đi dạo một vòng. Chúng tôi có dịp chụp ảnh cùng nhau, trò chuyện đủ thứ.
Vậy thôi, khoảng mười mấy tiếng sau, ông cầu hôn tôi. Tôi từng từ chối nhiều người nhưng đến ông ấy, tôi lại không nghĩ ra được lý do”, nữ biên kịch 70 tuổi kể.
Bối rối, bà liền nghĩ cách làm khó, ra điều kiện ông phải nhận nuôi một người cháu của bà. Không ngờ, ông nhanh chóng đồng ý và còn tuyên bố: “Nhận nuôi 2 đứa cũng không sao”.
Giữ lời, bà chấp nhận lấy chồng ở tuổi 51. Ngày cưới, bà mặc áo dài xưa màu đỏ, e ấp đứng cạnh ông.
Người thân, bạn bè, học trò… yên tâm khi thấy bà nở nụ cười hạnh phúc trong ngày trọng đại.
“Chúng ta nghĩ lấy chồng muộn là bất hạnh nhưng đôi khi, lấy chồng muộn như bà Ngọc lại vui”, một người bạn thay mặt mọi người phát biểu ở lễ cưới.
Đám cưới của cô dâu 51 tuổi dĩ nhiên sẽ khác hơn những cô dâu tuổi đôi mươi. Bà nhận ra điều đó nhưng không buồn. Thậm chí, bà còn vui trước những lý do vắng mặt không tưởng của khách mời.
Biên kịch Minh Ngọc kể: “Nhiều người nhận thiệp cưới của tôi nhưng không đến dự. Người thân, bạn bè gần gũi thì biết chuyện tôi lấy chồng trễ, còn nhiều người không để tâm.
Khi nhận thiệp cưới, họ nghĩ là bạn bè mời dự cưới của con cháu. Cho nên, họ chỉ xem đến tên cha mẹ của cô dâu chú rể.
Thấy tên cha mẹ lạ hoắc, họ bỏ thiệp sang một bên, không xem tên cô dâu chú rể, rồi bỏ lỡ luôn ngày cưới của tôi”.
Từ người phụ nữ chỉ biết viết văn, kịch bản, diễn xuất… bà Ngọc tập tành nấu ăn, “đóng vai” vợ hiền đúng nghĩa.
Bà vốn chỉ biết đun nước sôi, qua 20 năm kết hôn thì món ăn nào cũng nấu chuẩn vị. Những lúc về Việt Nam, bà thường chuẩn bị nhiều món ăn như: Hủ tiếu, bún bò, phở… để ông dùng dần.
Một lần, ông bị tai nạn giao thông, cơ hội phục hồi gần như bằng không. Bà không quản ngại, ngày đêm chăm sóc.
Sau biến cố, ông càng nể trọng và yêu thương bà hơn. Hiện tại, ông chính là hậu phương vững chắc, chắp cánh ước mơ nghệ thuật của vợ.