Tình yêu cháy bỏng
Xuất hiện trong tập 168 chương trình Tình trăm năm, ông Nguyễn Văn Sửu (67 tuổi) khiến người xem bất ngờ khi nhiều lần rơi nước mắt. Ngồi cùng vợ, bà Nguyễn Thị Lan (64 tuổi), mỗi khi kể lại kỷ niệm xưa, ông lại sụt sùi.
Cách đây gần 40 năm, ông Sửu gặp gỡ bà Lan sau những lần đến ngân hàng giao dịch. Qua tìm hiểu, ông thấy bà hiền lành, dịu dàng phù hợp với tính cách của một người lính như mình.
Ông quyết định làm quen, chinh phục cô nhân viên ngân hàng. Trong khi đó, sau những lần gặp đầu tiên, bà Lan cũng có cảm tình với ông Sửu.
Tuy vậy, bà không dám chấp nhận tình cảm của ông Sửu vì mặc cảm. Bà tự thấy mình thấp bé, từng gãy chân trong khi ông Sửu lại cao lớn, có ngoại hình ưa nhìn.
Sự mặc cảm ấy khiến quá trình tìm hiểu, chinh phục của ông Sửu gặp nhiều khó khăn. Thế nên sau 2 năm quen biết, ông mới dám ngỏ lời cầu hôn.
Dù đã quen biết 2 năm nhưng khi được ông Sửu tỏ tình, bà Lan vẫn chưa hết mặc cảm. Bà nói ông Sửu hãy suy nghĩ cho kỹ, sợ sau này khi cưới nhau rồi ông sẽ hối hận.
Trước những hoài nghi ấy, ông Sửu chứng minh sự kiên quyết, tình yêu cháy bỏng của mình bằng lời giải thích: “Anh yêu em chân thành và xác định em sẽ là người vợ của anh. Em hãy yên tâm”.
Lời tỏ tình, giãi bày mộc mạc nhưng chân thành ấy khiến bà Lan cảm động. Bà gật đầu đồng ý trở thành vợ anh lính nghèo điển trai.
Ngay sau đó, ông Sửu báo cáo, xin phép đơn vị về quê, đến thăm gia đình bà Lan. Tại đây, ông được bố mẹ bà Lan quý mến, chấp nhận gả con gái.
Trở lại đơn vị trong niềm hạnh phúc, ông Sửu nhờ cấp trên cử đoàn đại điện đến ngân hàng nơi làm việc của bà Lan nói chuyện kết hôn. Sau bữa cơm thân mật giữa đơn vị của ông Sửu và nơi làm việc của bà Lan, ông bà trở về quê làm lễ báo hỷ.
Gia cảnh khó khăn, ông bà trở thành vợ chồng sau những buổi lễ ra mắt đôi bên gia đình giản đơn, đạm bạc. Bà Lan kể: “Chúng tôi cưới nhau mà không có nhẫn cưới, không hoa, không quà…
Về nhà chồng, chúng tôi cũng không có phòng tân hôn mà phải ngủ dưới bếp. Chỗ ngủ chỉ là một tấm chiếu nhỏ trải trên lớp rơm khô được chồng tôi lót sẵn dưới nền nhà.
Dẫu vậy, tôi không buồn vì chồng tôi khi ấy rất nghèo. Khi đến với nhau, ông ấy cũng đã nói với tôi về gia cảnh của mình. Tôi yêu ông ấy nên chấp nhận tất cả”.
Trở thành vợ của anh lính nghèo, bà Liên tiếp đón nhận những biến cố, thăng trầm. Khởi đầu là bà không giữ được đứa con trong bụng. Hai năm sau, khi đang mang thai lần thứ 2, bà nghe tin người em thứ 5 của ông Sửu bỏ học.
Sợ em không có tương lai, ông Sửu bàn với bà Lan đưa em về ở chung để dạy dỗ trong nỗi lo bà không đồng ý. Thật bất ngờ, bà Lan không phản đối dù lúc ấy gia cảnh ông bà vô cùng khó khăn.
Năm ấy, em ông Sửu 11 tuổi. Nhà chật, không có phòng riêng, vợ chồng ông Sửu phải ngủ chung với em trai.
Dẫu vậy, bà Lan không một lời than vãn hay buồn lòng dù nhiều lúc cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Thương ông Sửu, bà chấp nhận cuộc sống khốn khó, ở nhà chăm con, nuôi em chồng để ông đến đơn vị công tác.
Vượt nghịch cảnh
Ông Sửu xúc động kể: “Tại đơn vị, tôi là cán bộ sư đoàn nên hay đi công tác. Mỗi lần đi, tôi báo cáo người quản lý cắt cơm ở sư đoàn, giữ nguyên tất cả tem phiếu, tiêu chuẩn của mình.
Sau đó, khi về phép thăm vợ, tôi lại lên quản lý xin thanh toán phần cơm, tem phiếu trước đây chưa dùng đến. Được bao nhiêu, tôi đem về cho vợ để nuôi con, nuôi em”.
Một năm sau, người em khác của ông Sửu xuất ngũ và không xin được việc làm. Người này lại viết thư xin đến ở với vợ chồng anh trai. Nhận thư, ông Sửu xót xa, rơi nước mắt.
Một lần nữa, ông lại cắn răng mở lời, xin vợ cho phép mình đưa em trai lên sống chung. Tại chương trình, khi nhắc đến kỷ niệm này, ông Sửu không cầm được nước mắt, xúc động đến nói không thành lời.
Thấy chồng xúc động, bà Lan ngắt lời cho biết, khi được ông Sửu mở lời, cưu mang thêm một người em, bà đồng ý ngay. Thương chồng, bà cố gắng gánh vác mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình.
Dù cuộc sống gia đình thêm thắt ngặt, bà không một lời oán trách chồng. Bà cũng không gây khó dễ với các em chồng mà chung sống hòa thuận, êm ấm.
Những hy sinh ấy khiến ông Sửu cảm động, thương yêu bà hết mực. Ông Sửu kể: “Thời điểm ấy, vợ chồng tôi khổ lắm. Để nuôi 2 em và một đứa con, vợ chồng tôi thường phải nhịn ăn.
Không đủ gạo, tôi phải mua thêm ngô xay về trộn với gạo để nấu ăn. Mỗi sáng, vợ tôi phải mua thêm sắn, luộc lên cho các em và con ăn qua bữa. Thương vợ, thấy mình không nuôi được con và 2 em, tôi quyết định chuyển ngành”.
Ông Sửu rời quê vào Lâm Đồng lập nghiệp. Nơi đất khách, ông bà có công việc mới nhưng buộc phải sống xa nhau. Vì tính chất công việc, vài tháng ông Sửu mới được về nhà thăm vợ, con một lần.
Chồng vắng nhà, mặc người đời khen chê, nói ông Sửu sẽ ngoại tình, có người khác, bà Lan vẫn tin tưởng, một mình chăm con. Sự tin tưởng ấy của bà được chồng đền đáp xứng đáng.
Thấy vợ nhiều lần hư thai, ông Sưu xin đơn vị nghỉ không lương 1 năm. Suốt thời gian nghỉ phép, ông chỉ ở nhà chăm sóc vợ, đưa đón bà đi làm mỗi ngày. Khi thấy sức khỏe vợ tạm ổn định, ông mới tiếp tục công việc.
Sau đó, ông bà rẽ bước sang kinh doanh và có thu nhập tốt, cuộc sống đi lên. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, ông bà gặp biến cố và vỡ nợ. Sự việc khiến bà Lan suy sụp, sống như người vô hồn.
“Lúc đó, ông ấy ở bên cạnh động viên tôi. Ông giành làm hết mọi việc để tôi ổn định tinh thần. Sau đó, người quỵt tiền chúng tôi trả nợ bằng cách gán đất. Tôi bán đất ấy đi để lấy tiền trả cho người thân lúc trước đã vay. Từ đó, cuộc sống ổn định hơn”, bà Lan tâm sự.
Suốt thời gian cuộc sống gặp nhiều sóng gió, thăng trầm, cuộc hôn nhân của ông Sửu và bà Lan vẫn luôn bền chặt. Dù nhiều lúc vì áp lực cuộc sống, vợ chồng ông xảy ra những mâu thuẫn nhưng cả hai chưa bao giờ cãi vã, làm đau lòng nhau.
Bà Lan chọn cách nhường nhịn chồng vì biết ông Sửu nóng tính. Sau khi chồng nguôi giận, bà mới nhẹ nhàng góp ý.
Mỗi lần như vậy, ông Sửu nhận ra những điều chưa đúng của mình và dần thay đổi. Hiện, ông bà có cuộc sống hạnh phúc, gia đình ấm êm bên mẹ già và con cháu.
Cuối chương trình, ông Sửu gửi lá thư tay bí mật cho vợ. Trong thư, ông nhắc nhớ kỷ niệm và những khó khăn mà ông bà đã cùng nhau nếm trải. Cuối thư, ông không quên cảm ơn bà Lan vì đã hy sinh cho mình và gia đình trước khi hứa sẽ yêu thương, chăm sóc bà suốt phần đời còn lại.
Lời thư xúc động khiến bà Lan không giấu được niềm hạnh phúc. Bà chia sẻ: “Ở nhà, tôi chưa từng được ông ấy nói những câu nói ngọt ngào như thế. Tôi thực sự cảm động và biết ơn những tình cảm của ông ấy dành cho mình suốt 38 năm qua”.