Ngày 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về tình hình phát triển kinh - tế xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý một 2023 tăng 5,8%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gần 178.000 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, thu hút 1,7 tỷ USD vốn FDI (bằng cả năm 2022).
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, lãnh đạo Hà Nội cho biết, thành phố tiếp tục phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị; rà soát, xử lý dứt điểm các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ. TP Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng đường Vành đai 4; các dự án đường sắt đô thị; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội dành nhiều thời gian đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành về 7 tuyến đường sắt trên địa bàn.
Đối với dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, tiến độ đã đạt khoảng 76,5%, thành phố đang phấn đấu hoàn thành đoạn trên cao trong năm 2023. Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép UBND TP được thực hiện thanh toán từ nguồn vốn ứng trước của ngân sách để giải ngân thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn của dự án.
Dự án đường sắt Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc có tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng. TP Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA để đầu tư dự án.
TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu, triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Hà Đông - Xuân Mai từ nguồn vốn ODA để đảm bảo đồng bộ kỹ thuật, công nghệ với đoạn tuyến (Cát Linh - Hà Đông) hiện đang hoạt động.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông báo Chính phủ Australia tài trợ không hoàn lại 4,5 triệu AUD để thực hiện nghiên cứu tiền khả thi của tuyến đường sắt Nội Bài – Ngọc Hồi.
Để tận dụng nguồn tài trợ trên, TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng thống nhất chủ trương sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) để nghiên cứu tiền khả thi dự án mà không gắn với dự án đầu tư. Việc xác định thức hình thức đầu tư cho dự án sẽ được đề xuất sau khi có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Với tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, UBND TP Hà Nội cho biết, ngày 14/10/2022, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về phương án tuyến và vị trí ga ngầm C9 (cạnh hồ Hoàn Kiếm).
Trên cơ sở vị trí ga C9 điều chỉnh, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo chủ đầu tư rà soát, cập nhật lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh nội dung về diện tích sử dụng đất, chiều dài đoạn ngầm, nổi. Đồng thời tổ chức thẩm định nội bộ và báo cáo HĐND TP cho ý kiến trước khi trình lại Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo phương án ga C9 điều chỉnh.
TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xem xét đẩy nhanh quá trình cho ý kiến để hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo trong năm 2023.
Đối với dự án đường sắt ga Hà Nội - Hoàng Mai, TP Hà Nội đã trình Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA. Để tránh chậm trễ, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành thống nhất về việc giải trình của thành phố phù hợp với mức độ thông tin ở giai đoạn lập đề xuất dự án.
Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương bàn giao hồ sơ tài liệu cho thành phố quản lý theo quy hoạch hệ thống mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để triển khai tuyến đường sắt Yên Viên – Ngọc Hồi.