Tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc có chiều dài 38,43km, trong đó có 6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93 km đi trên mặt đất. Dọc tuyến đường sắt đô thị có 21 ga và 2 khu depot.
Tổng mức đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5 khoảng 65.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), dự kiến huy động từ năm nguồn gồm: Vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 15.000 tỷ đồng); tiền thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn huy động vốn đấu giá một số khu đất trên địa bàn Hà Nội (khoảng 15.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu của thành phố (khoảng 10.000 tỷ đồng) để đầu tư cho dự án…
Hà Nội dự báo giao thông trên tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc năm 2025 vào khoảng 273 nghìn lượt khách/ngày đêm, tương đương hơn 24,7 nghìn lượt khách/giờ cao điểm.
Đến năm 2050, con số này dự báo đạt hơn 780 nghìn lượt hành khách/ngày đêm, tương đương hơn 63,8 nghìn lượt khách/giờ cao điểm.
Hà Nội dự kiến lựa chọn hệ thống vận tải trung bình (MRT) với tốc độ chạy tàu khoảng 120km/h, đoạn ngầm khoảng 90km/h.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025, được vận hành thử và bàn giao vào cuối năm 2025, nghiệm thu và thanh quyết toán trong hai năm 2026 - 2027.
Việc Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến 2025 chạy thử đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc, đồng nghĩa với việc tuyến đường sắt này được đầu tư trong thời gian rất ngắn từ 2 - 3 năm.
Theo quy hoạch hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị, trong đó có 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 75,6km đi ngầm.
Cụ thể, tuyến số 1: Yên Viên - Ngọc Hồi dài 38,7km; tuyến số 2: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 35,2km; tuyến số 2A: Cát Linh - Hà Đông dài 14km; tuyến số 3: Nhổn - Hoàng Mai dài 48km; tuyến số 4: Đông Anh - Mê Linh dài 54km; tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc dài 39km; tuyến số 6: Nội Bài - Tây Ngọc Hồi dài 43km, kết nối với tuyến số 4; tuyến số 7: Hà Đông - Mê Linh dài 35km; tuyến số 8: Hoài Đức - Gia Lâm dài 28km...
Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ hoàn thành được 13km tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và đang thi công 12,5km của tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
TP Hà Nội dự kiến trong vào dịp 30/4 năm nay sẽ khai thác thương mại đoạn đường sắt trên cao của tuyến Nhổn – ga Hà Nội, dài 8km.