Xem lại bài 1: Những trăn trở của "đầu tàu" Hà Nội

Xem lại bài 2: Giấc mơ tăng trưởng của Thủ đô

Trong số đó, đáng kể nhất là nỗ lực thu hồi, rút phép các dự án dang dở, chây ì, được cấp phép vội vã chỉ trong thời gian ngắn trước khi Hà Nội mở rộng năm 2008.

Đất đai không thể để hoang hóa 

Thời điểm đó, báo chí từng nêu, chỉ trong hơn nửa đầu năm 2008, trước khi Hà Nội chính thức mở rộng, 11.800ha đất đã được giao cho hàng trăm dự án, tương đương diện tích của 5 năm trước đó cộng lại. Kể từ đó đến nay, thêm hàng trăm dự án cũng đã được cấp thêm nhưng không được triển khai, lãng phí nguồn lực của Thủ đô.

Trong khi Hà Nội không có dự án bất động sản mới, người dân không có cơ hội mua nhà, căn hộ, thì một lượng lớn dự án đó được “quây tôn”, hay để cỏ mọc um tùm, đất đai hoang hóa. Chỉ cần đi ra khỏi trung tâm vài km, đất đai vẫn còn bao la, nhưng đều có chủ rồi.

Qua nhiều nhiệm kỳ, các chính quyền trước của Thủ đô đã có kế hoạch thu hồi một số trong các dự án để hoang nhưng vấn đề này ngày càng trở nên nhức nhối.

Chủ trương của Hà Nội là rà soát để xem dự án nào không còn đủ điều kiện thì thu hồi cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong cuộc gặp mặt với DN cuối năm 2021, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói một cách thẳng thắn rằng, chỉ cần tháo gỡ một phần những việc đang tồn đọng là kinh tế thủ đô đã thay đổi nhanh chóng.

Ông Dũng giải thích với VietNamNet, hiện nay có vài trăm dự án phát triển nhà ở đô thị được giao đất từ thời tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh khi thuộc tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang nằm yên đó. 

Chủ trương của Hà Nội là rà soát lại để xem dự án nào không còn đủ điều kiện thì thu hồi cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự, hay xem xét lại một loạt dự án theo hình thức BT trước kia không triển khai. “Làm được việc này, Thủ đô sẽ được bổ sung một nguồn lực rất lớn cho phát triển”, ông nói.

Tinh thần này đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ủng hộ trong Nghị quyết 15. Nghị quyết nêu, Hà Nội cần có cơ chế, chính sách phù hợp để xử lý, thúc đẩy các dự án chậm triển khai, nhất là các dự án được phê duyệt từ trước thời điểm điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Tinh thần quyết liệt này chắc chắn được ủng hộ khi nhiều chủ dự án sau khi được giao đất chỉ cần rào lại rồi bán sang tay hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng mà Nhà nước và người dân không được lợi gì từ đó.

Cuối tháng 4 vừa rồi, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. 

Được biết, các cơ quan hữu quan của Hà Nội đã xác định có hơn 400 dự án chậm tiến độ cần thanh tra, kiểm tra để đề ra biện pháp xử lý. UBND TP cho biết đã ban hành quyết định thu hồi 4 dự án do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai thực hiện hoặc có văn bản đề nghị trả lại, xin dừng thực hiện, bao gồm các khu đô thị mới Prime Group, Vinalines, BMC, Việt Á.

Đó là những nỗ lực bước đầu của chính quyền Thủ đô.

Mũi nhọn chuyển đổi số

Trong một cuộc gặp với lãnh đạo Hà Nội, TS Trần Đình Thiên góp ý thẳng thắn, Thủ đô cần ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; cải cách thể chế và cải cách hành chính; thu hút nhân tài...

Đây cũng chính là những mũi đột phá phát triển mà lãnh đạo Hà Nội chia sẻ với nhiều đồng cảm và không ít tâm tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Giao khu công nghệ cao Hoà Lạc cho Hà Nội quản lý là khả thi và sẽ giải quyết được một số vướng mắc"

Thúc đẩy khoa học công nghệ là một trong những ưu tiên hàng đầu cho đất Thăng Long, được đặc biệt nhấn mạnh trong Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Nghị quyết yêu cầu Hà Nội đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Điểm đột phá này nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Chính phủ ở lúc này, hay lúc khác, ví dụ tại phiên chất vấn Thủ tướng ở kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 15, tháng 11/2021. Đại biểu Khuất Việt Dũng (đoàn Hà Nội) đã chuyển đến Thủ tướng kiến nghị của cử tri về dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc và dự án xây dựng Đại học quốc gia cũng tại Hòa Lạc.

Đại biểu phản ánh, sau 2 thập kỷ, kết quả thực hiện cả 2 dự án đều thua xa kỳ vọng, gặp khó khăn trong bố trí, thu hút vốn đầu tư và đề nghị Thủ tướng cho biết chủ trương, giải pháp của Chính phủ.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay cũng trăn trở về việc này. Ông đã trao đổi với Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Huỳnh Thành Đạt là Bộ phải làm 10, 20 khu công nghệ cao chứ không phải tập trung vào một cái, Bộ phải tập trung làm quản lý nhà nước.

Theo Thủ tướng, việc này trước đây giao cho Bộ Khoa học - Công nghệ là đúng vì lúc đó ta chưa có kinh nghiệm, chưa có nguồn lực, chưa có thể chế hoàn chỉnh. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của TP.HCM và các nước khác để cho Bộ Khoa học - Công nghệ thực hiện làm quản lý nhà nước, còn giao khu công nghệ cao Hoà Lạc cho Hà Nội quản lý là khả thi và sẽ giải quyết được một số vướng mắc.

Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc mới chỉ là một trong những nền tảng để Hà Nội thúc đẩy khoa học công nghệ. Nghị quyết 15 yêu cầu Hà Nội: thúc đẩy phát triển DN đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị với các DN trong vùng kinh tế và cả nước cũng như trong khu vực và thế giới; chủ động thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài; ưu tiên các ngành, lĩnh vực có đóng góp tích cực cho quá trình tái cơ cấu kinh tế; thu hút các tập đoàn đa quốc gia thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại Hà Nội.

Để đạt được yêu cầu đó, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được ưu tiên đặc biệt. Nghị quyết 15 yêu cầu nâng cao “toàn diện” chất lượng giáo dục và đào tạo. Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế... 

Liệu Hà Nội có cất cánh được hay không trong trung hạn và dài hạn? Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết mới, đặt ra lộ trình rất cao cho các mốc 2030, 2045, thể hiện niềm khát khao phát triển để Thủ đô vươn lên đuổi kịp, ít nhất là thủ đô của những quốc gia ASEAN đang xếp hạng trên Việt Nam. Song, Hà Nội cần có động lực và thể chế để thực hiện khát khao này. Mà thời gian thì không chờ đợi.

Thể chế mang tính quyết định

Nghị quyết 15 yêu cầu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới:

- Trên cơ sở tổng kết, bổ sung, sửa đổi luật Thủ đô, khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội; xác lập rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục, tạo chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi và tiết giảm chi phí cho người dân, DN.

- Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực; các chương trình, dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh, phục vụ đa mục tiêu, kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực của vùng…

Tư Giang - Lan Anh