Tập 5 của Shark Tank mùa 5 chứng kiến sự xuất hiện lần đầu tiên của màn “Duel Pitch” - “Song đấu”. Tham gia vào cuộc đối đầu này là hai đối thủ ngang tài trong lĩnh vực đồ chơi giáo dục dành cho trẻ em.
Theo luật của “Duel Pitch”, cả hai startup cùng có mặt ở vòng ghi hình. Mỗi đội sẽ có 2 phút để thuyết trình về sản phẩm cũng như mô hình kinh doanh, sau đó cùng các shark hỏi đáp để làm rõ thêm.
Sau khi hội ý, các shark sẽ quyết định chọn ra 1 startup vào vòng thỏa thuận. Startup còn lại sẽ được ưu tiên vào vòng ghi hình của mùa tiếp theo.
Người ra thuyết trình đầu tiên là Lê Trung - nhà sáng lập và điều hành của Beekids - nền tảng kết nối học tập và phát triển tư duy cho trẻ từ 3 đến 12 tuổi. Beekids đến với Shark Tank để kêu gọi 3 tỷ cho 10% cổ phần.
Theo giới thiệu của Lê Trung, Beekids là nền tảng chuyển đổi số các chương trình phát triển tư duy như biến sách, tài liệu, video thành trò chơi tương tác.
Điều này nhằm giúp cho trẻ phát triển các kỹ năng tư duy như quan sát, suy luận, biện luận, logic, số học và ghi nhớ. Trẻ sẽ được rèn luyện với bạn bè, gia đình, giáo viên online (trực tuyến) và offline (trực tiếp).
Beekids sẽ hỗ trợ cha mẹ, thầy cô giáo, ông bà khi họ bí ý tưởng, thiếu đề tài để tương tác với trẻ. Các bậc phụ huynh có thể dùng những bộ giáo cụ, đồ chơi bên ngoài để chơi với trẻ theo những ý tưởng này.
Beekids bắt đầu phát triển đội ngũ và sản phẩm công nghệ vào tháng 7/2020. Đến nay, Beekids đã ra mắt 2 phiên bản app phục vụ dạy và học tại 3 cơ sở toán tư duy.
Chỉ trong 2 tháng ra mắt, nền tảng này có 25.000 lượt tải ứng dụng, 92.000 người dùng và 1.000 giáo viên tham gia. Ứng dụng của startup nhận được hơn 90% đánh giá tích cực từ người dùng, 30% trong số đó sẵn sàng trả phí. Mục tiêu năm 2022 của Beekids là có 250.000 người dùng, trong đó 12% người dùng trả phí.
Startup công nghệ giáo dục thứ hai là thương hiệu đồ chơi Bunny Boo của nhà sáng lập Trần Thanh Thảo.
Bunny Boo là thương hiệu đồ chơi giáo dục theo phong cách Montessori dành cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Sản phẩm của Bunny Boo được nhà sáng lập giới thiệu là tiên phong tại Việt Nam.
Montessori giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động, hướng tự giải quyết vấn đề. Lợi điểm bán hàng của Bunny Boo là chất lượng cao, chi phí thấp và sản phẩm độc đáo trên thị trường. Đồ chơi của Bunny Boo hướng đến trải nghiệm thực, giúp bé tương tác với gia đình và bạn bè, xa rời các thiết bị độc hại.
Theo nhà sáng lập Trần Thanh Thảo, tất cả sản phẩm đồ chơi đều do Bunny Boo tự R&D (nghiên cứu và phát triển) cũng như tự thiết kế, sản xuất tại Việt Nam.
Sau 3 tháng ra mắt, sản phẩm của Bunny Boo đã có mặt tại các cửa hàng mẹ và bé và các nhà sách với giá từ 259.000 đến 519.000 đồng. Doanh thu của Bunny Boo tăng trưởng liên tục 150% trong 3 tháng, với lợi nhuận dự kiến từ 25-30%.
Thanh Thảo đến với Shark Tank để kêu gọi số tiền đầu tư 1,5 tỷ cho 20% cổ phần. Nhà sáng lập cũng đưa ra cam kết giúp “cá mập” của chương trình chỉ mất 3 năm để thu hồi vốn.
Sau khi trao đổi qua lại với cả hai startup, các “cá mập” của chương trình Shark Tank đã tiến hành hội ý riêng. Cuối cùng, các shark lựa chọn Bunny Boo ở lại để tiếp tục vòng thương thảo.
Kết quả của màn đấu trí là Shark Hưng và Shark Liên đã cùng nhau rót vốn vào Bunny Boo với số tiền đầu tư 1,5 tỷ đổi lấy 36% cổ phần.
Trọng Đạt