Mùa thu năm 2017, một phụ nữ tên Leigh Corfman (Mỹ) đã tố cáo Roy S. Moore, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, từng tấn công tình dục khi cô mới 14 tuổi, tức là cách đó gần 40 năm.

Corfman cho biết đã lo lắng suốt nhiều năm rằng công khai vụ việc có thể gây ảnh hưởng đến con cái của cô, tiền sử ly hôn cũng như những sai lầm tài chính của cá nhân cũng có thể khiến cô rơi vào túng quẫn.

Sau khi được một phóng viên của The Washington Post tiếp cận, cô đã đồng ý kể câu chuyện của mình và nói thêm rằng: "Dù có chuyện gì đi nữa, tôi cũng đã phải trả giá".

 

Theo trang Psychology Today, nhiều người đã đổ lỗi cho nạn nhân trong vụ chống lại Roy Moore, thắc mắc tại sao cô chờ đợi lâu như vậy mới lên tiếng. Song việc một nạn nhân trì hoãn tiết lộ tổn thương của họ là điều bình thường.

Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ thường "né tránh kẻ quấy rối, phủ nhận hoặc hạ thấp mức độ nghiêm trọng của tình huống, hoặc phớt lờ, cố quên đi hoặc chịu đựng hành vi đó".

Những hậu quả tiêu cực không phải điều duy nhất khiến nạn nhân bị xâm hại như Corfman không dám lên tiếng tố cáo. Sau khoảng thời gian dài chịu đựng những tổn thương tâm lý khủng khiếp, hoặc nhận thấy phải lên tiếng để kẻ ác phải bị trừng phạt, họ quyết định đưa sự việc ra ánh sáng.

Trong bài viết trên Psychology Today, nhà tâm lý học Beverly Engel, người ủng hộ tích cực cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, thể chất và tình cảm, đã liệt kê những lý do quan trọng khiến phụ nữ giữ im lặng hoặc mất nhiều năm trời mới lên tiếng sau khi bị quấy rối, xâm hại.

Cảm giác xấu hổ

Một trong những lý do chính khiến phụ nữ không trình báo về hành vi quấy rối hoặc tấn công tình dục là vì xấu hổ. Sự xấu hổ là cốt lõi của những tổn thương tình cảm mãnh liệt mà phụ nữ lẫn đàn ông phải trải qua khi họ bị xâm phạm tình dục.

Chuyên gia tâm lý Gershen Kaufman đã viết trong cuốn sách của mình: "Xấu hổ là một phản ứng tự nhiên khi bị xâm hại hoặc lạm dụng". Nạn nhân cảm thấy bị xâm hại và ô uế, đồng thời trải qua sự căm phẫn vì bất lực và lòng thương xót của người khác.

xam hai tinh duc noi lam viec anh 2
Cảm giác xấu hổ khiến nhiều nạn nhân tự trách mình khi bị quấy rối, xâm hại. Ảnh: Op-Med.

Cảm giác xấu hổ này thường khiến nạn nhân tự trách bản thân về hành vi sai trái tình dục của thủ phạm.

Nhiều khách hàng của Beverly Engel từng bị xâm hại tình dục lại nhận lỗi về phía mình.

"Tôi cho rằng đó là lỗi của tôi. Tôi là một người rất thân thiện, luôn mỉm cười và cúi chào ông chủ của mình. Chắc anh ấy đã nghĩ tôi đang tán tỉnh anh ấy", một nữ nhân viên cửa hàng nói.

Một nữ sinh viên bị tấn công tình dục bởi giáo sư trường đại học cũng lập luận tương tự: "Tôi thích được chú ý, và giáo sư đã để mắt đến tôi. Chúng tôi ngồi hàng giờ trong văn phòng của ông ấy để nói chuyện, tôi đã học được rất nhiều điều. Tôi đoán mình đã khiến thầy hiểu lầm ý mình".

Hiểu thêm về cảm xúc xấu hổ có thể giúp giải thích tại sao phụ nữ lại tự trách mình khi bị xâm hại và tại sao ngày càng nhiều phụ nữ không tố cáo khi bị tấn công hoặc quấy rối tình dục.

Quấy rối và tấn công tình dục có thể là một trải nghiệm nhục nhã để kể lại một cách riêng tư, chứ chưa nói đến công khai. Đặc biệt, nạn nhân thường bị đổ lỗi ngược bằng những câu nói như: "Cô ta mong muốn điều gì khi ăn mặc hở hang như vậy", hay "Đáng ra cô ấy không nên uống say đến thế".

Cố gắng giảm mức độ sự việc

Xu hướng đổ lỗi cho bản thân và thấy xấu hổ dẫn đến lý do quan trọng tiếp theo khiến phụ nữ không lên tiếng, đó là từ chối và giảm thiểu mức độ sự việc.

Nhiều phụ nữ từ chối tin rằng điều mà họ phải chịu đựng thực sự là lạm dụng. Họ hạ thấp mức độ bản thân bị tổn hại bởi quấy rối tình dục và thậm chí là tấn công tình dục. Họ tự thuyết phục mình rằng "đó không phải là một vấn đề to tát".

xam hai tinh duc noi lam viec anh 3
Không ít nạn nhân cố gắng giảm mức độ bị lạm dụng để tránh cảm giác tổn thương.

Một khách hàng của Beverly Engel là nạn nhân bị quấy rối, nhưng lại nói rằng: "Tôi biết rất nhiều phụ nữ bị hãm hiếp dã man, tôi có những người bạn bị lạm dụng tình dục từ nhỏ. Chuyện tôi bị sếp quấy rối chẳng thấm gì so với những thứ họ đã trải qua. Tôi tự nhủ mình hãy quên toàn bộ sự việc và bước tiếp".

Thật không may, chính khách hàng đó đã phải trở lại gặp vị chuyên gia vì mắc chứng trầm cảm. Cô không thể ngủ vào ban đêm, chán ăn, mất động lực, tự cô lập mình với bạn bè và gia đình.

Trầm cảm là một trong những hậu quả chính của quấy rối hoặc tấn công tình dục. Nạn nhân có thể cảm thấy thiếu tự tin, tự trách bản thân, và tình huống vô vọng cũng có thể dẫn đến trầm cảm.

Sợ hậu quả

Nỗi sợ về hậu quả là trở ngại lớn khiến nhiều nạn nhân không dám trình báo bị quấy rối hoặc tấn công tình dục, ví dụ như sợ mất việc, sợ mất danh tiếng, sợ bị coi là kẻ gây rối, sợ bị trả thù...

Nhiều phụ nữ bị soi mói, phán xét, thậm chí bị cho là bịa chuyện để gây chú ý. Trong các vụ việc nổi tiếng, các nạn nhân thường bị gán cho là những kẻ cơ hội, bị đổ lỗi cho việc trở thành nạn nhân của chính họ và bị trừng phạt vì đã đứng lên tố cáo.

Một lý do khác khiến nạn nhân không trình báo hoặc trì hoãn việc báo cáo là họ sợ bị trả thù. Những kẻ quấy rối thường xuyên đe dọa về cuộc sống, công việc và sự nghiệp của nạn nhân. Và nhiều nạn nhân sợ hãi trước vị thế, quyền lực của thủ phạm và những gì hắn có thể làm với họ.

Bị hạ thấp lòng tự trọng

Xâm hại tình dục làm tổn thương lòng tự trọng, ý thức về bản thân của phụ nữ. Một cô gái hoặc phụ nữ càng chịu đựng nhiều sự lạm dụng, hình ảnh bản thân của cô ấy càng trở nên méo mó.

Những hành động thiếu tôn trọng, đáng xấu hổ làm mất đi lòng tự trọng của một cô gái từng chút một, cho đến khi cô không còn quan tâm đến bản thân và cảm xúc của mình.

xam hai tinh duc noi lam viec anh 4
Xâm hại tình dục làm tổn thương lòng tự trọng của phụ nữ.

Ngay cả cô gái tự tin nhất cũng không thể duy trì cảm giác tự tin nếu bị xâm hại tình dục. Cô ấy sẽ cảm thấy xấu hổ đến nỗi rất khó ngẩng cao đầu. Họ khó có động lực để tiếp tục trên con đường của mình, cho dù đó là con đường học vấn hay sự nghiệp.

Cảm giác tuyệt vọng và bất lực

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những nạn nhân không thể nhìn thấy lối thoát khỏi việc bị lạm dụng sẽ hình thành cảm giác vô vọng và bất lực, điều này càng góp phần khiến họ bỏ cuộc và không cố gắng chạy trốn hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ.

Nhiều phụ nữ cảm thấy thật vô ích khi lên tiếng, bởi vì họ đã nhìn thấy cách các nạn nhân khác bị đối xử. Họ cảm thấy đó là tình huống vô vọng, họ sẽ không được tin tưởng, danh tiếng sẽ bị vấy bẩn, nếu không muốn nói là bị hủy hoại.

Theo Zing