PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), được biết đến là một trong các bác sĩ đầu ngành thuộc lĩnh vực nhi khoa, đặc biệt là hô hấp nhi tại Việt Nam. Cuối tháng 12, ông cho biết bản thân mình vừa hoàn thành chuyến hành trình chinh phục Nam Cực với nhiều ngày lênh đênh trên biển. VietNamNet xin trích đăng chia sẻ của ông về chuyến hành trình này.
Là người mê xê dịch, tôi đã đặt chân đến rất nhiều nơi nhưng Nam Cực mới chỉ được nhìn qua phim ảnh. Bởi vậy, chinh phục nơi đặc biệt này là điều tôi đã mong ước từ lâu nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Để có thể bắt đầu chuyến hành trình này, ba năm trước, tôi và vợ đăng ký với một công ty tổ chức tour đưa người đi Nam Cực. Ngoài tài chính, chúng tôi còn phải chuẩn bị rất kỹ về thể lực. Chúng tôi chọn đạp xe thường xuyên để tăng sức bền và độ dẻo dai.
Những ngày đáng nhớ trên đất Nam Cực
16h ngày 7/12, chúng tôi xếp hàng lên tàu, bắt đầu hành trình chinh phục Nam Cực. Sau bữa tối, khi trở về phòng, tôi lập tức chú ý đến chiếc đồng hồ cát với khuyến cáo "5 phút để tắm". Đọc kỹ hướng dẫn thì thấy đây là lời nhắc nhở mỗi người phải tiết kiệm nước bởi nước là sự sống. Có 3 cách tiết kiệm nước trên tàu là: khi tắm chỉ nên mở vòi sen không quá 5 phút, khi đánh răng không để vòi nước chảy tự do và khi rửa chén đĩa thì hãy rửa cùng một mẻ.
Ngày 2, sau một đêm say sóng đến mức "đầu quay điên đảo", 9h sáng, chúng tôi vẫn phải xuống hội trường để học cách lên và xuống xuồng Zodiac, mặc áo phao chuyên dụng khi lên xuồng đổ bộ vào đảo. Ngoài ra, toàn bộ đồ dùng mặc trên người như quần áo chống nước, găng tay, ủng đều phải được hút bụi và tiệt trùng sạch sẽ, chống mang mầm bệnh lên đảo.
Ngày 3, tôi đỡ say sóng vì tàu đã đến gần Nam Cực hơn. Tôi cố gắng dậy sớm lên mạn tàu ngắm bình minh rồi đi dự các cuộc hội thảo về chim cánh cụt, vầ đội thám hiểm của Shackleton, về cấu tạo của các tảng băng. Buổi chiều, tôi lên boong tàu tập thể dục để lấy lại sức cho sáng hôm sau trải nghiệm xuống xuồng lên đảo.
Ngày 4, đây là ngày đầu tiên chúng tôi rời tàu xuống xuồng Zodiac đi một vòng trên điểm Portal, điểm đầu tiên của Nam Cực, sau đó đổ bộ lên một bán đảo rồi đi trên núi băng tuyết bằng ủng và dày chuyên dụng. Khi đi, chúng tôi phải rất cẩn thận nhìn đường mà đội thám hiểm đi trước đã đánh dấu, tuyệt đối không thể đi chệch ra khỏi đường này, bởi chỉ cần lệch 0,3m thôi là có thể bị sụt tuyết, không thể tự mình rút chân lên được. Dù rất khó leo, nhưng cuối cùng tôi đã chinh phục được đích đến là đỉnh cắm cờ châu Nam Cực. Khi đi xuống, đột nhiên, trời bỗng đổ mưa tuyết và gió mạnh. Đoàn thám hiểm giục chúng tôi quay trở lại tàu trước dự kiến 30 phút vì theo kinh nghiệm của họ sắp có bão tuyết rất nguy hiểm.
Ngày 5, buổi sáng chúng tôi đi thăm Vịnh Thiên Đường (Paradise’s Bay) thuộc khu vực Skontorp Cove. Cảnh tượng thật tuyệt vời! Có đến đây mới biết vì sao họ lại đặt tên như vậy. Chúng tôi đi trên một biển băng với nhiều hịnh dạng tuyệt đẹp và kỳ thú đến khó tả được bao quanh bởi các núi băng. Đặc biệt may mắn chúng tôi gặp 2 chú hải cẩu bắc (một loài rất hiếm và khó gặp ở đây). Chúng nằm phơi nắng trên tảng băng giống như chiếc giường lớn giữa lòng vịnh tuyệt đẹp này.
Chiều hôm đó, chúng tôi đổ bộ lên đỉnh Damoy Points. Tiếc thay, đoàn đi được khoảng 500m thì gió bắt đầu to dần, tuyết rơi nặng hạt hơn làm chúng tôi rất khó leo lên. Dù động viên nhau cùng cố gắng nhưng đi được 3/4 quãng đường, người thám hiểm viên yêu cầu chúng tôi xuống núi để về tàu ngay vì theo kinh nghiệm của họ sắp sửa lại có bão tuyết. Thế mới biết những người thám hiểm ở đây rất có kinh nghiệm! Họ biết rằng chỉ có thể lên núi và xuống biển khi nào thời tiết cho phép. An toàn là trên hết!
Ngày 6, sáng nay, nhìn qua cửa sổ tàu, thấy mưa tuyết rất to, tôi đoán có lẽ cuộc thám hiểm hôm nay của chúng tôi sẽ bị hoãn. Đúng như vậy, sau khi ăn sáng, thuyền trưởng thông báo cuộc thám hiểm vịnh Orne bị dừng do thời tiết xấu. Thay vào đó, chúng tôi lên hội trường nghe báo cáo về lịch sử phát hiện các con tàu đắm bằng những thiết bị lặn từ thô sơ đến hiện đại. Một sự thay thế rất đáng ghi nhận!
Chiều cùng ngày, thời tiết đã tốt hơn, chúng tôi xuống xuồng đi trên kênh Beagle nằm giữa đất liền Nam Cực và đảo Danco. Đang đi trên đỉnh đảo, chúng tôi phải dừng lại nhường đường cho đàn chim cánh cụt đi qua. Đây là quy định cho người đi thám hiểm. Thăm đảo xong xuống chân núi là màn tắm biển lạnh rất ấn tượng. Những người mặc quần áo bơi nhảy xuống biển còn được cấp giấy chứng nhận.
20h30, chúng tôi ra đảo Cuverville. Khu vực này rất cao, tôi leo đến lưng chừng núi thì đội thám hiểm không cho lên đỉnh nữa vì phát hiện tuyết rất mềm. Hành trình đi xuống còn gian nan hơn khi đường rất trơn trượt. Tôi là một trong 4 người cuối cùng trở về đến tàu khi đã hơn 22h.
Ngày 7, tôi vẫn cố gắng dậy sớm từ 5h sáng lên boong tàu tập thể dục. 8h15 chúng tôi thăm vịnh Fournier. Từ đây, chúng tôi mới có thể tiếp tục đi sâu vào tâm điểm Nam Cực được. Khoảng 3h chiều, chúng tôi đổ bộ lên đảo Orne để leo lên đỉnh cao nhất ngắm nhìn biển 2 bên. Đây là chặng đường leo núi tuyết dài nhất. Nhưng vừa mới đi được khoảng vài trăm mét thì mưa tuyết ngày càng nặng hạt, gió càng mạnh và trời rất lạnh! Bất chấp thời tiết xấu và chặng đường dài khó đi, chúng tôi động viên nhau cố gắng vượt qua và đã làm được.
Ngày 8, buổi sáng, chúng tôi thăm đảo Nửa vầng trăng. Đây là đảo nhiều đá và ít tuyết nhất! Các phiến đá này tạo ra do núi lửa phun trào nên có màu xanh đen. Đảo này không khó đi nhưng quãng đường rất dài và trời cực rét nên nhiều người phải quay trở lại giữa đường. Tôi và 3 bạn nữa động viên nhau cố gắng đi đến điểm tận cùng của đảo - nơi các nhà thám hiểm đánh dấu bằng 2 chiếc gậy đỏ để thông báo không được vượt qua.
Buổi chiều, tàu chúng tôi đến cột đá tự nhiên được đặt tên là Neptune Bellows. Tàu lách qua eo biển hẹp để tiến vào vịnh Cá Voi (Whalers Bay). Đây chính là miệng núi lửa khổng lồ phun trào hàng triệu triệu năm trước. Hôm nay là ngày thám hiểm cuối cùng ở Nam Cực nên tôi đặc biệt chuẩn bị cờ Việt Nam để mang lên đảo.
16h, chúng tôi đổ bộ lên hòn đảo cuối cùng trong chuyến thám hiểm này - Deception. Nơi đổ bộ là bờ biển cát đen và đá núi lửa. Mưa tuyết và gió ngày một lớn lạnh buốt da thịt vì thế 6 người trong đoàn đã bỏ cuộc. Dù toàn thân lạnh cóng vì dưới 0 độ C kèm mưa tuyết, gió lớn, chúng tôi vẫn hô vang tên "Việt Nam" và vẫy cao lá cờ tổ quốc.
19h30, sau khi khám phá đảo Deception, chúng tôi kết thúc hành trình 5 ngày đêm ở Nam Cực, tàu quay trở về Nam Mỹ.
5h sáng ngày 17/12, tôi dậy sớm đón bình minh bên cảng biển quốc tế của Thành phố Ushuaia (Argentina) - thành phố tận cùng thế giới. Tôi vừa hoàn thành chuyến thám hiểm Nam Cực và là một trong số ít người của đoàn không bỏ bất kỳ buổi thám hiểm nào dù những ngày đầu rất mệt vì say sóng.
Trân quý sức khoẻ bản thân hơn bao giờ hết
Chuyến đi mang lại cho tôi không chỉ trải nghiệm mà còn là kinh nghiệm dành cho bản thân và những người ưa xê dịch.
Nếu bạn nghĩ đến Nam Cực chỉ thấy tuyết, chim cánh cụt, băng giá, thực tế, trải nghiệm trực tiếp sẽ giải đáp vì sao lục địa này không có người ở. Hành trình này còn giáo dục mỗi người yêu thiên nhiên hơn. Chuyến đi còn là cơ hội cho các thành viên trong đoàn tìm hiểu kiến thức trong rất nhiều lĩnh vực như vệ tinh đám mây, đại dương, biển. Việc thiếu kiến thức, kinh nghiệm sẽ khiến chuyến đi không thể hoàn hảo.
Chuyến đi này còn giúp tôi trân quý sức khoẻ của bản thân mình hơn bao giờ hết. Bởi khi muốn làm bất cứ điều gì, chúng ta đều cần có sức khoẻ. Đặc biệt, khi quyết định chinh phục Nam Cực, chỉ có sức khỏe chung chung là chưa đủ, bạn phải có sức mạnh và sự dẻo dai. Thực tế, đi cùng tôi có nhiều bạn trẻ nhưng một số người chỉ đi được 3-4 ngày đã từ bỏ. Ngoài ra, hành trình này này còn đòi hỏi tính kỷ luật và quyết đoán. Bạn cần tuân thủ nguyên tắc đoàn thám hiểm, không thể cố nán lại chỉ để chụp thêm vài tấm ảnh vì tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Với tôi, chinh phục Nam Cực chắc chắn là trải nghiệm đáng nhớ và tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Đó là quá trình rèn luyện, giữ gìn sức khoẻ thường xuyên và sự quyết tâm vượt qua giới hạn của bản thân. Nếu không làm được điều đó, Nam Cực mãi mãi chỉ trong chiếc tivi.