Cần coi công nghệ là thế mạnh chính
Chiều ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ TT&TT đã thăm và làm việc với Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm, với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp này tiếp tục phát triển.
Trong bề dày lịch sử của lĩnh vực bưu chính Việt Nam, Giao Hàng Tiết Kiệm là một công ty trẻ. Sau 10 năm khởi nghiệp với mong muốn ban đầu là giúp những người bán hàng online thuận tiện và tiết kiệm hơn, đến nay công ty đã vượt mốc 1 tỷ đơn hàng, phục vụ 1 triệu nhà bán lẻ và 70 triệu người tiêu dùng trên toàn quốc.
Theo Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Giao Hàng Tiết Kiệm Phạm Hồng Quân, doanh nghiệp định vị mình là công ty công nghệ, phục vụ dịch vụ hậu cần thương mại điện tử, lấy nhà bán lẻ trực tuyến là khách hàng trung tâm. Nhanh, linh hoạt và thân thiện là 3 giá trị cốt lõi của công ty trong chặng đường 10 năm qua.
Hiện tại, bên cạnh 30.000 nhân viên giao hàng, công ty có hơn 1.000 nhân sự khối cơ quan. Trong đó có 500 nhân sự làm công nghệ, chiếm 50%. Hàng năm, đơn vị đều dành kinh phí để đầu tư cho công nghệ. Con số này năm 2022 là 385 tỷ đồng, tương ứng với hơn 60% lợi nhuận.
Nhấn mạnh tạo ra việc làm cho người lao động là một trong những đóng góp quan trọng bậc nhất của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: "Việc Giao Hàng Tiết Kiệm tạo ra công ăn việc làm cho trên 30.000 lao động là rất đáng trân trọng. Bộ TT&TT trân trọng cảm ơn Công ty Giao Hàng Tiết Kiệm vì sự đóng góp này".
Ghi nhận đóng góp với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành TT&TT, Bộ trưởng đã trao tặng Bằng khen cho Công ty Giao Hàng Tiết Kiệm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bưu chính chuyển phát, một lĩnh vực "rất không công nghệ" khi đưa công nghệ vào sẽ mang lại hiệu quả cao. Việc này đã được Giao Hàng Tiết Kiệm thực hiện xuất sắc. Bộ trưởng mong rằng công ty sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công nghệ, coi đây là thế mạnh chính, có tính chiến lược của đơn vị mình.
Đánh giá cao chủ trương tự chủ nghiên cứu và phát triển công nghệ thuần Việt, ứng dụng công nghệ phục vụ lĩnh vực dịch vụ hậu cần thương mại điện tử của Giao Hàng Tiết Kiệm, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Muốn là một công ty công nghệ thì công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh chính phải là công nghệ do mình phát triển”.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Hồng Quân đã khẳng định Giao Hàng Tiết Kiệm là doanh nghiệp Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ. Người đứng đầu ngành TT&TT nhắn nhủ lãnh đạo Giao Hàng Tiết Kiệm: “Khi đã thành công rồi, thì vẫn giữ là doanh nghiệp Việt Nam thay vì bán hết cho nước ngoài”.
Bộ trưởng cũng đề nghị Giao Hàng Tiết Kiệm cố gắng giữ các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình từ những ngày đầu trong suốt chặng phát triển, đồng thời khẳng định thượng tôn pháp luật chính là cách tốt nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Doanh nghiệp lớn phải có tinh thần quốc gia
Báo cáo với Bộ trưởng, lãnh đạo công ty cho biết, doanh nghiệp đang phát triển bản đồ số GHTK Maps hiện đã xử lý, đưa vào sử dụng được 23,8 triệu địa chỉ. Hơn 30.000 nhân viên giao hàng cùng các khách hàng của doanh nghiệp này đang dùng. Đến hết năm 2024, sẽ hoàn thành dữ liệu bản đồ số cho trung tâm 63 tỉnh thành, tương ứng với 70% dữ liệu bản đồ và hoàn thiện dữ liệu của 11.000 huyện xã còn lại trong giai đoạn 2025 – 2026, tương ứng với 30%.
Khẳng định xây dựng cơ sở dữ liệu địa chỉ số là việc rất quan trọng, Bộ trưởng thông tin, trong 2 năm gần đây, Bộ đang chỉ đạo Vietnam Post phát triển Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số, chi tiết đến từng hộ gia đình Việt Nam. Giao Hàng Tiết Kiệm có thể hợp tác với Vietnam Post để tham gia làm một nền tảng địa chỉ số Việt Nam tốt.
Một nội dung quan trọng cũng được tập trung trao đổi tại buổi làm việc là giải pháp dùng công nghệ số để giúp người dân Việt Nam thoát nghèo. Theo Bộ trưởng, ý tưởng ban đầu của Bộ là phát triển một nền tảng công nghệ giúp người nông dân bán được nhiều hàng, xây dựng được thương hiệu sản phẩm, có nguồn đầu vào tốt và quan trọng nhất là giúp họ thoát nghèo.
Người đứng đầu ngành TT&TT gợi mở thêm hướng phát triển mới của Giao Hàng Tiết Kiệm trong lần khởi nghiệp thứ hai, đó là phát triển một sàn tốt của người Việt Nam, giúp cho mọi người kinh doanh dễ dàng ở mọi nơi, nhưng trước hết nên bắt đầu ở khu vực nông thôn.
Đề nghị công ty nghiên cứu triết lý của Alibaba với sàn Taobao, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng đội ngũ lãnh đạo, nhân sự chủ chốt của công ty cuốn sách “Alibaba và Chiến lược kinh doanh thông minh trong thời đại 4.0”, đề cập đến chiến lược kinh doanh dựa trên dữ liệu.
Khẳng định quan điểm một doanh nghiệp lớn là một doanh nghiệp có sứ mệnh quốc gia, doanh nghiệp lớn thì phải có tinh thần quốc gia, Bộ trưởng đề nghị Giao Hàng Tiết Kiệm hãy nhận lấy một sứ mệnh quốc gia, giúp cho người dân thoát nghèo, giúp cho đất nước hùng cường. “Giao Hàng Tiết Kiệm đặt ra mục tiêu bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu cũng có thể bán hàng online ngay trên chiếc điện thoại di động của mình, để nuôi ước mơ tự doanh, tự lập đổi đời, kể cả người ở nông thôn. Đây là một sứ mệnh lớn mang tầm quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng cũng đã giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc của đội ngũ nhân sự chủ chốt như định hướng phát triển doanh nghiệp trong chặng đường mới, các nguồn lực để triển khai sàn, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống có nhiều dữ liệu và nhiều người dùng, xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp…