Hiện Google đang nghiên cứu hệ điều hành có tên Fuchsia. Điều khác biệt giữa Fuchsia với Chrome OS và Android chính là lõi của nó. Fuchsia sử dụng loại nhân mới có tên Zircon giúp nó hoạt động trên nhiều nền tảng không chỉ riêng điện thoại và laptop.
Tuần trước, một nhân viên IT thuộc Tổ chức môi trường quốc tế tên Mitch Blevins đã tải lên YouTube đoạn video giới thiệu các tính năng của Fuchsia. Khi khởi động, người dùng sẽ thấy màn hình khóa tương tự Android, dưới góc phải có 3 nút. Biểu tượng Fuchsia nằm ở góc trái phía trên.
Khi đăng nhập vào hệ điều hành, Google sẽ chạy một số thủ tục thông thường, nhưng màn hình cuối vẫn còn để trống. Người dùng chỉ có thể vào với vai trò là khách.
Màn hình chính khác hoàn toàn so với những hệ hiều hành trước đó trên điện thoại và máy tính. Giữa màn hình có một số thông tin như thời gian, tình trạng Wi-Fi và nơi nhập dữ liệu cá nhân liên quan đến Google.
Khi trượt lên sẽ xuất hiện trang tương tự với Google Now. Đây là trợ lý ảo với sức mạnh trí tuệ nhân tạo cao hơn Google Now. Trên màn hình chỉ xuất hiện 3 yêu cầu mẫu, do chưa có người dùng đăng nhập vào.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa màn hình chính của Fuchsia với các hệ điều hành trước đó là không có ứng dụng. Trên màn hình không xuất hiện thanh Dock, biểu tượng desktop, launcher, tại đây chỉ có công cụ tìm kiếm của Google. Công cụ này giúp tìm kiếm các tài liệu, ứng dụng có trong thiết bị.
Hệ điều hành này cũng sở hữu chức năng đa nhiệm, người dùng có thể làm việc trên 2 cửa sổ của 2 ứng dụng. Thậm chí, người dùng còn có thể gộp 2 ứng dụng vào cùng một cửa sổ như 2 trình duyệt và chuyển đổi qua lại dễ dàng.
Khi nhấn vào dấu chấm ở bên dưới, người dùng có thể quay về màn hình chính. Nhưng nếu làm vậy khi đang chạy chương trình nào đó, thiết bị sẽ mở trang chuyển ứng dụng. Khác với các hệ điều hành trước, trang chuyển này sẽ xuất hiện ứng dụng xếp theo thứ tự thời gian đảo ngược.
Người dùng có thể lướt lên và thấy các ứng dụng đã mở trước đó. Lúc này, Fuchsia giống hệ điều hành trên điện thoại.
Để mở trang cài đặt, người dùng nhấn vào biểu tượng Fuchsia giữa màn hình. Trang cài đặt bao gồm thanh điều chỉnh độ sáng, âm lượng và một số nút giống Android.
Fuchsia có thể chạy trên nhiều nền tảng. Nó hỗ trợ chế độ dành cho điện thoại. Người dùng dễ dàng chuyển từ chế độ điện thoại sang máy tính bảng, có thể nói đây là một hệ điều hành toàn diện.
Google đã ra mắt Material Design từ năm 2014, đây là sách hướng dẫn thiết kế tổng quát, có tính linh hoạt. Khi chạy trên Fuchsia, chương trình tự động thích ứng với kích thước màn hình và thay đổi giao diện cho phù hợp.
Theo Zing