Theo chuyên gia, học phí cần thu đủ, thu đúng. Lương tăng, các trường đại học tăng học phí là tất yếu nhưng việc này cần kèm theo các chính sách hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Cần mở rộng nguồn cho vay
TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thừa nhận việc tăng học phí sẽ gây khó khăn cho một bộ phận gia đình, đặc biệt những nhà kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
"Tuy nhiên với nhiều gia đình khác, học phí trường công lập không phải là vấn đề quá khó khăn. Rất nhiều phụ huynh Việt Nam cho con đi du học, thậm chí học trường tư với học phí cao”- ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, trong bối cảnh các trường phải tăng nguồn thu, đầu tư cơ sở vật chất, việc tăng học phí là tất yếu. Các trường không vì một số sinh viên, phụ huynh than khổ mà tạm ngừng tăng học phí vì điều này sẽ khiến hệ thống giáo dục không đạt như kỳ vọng. Để giải quyết bài toán học phí, với những sinh viên khó khăn, nhà nước cần có nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên vay theo hình thức bền vững.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng học phí cần thu đủ, thu đúng. Lương tăng, tăng học phí là tất yếu nhưng việc tăng học phí cần kèm với những chính sách hỗ trợ sinh viên. Sinh viên có thể giải quyết học phí bằng cách vay ngân hàng với lãi suất thấp ưu đãi, như vậy mới thỏa mãn cả hai bên.
"Điều này vừa tạo điều kiện cho các sinh viên nghèo được tiếp cận với bậc cao đẳng, đại học. Chúng ta không nên giảm học phí cho tất cả mọi người, như vậy là không thấu tình đạt lý vì người giàu được hưởng lợi nhờ học phí thấp và người nghèo vẫn phải đóng học phí mà không được hỗ trợ từ nhà nước", Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công thương TP.HCM nói.
Ông Sơn cho hay hiện nay đã có quy định sinh viên được vay ngân hàng chính sách xã hội nhưng cần mở rộng ra cho tất cả sinh viên có nhu cầu. Mọi sinh viên có nhu cầu đều có thể vay, không nên phân biệt gia đình nghèo hay không nghèo. Mặt khác sinh viên phải là người chịu trách nhiệm với khoản nợ của mình vì tất cả các em đều trên 18 tuổi.
Ngoài ngân hàng chính sách xã hội, việc hỗ trợ sinh viên vay tiền cũng nên mở rộng ra các ngân hàng thương mại. Tại Trường ĐH Công Thương, ông Sơn thông tin mới chỉ có 6.258 lượt sinh viên xác nhận vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội.
“Cựa quậy” tìm thêm nguồn thu
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM từ năm 2021 đã thực hiện tự chủ một phần. Các vấn đề như lương, thù lao của giảng viên nhà trường tự lo. Nhà trường có lộ trình theo từng từng năm các kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, học liệu…
GS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết nếu không được tăng học phí sẽ rất khó khăn cho trường. Theo ông Phúc, kể từ khi tự chủ vào năm 2021, thu nhập của giảng viên đã tăng lên nhưng việc này được nhà trường tính toán trong phạm vi nhà nước cho phép, đồng thời thực hiện tinh gọn đội ngũ.
Thừa nhận việc không tăng học phí thì khó cho trường, nhưng tăng sẽ khổ sinh viên, PGS.TS Trần Thiên Phúc cho biết về phía nhà nước đã có ngân hàng chính sách xã hội cho sinh viên vay nhưng thủ tục quá khó khăn.
Vì vậy Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã lập quỹ từ các cựu sinh viên thành đạt của trường cho sinh viên vay với lãi suất thấp. Sau khi vay, nếu các em học giỏi, điểm tổng kết cuối năm đạt từ 8/10 trở lên sẽ được tặng luôn khoản vay.
“Nếu cứ hỗ trợ sinh viên bằng cách “giữ” học phí, đôi khi sẽ tác dụng ngược vì các trường công hoạt động không lợi nhuận, tất cả học phí thu vào đều “quay ngược” lại đầu tư cho sinh viên. Đơn cử như tại Bách khoa, chúng tôi nhận thấy tiếng Anh của sinh viên còn “chậm”, nên nhà trường đầu tư cho tất cả sinh viên được tham dự thi chứng chỉ quốc tế miễn phí. Thực chất, kinh phí này do nhà trường chi trả”- ông Phúc thông tin.
Trước việc các đại học đều phụ thuộc vào học phí, PGS.TS Trần Thiên Phúc cho rằng cần xem lịch sử của trường trong khoảng thời gian nhất định các nguồn thu đầu vào như thế nào.
“Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trước đây nguồn thu phụ thuộc 100% vào học phí, nhưng chúng tôi đã cố gắng khắc phục, đến nay nguồn thu từ học phí chỉ chiếm 70-77%. Hơn 20% nguồn thu còn lại từ các nguồn như đi du học, các đại dự án từ địa phương và từ công ty của trường...
Từ năm 1994, nhà trường có trung tâm nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghệ. Trường cũng đã bán thành quả về mặt khoa học công nghệ. Công ty khoa học công nghệ của trường một năm thu về khoảng 200 tỷ".
Trong bối cảnh nguồn thu của các trường đại học Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào học phí, TS Nguyễn Trung Nhân cho rằng về lâu dài cả xã hội cũng như các trường đều mong muốn “thoát” khỏi điều này nhưng cực kỳ khó khăn.
Ở các nước phát triển thay vì bao cấp học phí, Chính phủ sẽ có các dự án tài trợ bằng cách đặt hàng đại học với các dự án có nguồn kinh phí lớn. Như vậy Chính phủ sẽ cấp tiền cho các trường đại học thông qua các dự án.
"Ở Việt Nam, con số này dường như rất nhỏ thậm chí là bằng không, nên các trường khó thay đổi cơ cấu về nguồn thu. Bản thân các đại học cũng mong muốn dần không phụ thuộc vào học phí nhưng các doanh nghiệp dường không mặn mà có quỹ đầu tư cho các trường đại học", ông Nhân phân tích.
Tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ khi thực hiện tự chủ và tăng học phí, nguồn thu của trường tăng lên gấp đôi. Năm 2021, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường là 237,197 tỷ đồng. Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm liền trước năm tuyển sinh (2021) là 41 triệu đồng.
Năm 2022, tổng nguồn thu hợp pháp của trường năm 2022 là 503,922 tỷ đồng. Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm liền kề trước tuyển sinh (2022) là 46,67 triệu đồng.
Khó khăn để đầu tư cơ sở vật chất, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng… là những nỗi lo của các trường đại học nếu không tăng học phí năm học 2023-2024.