LỜI TÒA SOẠN

Cân đối học phí là bài toán khó đối với các trường đại học. Học phí cần thu đúng, thu đủ, trong bối cảnh lương tăng, các chi phí hàng hóa tăng… việc tăng học phí là điều tất yếu. Tuy nhiên 'Không tăng thì trường gặp khó, tăng sinh viên sẽ khổ', nguyên nhân lớn nhất là do nguồn thu các đại học Việt Nam chỉ dựa vào học phí và ngân sách cho giáo dục còn hạn chế. Nguồn thu của các trường lệ thuộc vào học phí trong bối cảnh kinh tế khó khăn sẽ khiến việc tuyển sinh gặp nhiều thách thức. Thực tế này cũng trái ngược với bức tranh nguồn thu rất đa dạng ở các nước có nền giáo dục đại học phát triển. Vấn đề này được các chuyên gia trong và ngoài nước phân tích, đánh giá như thế nào? Mời quý độc giả theo dõi.

Đại học ở Việt Nam chủ yếu 'sống' bằng nguồn thu học phí

GS Trương Nguyện Thành, ĐH Utah (Mỹ), cho hay ở góc độ vĩ mô, kinh tế của Việt Nam cũng như thế giới đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Điều này dẫn đến thu nhập bình quân của người dân thấp hơn, nên khả năng chi cho Giáo dục (cụ thể là chi phí cho con học đại học) sẽ thấp hơn.

“Trong bối cảnh này, nếu các trường đại học công lập hay tư thục tăng học phí, việc tuyển sinh sẽ gặp nhiều thử thách. Việc Chính phủ yêu cầu các trường đại học công lập không tăng học phí năm 2022 là hợp lý, nhằm hạn chế sự xáo trộn trong thị trường lao động”- GS Thành nói.

Ở góc độ vi mô, theo GS Thành, khi các trường đại học thực hiện tự chủ tài chính đã nâng cao được chất lượng bằng cách tăng học phí, tăng lương cho giảng viên, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Nếu không tăng học phí và vẫn phải tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo là thử thách cho các trường. 

GS Trương Nguyện Thành (Ảnh: FB nhân vật)

“Từ trước đến nay, mục đích chính của giáo dục đại học ở Việt Nam là đào tạo nguồn nhân lực (đào tạo chính quy), ít tham gia vào các lĩnh vực khác. Nguồn thu nhập của các trường đại học chủ yếu từ học phí và trở thành nguồn thu chủ đạo”- ông Thành nhìn nhận.

PGS Nguyễn Kim Hồng, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, không ngạc nhiên khi nguồn thu của các đại học Việt Nam chủ yếu từ học phí.

Theo PGS, nghiên cứu của các trường/đại học Việt Nam chưa đủ để thu hút nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp (đa phần các doanh nghiệp chỉ đặt hàng khi có nhu cầu và các trường/đại học có khả năng đáp ứng).

Hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam ít có nhu cầu và các trường/đại học Việt Nam cũng chưa hoặc không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cả về mặt kỹ thuật, thời gian và giá cả trong khi làm kinh doanh, cả 3 điều này đều rất cần.

Nguồn kinh phí từ Nhà nước không lớn và chủ yếu dành cho các trường/đại học công lớn như 2 ĐH Quốc gia (ở Hà Nội và TP.HCM), nhóm các ngành kỹ thuật. Nhưng kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học của Nhà nước cũng hạn chế nên thực sự nguồn thu từ nghiên cứu khoa học hiện rất khiêm tốn.

“Tất nhiên, việc nghiên cứu khoa học ở các trường/đại học sẽ không được triển khai vì thiếu tiền. Các trường/đại học có thể dùng tiền học phí để tiến hành nghiên cứu khoa học nhưng học phí của các trường/đại học nước ta hiện nay thuộc loại thấp trên thế giới nên khó có thể trích để nghiên cứu khoa học.

Nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học phải được lấy từ Nhà nước và doanh nghiệp qua đơn đặt hàng. Cũng có thể lấy từ quỹ hiến tặng của các cá nhân và tổ chức dành cho các trường/đại học nhưng thực tế ở Việt Nam nguồn này gần như không có”- Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhìn nhận.

Ông cho rằng khi không có nguồn thu, tài trợ cho nghiên cứu khoa học, việc trông chờ vào nguồn thu học phí không phải là giải pháp.

"Dù rằng nghiên cứu khoa học sẽ giúp cải thiện chất lượng đào tạo nhưng tăng học phí để bù nguồn thu cho hoạt động nghiên cứu khoa học là điều không nên làm trong điều kiện thu nhập của người dân còn thấp như hiện nay.

Thậm chí, ngay cả thu nhập đầu người tăng cũng không nên nghĩ đến việc thu học phí cho nghiên cứu khoa học của các trường/đại học", PGS Nguyễn Kim Hồng thẳng thắn nói.

Nguồn thu của các trường đại học trên thế giới, đến từ đâu?

Theo GS Trương Nguyện Thành, ở Mỹ hay các nước phát triển, học phí chỉ chiếm 20-40% thu nhập của các trường đại học.

Nguồn thu từ học phí bao gồm các chương trình đào tạo chính quy và cả các chương trình ngoài chính quy như đào tạo doanh nghiệp, đào tạo chuyên nghiệp, đào tạo liên tục, đào tạo suốt đời... Một số đại học nổi tiếng, nguồn thu từ các chương trình không chính quy khá cao. 

“Trong khi đó, ở Việt Nam các trường công lập cũng như tư thục chỉ tập trung vào chương trình chính quy. Các trường đã bỏ qua các nguồn thu không kém chương trình chính quy. Có rất nhiều nguồn thu nhập khác các trường đại học có thể làm nhưng đã không tận dụng hết”- theo GS Thành.

Nguồn thu lớn thứ hai cho các đại học Mỹ là từ nghiên cứu khoa học, chiếm từ 20-30%. Nghiên cứu khoa học ở các trường đại học là nhiệm vụ chính bên cạnh việc giảng dạy. Tất cả các giáo sư ở các đại học đều phải nghiên cứu khoa học với nguồn kinh phí từ Chính phủ hay doanh nghiệp.

Một giáo sư nhận kinh phí để nghiên cứu khoa học từ Chính phủ 100 USD, trường đại học nơi họ công tác được nhận hơn 50 USD. Số tiền này để các trường đại học quản lý, cung cấp hạ tầng cơ sở, phòng thí nghiệm cho giáo sư nghiên cứu. Các trường đại học tư thục có thể yêu cầu kinh phí từ Chính phủ cao hơn. 

Nguồn thu quan trọng thứ 3 mà các trường đại học ở Mỹ thường có là kinh phí tài trợ của các cá nhân hay doanh nghiệp. Ở Mỹ, nếu doanh nghiệp, cá nhân hiến tiền cho các trường đại học không vì lợi nhuận, họ sẽ được miễn trừ thuế. Các trường đại học lợi dụng chính sách thuế này để có thể nhận được nhiều tiền hiến tặng từ các doanh nghiệp cũng như cá nhân.

Nguồn thu này có thể chiếm từ 10-20%. Số tiền này các trường thành lập các quỹ đầu tư, sinh lời là lãi từ việc đầu tư có thể chiếm 10-20% thu nhập cho trường. Một số nguồn thu khác của các trường đại học như việc bán, cho thuê tài sản trí tuệ như các bằng phát minh, tổ chức sự kiện thể thao cũng như nghệ thuật và các dịch vụ kinh doanh khác như dịch vụ F&B, nội trú...

GS Thành cho rằng một thử thách lớn trong việc tìm nguồn thu nhập khác ngoài học phí cho các trường đại học công lập là ở tư duy "đại học chỉ là cơ sở đào tạo chứ không phải một đơn vị kinh doanh dịch vụ đào tạo và các dịch vụ liên quan". Vì vậy, các trường đại học ở Việt Nam đa số không nghĩ đến những nguồn doanh thu khác.

Việc nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, các trường công cũng như tư thục sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh.

“Minh chứng là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua Việt Nam có hơn 1 triệu tốt nghiệp THPT, nhưng chỉ hơn 600.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Đây là dấu hiệu cho thấy với nền kinh tế đang gặp thử thách như hiện nay, người học sẽ những lựa chọn khác ngoài việc vào đại học”- GS Thành phân tích.

Làm thế nào để giải bài toán học phí đại học?

GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc ĐH Kỹ thuật Sydney (Australia), cho rằng thu nhập của đại học tuỳ thuộc vào thể chế và chính sách của mỗi Chính phủ.

Nhưng nếu đa số 70% thu nhập của đại học là từ học phí là bất thường, đặc biệt là đối với đại học công lập. Việc chủ yếu dựa vào học phí cũng từng được đặt ra ở Australia vì nhiều đại học ở quốc gia này quá lệ thuộc vào nguồn học phí từ sinh viên nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Lý do làm cho xã hội quan ngại là sự lệ thuộc vào nguồn học phí từ sinh viên có thể dẫn đến suy giảm về phẩm chất đào tạo. Một nguy cơ khác là khi nguồn thu lệ thuộc vào học phí và đại học có thể tăng học phí trong tương lai, gánh nặng tài chính đối với phụ huynh, sinh viên sẽ nặng nề hơn. 

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: Thanh Hùng)

GS Nguyễn Văn Tuấn cho hay ở Australia, nguồn thu nhập chính của các đại học là từ tài trợ của Chính phủ liên bang và số tiền tài trợ cho mỗi đại học tùy thuộc vào số sinh viên mà đại học thu nhận mỗi năm.

Năm 2020, các đại học Australia có tổng thu nhập là 34,6 tỷ AUD, trong số này, gần 35% là tài trợ của Chính phủ, số còn lại là học phí từ sinh viên nước ngoài 9,2 tỷ AUD, học phí sinh viên nội địa khoảng 6 tỷ AUD. Các nguồn thu nhập khác bao gồm tài trợ cho nghiên cứu khoa học và tiền lời từ đầu tư tài sản và tài chính.

PGS Nguyễn Kim Hồng nhìn nhận để có được mức thu khác ngoài học phí ở mức vài chục % nguồn thu của trường đại học không đơn giản và chắc phải mất 1/2 thế kỷ hoặc hơn nữa chúng ta mới hy vọng nguồn thu khác trong các trường/đại học Việt Nam chiếm khoảng 15-20%. "Đấy là suy nghĩ lạc quan", PGS Hồng nói với VietNamNet.

Điều này đòi hỏi sự cố gắng từ các đại học, từ Nhà nước và doanh nghiệp. Khi Nhà nước, doanh nghiệp nhận thấy lợi ích từ các nghiên cứu của các trường/đại học mang lại, họ sẽ đặt hàng hoặc tài trợ. Chẳng hạn một doanh nghiệp nổi tiếng đã dùng kinh phí tài trợ cho nghiên cứu khoa học và đào tạo trong các trường đại học. 

“Tôi hy vọng là các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp làm trường học, hãy dùng một phần lợi nhuận để tài trợ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học. Chỉ có như vậy mới hy vọng tỉ lệ thu của các trường đại học không chỉ duy nhất từ học phí như hiện nay”- PGS Nguyễn Kim Hồng nhấn mạnh.

Chiều 5/8, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng GD-ĐT, cho biết, chủ trương không tăng học phí năm học tới của Chính phủ nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Thứ trưởng GD-ĐT chia sẻ: "Không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học nhưng đây là thách thức lớn cho ngành giáo dục".

Theo ông Sơn, với giáo dục đại học, học phí là nguồn tài chính chủ yếu hiện nay. Các trường có sứ mạng thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực bền vững nhưng chịu tác động rất lớn của dịch bệnh và đã không tăng học phí ba năm qua. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.

Do đó, Bộ GD-ĐT nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục đại học, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đại học. Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn giống như hỗ trợ doanh nghiệp.