Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 31/7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về học phí công lập, theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024.
Bốn năm liên tiếp, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM không tăng học phí. Nhà trường giữ ổn định học phí chương trình đào tạo chuẩn là 354.000 đồng/tín chỉ. Học phí chương trình chất lượng cao là 770.000 đồng/tín chỉ.
Với mức thu theo tín chỉ này, sinh viên trúng tuyển năm học 2023-2024 trung bình sẽ đóng học phí hơn 10,6 triệu đồng/năm cho chương trình chuẩn (1 năm 2 học kỳ, khoảng 30 tín chỉ). Chương trình chất lượng cao, sinh viên đóng trung bình khoảng 23,1 triệu đồng/năm.
PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, nhấn mạnh việc không tăng học phí năm học 2023-2024 đồng nghĩa với việc trường sẽ đối mặt với nhiều khó khăn như thu nhập cho cán bộ, giảng viên, hiện đại hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập. Tuy nhiên, nhà trường có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, đồng hành, sẻ chia với phụ huynh, sinh viên.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết trong những năm gần đây, trường đẩy mạnh đầu tư vào chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, nguồn học liệu… nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Mức học phí hiện tại của trường là khá thấp và đã không tăng kể từ năm học 2020 – 2021.
“Nếu không thay đổi mức học phí, trường sẽ gặp khó khăn về nguồn lực để tiếp tục đầu tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt trong việc giữ chân đội ngũ nhân lực trình độ cao, cũng như đầu tư vào hệ thống phòng thực hành, phòng Lab và học liệu phục vụ đào tạo theo định hướng chuyển đổi số”- ông Vũ nói.
Hồi đầu tháng 6, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM bắt đầu thực hiện tự chủ. Một tháng sau, trường ấn định mức học phí đối với chương trình đại học chính quy năm học 2023-2024 là 18,36 triệu đồng/năm/sinh viên, tăng hơn 3 triệu đồng so với các khoá trước.
Học phí chương trình chất lượng cao là 36,85 triệu đồng/năm/sinh viên (tăng 10% so với năm học 2022-2023). Học phí đào tạo trình độ thạc sĩ là 27 triệu đồng/năm (mức cũ 21,15 triệu đồng/năm), tiến sĩ là 45,9 triệu đồng/nghiên cứu sinh (mức cũ là 35,25 triệu đồng).
Mức học phí hiện tại của Trường ĐH Công Thương TP.HCM là 730.000 đồng/tín chỉ lý thuyết và 935.000 đồng/tín chỉ thực hành. Năm 2023, mức học phí của trường sẽ dựa vào lộ trình tăng học phí tối đa 10% cho từng năm và thực hiện theo Nghị định 81.
Trước thông tin sẽ sửa đổi dự thảo của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, không tăng học phí năm học 2023 – 2024, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, nói: “Lương tăng, giá cả leo thang, hiện cái gì cũng đắt đỏ hơn xưa khoảng 20% - 30%. Nếu nhà trường không tăng lương, đời sống của giảng viên sẽ vất vả hơn”.
Ông Sơn lo ngại nếu không tăng học phí, các trường công lập, trong đó có Trường ĐH Công Thương TP.HCM, sẽ không có nguồn kinh phí tăng lương cho cán bộ giảng viên. Lúc đó, những giảng viên giỏi sẽ qua các trường đại học tư thục với thu nhập hấp dẫn hơn.
“Hiện các đại học tư thục đang có chính sách thu hút giảng viên có uy tín và chất lượng từ trường công về giảng dạy. Trường ĐH Công Thương TP.HCM đã đào tạo thêm gần 100 tiến sĩ nhưng chắc là chỉ giữ được khoảng 3 - 4 năm theo quy chế chi tiêu nội bộ. Chúng tôi e ngại rằng hết thời gian bị ràng buộc này, họ sẽ sang trường tư thục với mức thu nhập hấp dẫn hơn”- ông Sơn nói.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, với những trường tự chủ đã lâu (từ 3-4 năm trở lên) sẽ không quá khó khăn nếu không tăng học phí. Lý do là nếu tăng cũng chỉ trong quy định và mức tăng không đáng là bao so với năm trước.
Hơn nữa sau khi tự chủ khoảng 3-4 năm, trường gần như ổn định nguồn thu. Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM mức học phí hiện tại là 26-28 triệu đồng/sinh viên/ngành. Nếu theo lộ trình tăng học phí của Nghị định 81, tăng 10%, mức tăng thêm khoảng hơn 2,6- 2,8 triệu đồng/sinh viên/năm.
“Tuy nhiên việc không tăng học phí sẽ khó khăn với những trường bắt đầu thực hiện lộ trình tự chủ tài chính”- TS Nguyễn Trung Nhân nói.
Ông Nhân cũng cho rằng lý do là các trường vừa thực hiện tự chủ sẽ không được hưởng ngân sách nhà nước. Tại những trường này trước đây khi chưa tự chủ, ngân sách nhà nước sẽ cấp bù, khi thực hiện tự chủ các trường sẽ phải cân đối thu chi. Nếu không tăng học phí các trường sẽ phải thu theo mức cũ trong khi ngân sách đã bị cắt.
Ông Nhân cho biết Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã tự chủ toàn phần, mỗi năm nhà nước chỉ hỗ trợ khoảng 5 tỷ đồng cho sinh viên - con em các gia đình chính sách được miễn, giảm học phí theo diện nhà nước quy định.
Trong khi đó, đại diện một trường ĐH lớn ở TP.HCM cho rằng: “Nếu các trường than vãn quá nhiều sẽ áp lực cho người học. Mặt khác hiện thông báo trên mới chỉ là dự thảo nên các trường cần chờ quyết định chính thức từ cơ quan có thẩm quyền mới có thể cân đối thu chi năm học tới đây".