Chiều nay (7/9), UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo nhằm nói rõ về chủ trương đầu tư dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét mà gần đây dư luận xôn xao khi phải “đánh đổi” bằng 600ha đất rừng.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì họp báo.

Ngoài ra, còn có đại diện nhiều sở, ban ngành của tỉnh và đại diện UBND huyện, Hạt kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam, đại diện UBND xã Mỹ Hạnh, xã Hàm Cần - là 2 địa phương có phần đất rừng nằm trong phạm vi dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An phát biểu tại họp báo

Trước đó, sáng cùng ngày, trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, chiều nay UBND tỉnh này tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ về dự án hồ chứa nước Ka Pét và những thông tin trái chiều liên quan đến diện tích rừng làm dự án.

Tại đây, các cơ quan chức năng sẽ thông tin cụ thể về ý nghĩa của việc thực hiện dự án, tiến độ và những thông tin liên quan được dư luận quan tâm.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cùng đại diện Chi cục Kiểm lâm tiến hành khảo sát thực địa khu vực rừng nơi làm dự án, vào ngày hôm qua (6/9). 

VietNamNet tường thuật trực tiếp buổi họp báo:

07/09/2023 | 16:00

16h: Đánh đổi hơn 600ha rừng để phục vụ tưới tiêu cho 120 nghìn người có tương xứng?

Tiếp tục phần hỏi đáp, phóng viên đặt vấn đề: Đã phải đánh đổi gần 700ha rừng, mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng mà chỉ để xây dựng hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu, phục vụ khoảng 120 nghìn người dân, vậy liệu có tương xứng không?

Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Hồng Hải cho biết: Đây là công trình đa mục tiêu, cung cấp nước tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho KCN Hàm Kiệm II mà hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư muốn vào, và cung cấp nước sinh hoạt rất nhiều khu vực. Bình Thuận đã xác định rõ tính cần thiết của dự án và đang quá trình thực hiện.

Thu gọn
07/09/2023 | 15:45

15h45:

Phóng viên đặt câu hỏi, với đơn vị được thuê để tư vấn thực hiện báo cáo tác động môi trường, năng lực thực hiện ra sao?

Báo cáo tác động môi trường chưa được phê duyệt, việc chậm phê duyệt này có ảnh hưởng đến tiến độ dự án? Dự án dự kiến triển khai đầu năm 2024, khi đó có ảnh hưởng đến vùng rừng nằm ngoài ranh dự án?...

Trả lời các câu hỏi trên, ông Nguyễn Văn Đông, Phó Giám đốc Ban QLDA các công trình Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, việc chọn đơn vị thực hiện báo cáo tác động môi trường (ĐTM) đã được mời thầu công khai. Có 4 đơn vị mua hồ sơ dự thầu, nhưng có 3 đơn vị đã nộp hồ sơ. Đơn vị được lựa chọn để thực hiện ĐTM của dự án đã đảm bảo các yếu tố năng lực.

“Báo cáo đánh giá ĐTM vào tháng 9/2020, cơ bản đã hoàn thành và trình Bộ Tài nguyên & Môi trường thẩm định. Sau đó Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương dự án thì chúng tôi cập nhật dữ liệu để trình lại hồ sơ báo cáo đánh giá ĐTM để thẩm định. Chúng tôi cố gắng hoàn thiện sớm nhất các nội dung báo cáo đánh giá ĐTM để đảm bảo tiến độ dự án”, ông Nguyễn Văn Đông thông tin.

Về quan ngại ảnh hưởng đến vùng rừng xung quanh, nằm ngoài ranh dự án, ông Đông nhấn mạnh: “Chúng tôi đã tính toán, đánh giá tổng thể về các vấn đề xung quanh; tính đến việc vận chuyển máy móc, vật liệu… từ vấn đề nhỏ đến vấn đề lớn, đảm bảo để không ảnh hưởng đến vùng rừng xung quanh, vùng nằm ngoài ranh dự án”.

Phóng viên tiếp tục hỏi, có thông tin, đơn vị được thuê để tư vấn thực hiện báo cáo ĐTM đang tiến hành thủ tục thanh lý với chủ đầu tư, vì dự án có nhiều phức tạp. Xin xác thực thông tin này?

Ông Nguyễn Văn Đông cho biết: "Chúng tôi sẽ mời làm việc với đơn vị tư vấn thực hiện đánh giá ĐTM. Nếu đơn vị này vì năng lực hay lý do gì khác, chúng tôi sẵn sàng giải quyết. Chúng tôi sẽ lựa chọn đơn vị khác theo đúng chủ trương, đúng quy định pháp luật".

Thu gọn
07/09/2023 | 15:30

15h30: Phương án khai thác rừng?

Phóng viên tiếp tục đề nghị nói rõ hơn về phương án khai thác rừng, triển khai dự án?. Việc trồng rừng thay thế đã xác định vị trí chưa? quỹ đất có chưa?

Trả lời những câu hỏi trên, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Về phương án khai thác, sau khi hoàn tất cả thủ tục, chúng tôi sẽ thuê đơn vị tư vấn, thẩm định để phân loại các loại cây rừng, rồi sẽ tổ chức đấu giá để bán. Những khu vực nào thuận lợi sẽ bán đấu giá khai thác sớm để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, và các phần khác sẽ đấu giá cuốn chiếu.

Ông Lê Thanh Sơn tại buổi họp báo

Về khối lượng lâm sản khai thác khá nhiều mà chỉ có đường độc đạo ra vào khu rừng, ông Lê Thanh Sơn cho biết, đã tính toán và xin chủ trương trích một phần trong đấu giá khai thác rừng để khắc phục hư hại đường giao thông.

Về trồng rừng thay thế với tổng diện tích hơn 1.800 ha, Sở đã giao cho các chủ rừng, các đơn vị liên quan để rà soát lại. Đến nay có 2.000 ha được đăng ký để có thể trồng rừng thay thế. Việc trồng rừng thay thế sẽ được giám sát chặt chẽ.

Thu gọn
07/09/2023 | 15:17

15h17: Vì sao dung tích hồ Ka Pét là 51 triệu m3?

Tại phần hỏi đáp, báo chí đặt câu hỏi tại sao không cải tạo các hồ chứa hiện có, nâng cao công suất? hay có thể giảm năng suất hồ Ka Pét từ 51 triệu m3 xuống còn khoảng 30 triệu m3 để giảm diện tích rừng bị tác động?

Vì sao phải chọn dự án hồ chứa Ka Pét tại vị trí này?

Ông Nguyễn Công Thành, Viện Đào tạo và khoa học ứng dụng miền Trung, đơn vị tư vấn dự án, thông tin, việc xây dựng hồ phải dựa vào khả năng chứa, nguồn nước phải đảm bảo thì mới xây dựng được hồ to hay nhỏ. 

Khu vực dự kiến là lòng hồ Ka Pét

Việc cải tạo hồ liên quan đến vấn đề an toàn của hồ chứa, nâng cấp đập, trạm xả lũ. Việc kết nối các hồ với nhau, tạo liên thông thì phụ thuộc vào địa hình.

Còn vì sao chọn vì trí này mà không chọn vị trí khác?, ông Thành giải thích: “Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Thứ nhất là nguồn sinh thủy sinh. Thứ  hai là nơi có thể làm hồ chứa nước. Đã chọn 2 vị trí có thể xây dựng được hồ. Và vị trí này có thể nói là tốt nhất.

Vì sao dung tích hồ Ka Pét là 51 triệu m3, vấn đề này được Hội đồng thẩm định Nhà nước và các chuyên gia hỏi rất nhiều.

“Chúng ta so sánh các chỉ tiêu với nhau, chúng ta chọn phương án tốt nhất, phù hợp với khả năng sinh thủy, khả năng đáp ứng nước cho cả khu vực”, ông Thành nói.

Thu gọn
07/09/2023 | 14:20

14h20:

Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án, đã báo cáo khái quát về các thông tin của dự án hồ Ka Pét.

Sau đó, ông Nguyễn Hồng Hải yêu cầu chiếu đoạn clip do truyền hình địa phương thực hiện, nội dung nói về mong muốn, ước mơ của người dân về dự án hồ Ka Pét, để có nước phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, thay đổi cuộc sống… và thể hiện cam kết của chính quyền Bình Thuận trong việc chấp hành pháp luật,  bảo vệ môi trường để xây dựng dự án.

Các đơn vị liên quan đã công bố những phần thông tin đến trách nhiệm của đơn vị mình trong chủ trương đầu tư dự án hồ Ka Pét. Ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, chủ trương dự án hồ chứa Ka Pét đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.

Thu gọn
07/09/2023 | 14:05

14h05: Việc gì đúng thì nên làm, việc gì sai thì tiếp thu để sửa

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho biết: "Hiện tại, dư luận quan tâm rất nhiều chiều đến dự án Ka Pét. Có người ủng hộ, có người không ủng hộ. Có dư luận cho rằng Bình Thuận phá rừng để làm hồ chứa. Nên chúng tôi họp báo để nói rõ về mục đích, ý nghĩa, tính cấp thiết, quy mô, quá trình xây dựng, vận hành dự án hồ Ka Pét.

Chúng tôi tổ chức họp báo trao đổi thẳng thắn, không né tránh, mong cơ quan báo chí thông tin nhiều chiều, nói cái không tốt thì phải nói rõ những cái tốt của dự án".

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận tại họp báo

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cũng thông tin, sẽ có thông cáo riêng về phát ngôn chính thức liên quan đến dự án hồ Ka Pét, gửi đến cơ quan báo chí.

Chia sẻ thêm về thực trạng ở địa phương, ông An nói: "Tôi nhớ VTV có các phóng sự về khô hạn ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, trong đó có Bình Thuận. Đồng khô, cỏ cháy, ruộng đồng nứt nẻ, ngay cả cừu, trâu, bò cũng chết. Làm lãnh đạo ở địa phương không lo được cho dân thì cũng là tội lỗi.

Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân, dự án này là giữ nước cho dân, tăng nước ngầm, điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô. Chỉ nói một chiều về rừng thì bao nhiêu người dân, cây trồng chịu cảnh khô hạn. Nên tôi muốn mọi nhận định, ý kiến cần đặt vào vị trí của người dân".

Nói thêm về ý nghĩa dự án, Bí thư Bình Thuận cho biết, mới đây có đoàn đi khảo sát, nhưng đi vào mùa mưa thì chỉ thấy một nửa thực tế khó khăn của người dân. Nếu đi thêm vào mùa khô, sẽ hiểu được nỗi khổ của người dân như thế nào.

Người đứng đầu Tỉnh ủy cũng bày tỏ: "Mình chỉ nói rừng thôi thì bao nhiêu con người, vật nuôi, cây trồng phải chịu cảnh khô hạn. Mình phải đặt vào vị trí người dân.

Làm lãnh đạo, cái gì có lợi cho dân mình làm, quyết tâm làm. Tất nhiên mình làm ở đây không phải là bất chấp, làm không có khoa học. Chúng tôi sẵn sàng tiếp thu ý kiến của báo chí và các nhà khoa học. Việc gì đúng thì nên làm. Việc gì sai thì tiếp thu để sửa". Sau khi nói vài lời chia sẻ, ông Dương Văn An xin phép rời cuộc họp báo vì có công vụ khác.

Thu gọn
07/09/2023 | 14:00

14h: Dư luận chưa có đủ thông tin, chưa hiểu đúng về dự án

Mở đầu cuộc họp báo, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thông tin sơ bộ về chủ trương đầu tư dự án hồ thủy lợi Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải thông tin về dự án

Ông Hải nói: "Trong thời gian qua có những dư luận trái chiều về dự án hồ chứa nước Ka Pét. Tuy nhiên, dư luận chưa có đủ thông tin, chưa hiểu đúng về dự án, nên hôm nay UBND tỉnh tổ chức họp báo để trao đổi thẳng thắn những thông tin xung quanh dự án này".

Thu gọn
07/09/2023 | 13:55

13h55: Khảo sát thực địa 600ha rừng làm hồ chứa nước

Ngày 6/9, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cùng đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có chuyến khảo sát thực địa tại vùng lõi rừng, nơi sẽ làm dự án hồ Ka Pét ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam. 

Theo đó, đoàn cũng đã kiểm tra thực tế, đo đạc, xác định lại vị trí của các cây cổ thụ, gỗ quý (lim, căm xe…) và khẳng định cây cổ thụ lan truyền nhiều trên mạng xã hội được xác định nằm ngoài diện tích dự án, không bị khai thác.

Phối cảnh dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam. (Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Bình Thuận)

Dự án chứa nước hồ Ka Pét được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2019. Đến tháng 5/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Trong các nội dung điều chỉnh, diện tích sử dụng đất của dự án lên gần 698ha, tăng gần 4,5ha so với phê duyệt ban đầu.

Mục tiêu đầu tư dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam và cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m3/năm. 

Đồng thời tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết, cùng với đó là phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du huyện, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Bình Thuận…

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73ha; trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72ha (đất có rừng là 619,58ha, gồm: rừng đặc dụng là 137,95ha; rừng phòng hộ là 0,51ha; rừng sản xuất là 440,4ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha và đất không có rừng 60,14ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01ha.

Về tiến độ dự án, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đến nay đã triển khai được công tác điều tra, kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng, cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng vào tháng 4/2022.

Tổng diện tích phải trồng rừng thay thế theo Điều 21 Luật Lâm nghiệp là hơn 1.844 ha (trồng gấp 3 lần diện tích rừng bị thay thế). UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (đợt I) với diện tích là 434,22ha, cho 144,74ha rừng tự nhiên.

Còn phần diện tích cần trồng rừng thay thế còn lại hơn 1.410 ha, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đang rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng, để bổ sung đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế của dự án.

Thu gọn
Ngọc Dũng và nhóm PV, BTV