Trông chờ vào thưởng Tết

Với đa số người lao động, việc mua sắm, chi tiêu Tết đều trông chờ cả vào tiền thưởng cuối năm.

Chị Lê Thị Thương làm việc trong một bệnh viện công ở Hà Nội chia sẻ, cuối tuần qua bệnh viện đã công bố mức thưởng cho người lao động. Năm nay do hoạt động kinh doanh của bệnh viện tốt hơn các năm trước nên mức thưởng cũng cao hơn.

“Các năm trước, bệnh viện thưởng Tết Âm lịch 1 - 2 tháng lương cơ bản, nhưng năm nay ngoài thưởng Tết Dương lịch 5 triệu đồng, Tết Âm mỗi người được nhận thêm 3 tháng thu nhập. Với khoản thưởng Tết gần 30 triệu đồng gia đình tôi có thêm khoản để chi tiêu”, chị Thương chia sẻ.

Cũng có niềm vui lớn từ mức thưởng Tết, chị Nguyễn Mai Phương ở Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, công ty của chị là doanh nghiệp của Nhật Bản có trụ sở ở Khu công nghiệp Nam Thăng Long Hà Nội. Hàng năm doanh nghiệp sẽ thưởng Tết cho người lao động từ 7-8 tháng lương.

Năm nay, đơn hàng của công ty về nhiều, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty tốt hơn năm trước nên mức thưởng Tết tăng lên 9-10 tháng lương.

lao động AT   Ảnh VGP.jpg
Lao động trong doanh nghiệp FDI thường có mức lương, thưởng Tết cao. Ảnh minh hoạ: VGP.

Với mức lương quản lý 60 triệu đồng mỗi tháng, chị Nguyễn Mai Phương nhận thêm thưởng Tết gần 600 triệu đồng. Đây là khoản tiền lớn đủ để gia đình chị lo Tết, cũng như đảm bảo chi phí cho con cái học hành, gia đình đi du lịch trong năm 2025.

Thưởng Tết có cũng như không

Bên cạnh những người được thưởng Tết cao thì cũng không ít người có mức thưởng thấp. Chị Nguyễn Thị Hồng làm việc cho công ty may ở Thanh Hoá cho biết, năm nay do công ty không có đơn hàng, công nhân ngày làm, ngày nghỉ nên mức lương hàng tháng thực lĩnh chỉ 4-5 triệu đồng.

Do khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng nên năm nay công ty thông báo chỉ thưởng Tết cào bằng 1 triệu đồng/người.

Chị Hồng chia sẻ, mức thưởng Tết 1 triệu là sự cố gắng của doanh nghiệp trong lúc khó khăn, nhưng với người lao động con số này không giải quyết được gì nhiều khi Tết đến có hàng trăm thứ phải chi tiêu, mua sắm…

“Bảo thưởng Tết có cũng như không thì không đúng, nhưng thưởng thấp, công nhân như chúng tôi rất khó khăn xoay xở, không biết phải mua sắm Tết như thế nào” chị Hồng nói.

Bà Nguyễn Thu Giang, Giám đốc một doanh nghiệp buôn bán thiết bị máy xây dựng tại Hà Nội chia sẻ, năm qua hàng hoá không bán được nên doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động kinh doanh để giảm chi phí. Để giữ chân người lao động công ty vẫn phải duy trì trả lương, chờ thị trường hồi phục.

Về thưởng Tết cho người lao động, bà Giang thông tin, thưởng cao hay thấp phụ thuộc vào doanh thu bán hàng. Năm nay do tình hình khó khăn nên công ty cố gắng thưởng Tết cho người lao động nửa tháng lương, tương đương 5-7 triệu đồng, tuỳ từng vị trí.

Do Tết Dương lịch năm nay gần với Tết Nguyên đán, nên nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tập trung cho Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, mức thưởng Tết Âm và Tết dương cơ bản tăng giảm không đáng kể so với năm 2024.

Theo số liệu thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH, mức thưởng Tết Dương lịch 2025 bình quân là 1,46 triệu đồng/người, bằng 79% năm 2024 (1,85 triệu đồng/người).

Về thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, mức thưởng bình quân là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (6,85 triệu đồng/người).

Bên cạnh mức thưởng Tết trung bình thấp thì cũng có nhiều người nhận được mức thưởng Tết cao nhất, thấp nhất. Đa số mức thưởng Tết cao đều ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, người có mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 cao nhất là 1,908 tỷ đồng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin tại TPHCM.

Việc có thưởng Tết cho người lao động hay không là quyền của người sử dụng lao động. Dù không bắt buộc thưởng Tết nhưng đa số doanh nghiệp vẫn bố trí nguồn thưởng để khích lệ,  giữ chân người lao động gắn bó cống hiến cho doanh nghiệp.

Năm 2024 nhìn chung vẫn là năm khó khăn với doanh nghiệp, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, bất động sản. Tình trạng hàng hoá dư thừa ở một số ngành sản xuất cũng làm cho hoạt động kinh doanh của một số ngành nghề bị trì trệ, do vậy các doanh nghiệp khó khăn, không thể trả lương thưởng Tết cao cho người lao động.

Tuy nhiên, không phải ngành nghề nào cũng khó khăn. Một số lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo  tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này dự kiến sẽ có chính sách thưởng tương đối hấp dẫn, dù không bằng các năm trước.