Bà Trần Thanh Huyền, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh hiện có 255.164 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 31% dân số), trong đó có 4.932 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo số liệu của ngành LĐTB&XH tỉnh Yên Bái, trong 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 13 vụ xâm hại trẻ em (trong đó 11 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục), các vụ xâm hại chủ yếu xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
“Sự chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị khiến cho trẻ em thiếu cơ hội tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em là người DTTS”, bà Huyền thông tin.
Đáng ngại hơn, trẻ em vùng đồng bào DTTS bị xâm hại tình dục đối diện rất nhiều khó khăn. Các em không nói được tiếng phổ thông, thậm chí cả mẹ của các em cũng tương tự.
Trong quá trình hội phụ nữ muốn hỗ trợ tâm lý hoặc cung cấp kiến thức về kỹ năng sống cho trẻ đã bị xâm hại cũng gặp không ít khó khăn.
“Một số trẻ đã bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, chúng tôi muốn hướng dẫn mẹ để chăm sóc, dạy con nhưng mẹ cũng không biết tiếng phổ thông. Điều này khiến chúng tôi mỗi lần đi hỗ trợ những trường hợp này đều phải thông qua phiên dịch”, bà Huyền thông tin.
Theo bà Huyền, khó khăn nữa là hầu hết trẻ em vùng đồng bào DTTS đi học bán trú, cuối tuần mới trở về nhà.
“Việc trẻ đi học bán trú cũng gây khó khăn trong quá trình tiếp cận, hỗ trợ trẻ. Các em không biết tự chăm sóc bản thân trong khi các em còn rụt rè, không cởi mở... Việc hỗ trợ cho những trường hợp trẻ bị xâm hại ở vùng đồng bào DTTS tương đối khó khăn”, bà Huyền nói.
Bà Huyền cũng cho biết thêm, ở nhóm trẻ DTTS nhanh nhẹn hơn thì các em lại bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội. Các em vô tư tham gia những hội kín, nhắn tin, gửi ảnh mà không lường trước hậu quả. Từ đó, các em bị rủ rê đi chơi, bị xâm hại tình dục mà không hề hay biết, cũng như không dám lên tiếng.
Tích cực hỗ trợ trẻ em bị xâm hại
Ths. Tô Thị Hạnh (Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam) cho biết, thời gian qua Tổ chức Hagar đã nỗ lực tham vấn về quyền và pháp lý cho trẻ và gia đình; phòng ngừa tái sang chấn với trẻ trước/ trong/ sau khi trẻ tham gia vào quá trình y tế, pháp lý và quay trở lại trường học; thúc đẩy niềm tin vào công lý cho trẻ và gia đình thông qua các cuộc họp trao đổi giữa gia đình và chính quyền; phòng ngừa tái sang chấn: Nâng cao nhận thức về sang chấn với hệ thống hỗ trợ trẻ.
Sau khi hỗ trợ cho các địa phương triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho trẻ bị xâm hại tình dục, bà Hạnh cho biết trẻ đã có niềm tin và có mối quan hệ kết nối với người trợ giúp; Trẻ sẵn sàng chia sẻ với người hỗ trợ và kết nối được với bên thứ ba (công an, bác sĩ, luật sư và kết nối lại với người chăm sóc).
Từ đó, trẻ thấy được tôn trọng, được hiểu và chấp nhận sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Đặc biệt, trẻ tự tin hơn thông qua việc trẻ hiểu về quyền, lợi ích và nhìn nhận hợp lý sau sự việc.
“Đối với gia đình và cộng đồng, từ những trợ giúp của chúng tôi, giáo viên cũng có thái độ cảm thông, chấp nhận trẻ trong trường và hỗ trợ trẻ hơn; nhóm bạn dễ chấp nhận và chơi cùng. Chính quyền địa phương cũng nâng cao nhận thức và tăng cường sự phối hợp.
Đặc biệt, các nhân viên y tế khi tiếp xúc với trẻ bị xâm hại tình dục đa có kinh nghiệm hơn, quá trình khám cho trẻ bị xâm hại tình dục diễn ra thuận lợi hơn.
Gia đình không còn nhắc lại câu chuyện buồn này trước mặt trẻ, không hỏi lại câu chuyện với trẻ, hiểu hệ quả của sang chấn với trẻ giúp tăng sự nâng đỡ, hàn gắn với trẻ, giảm sự bạo lực tinh thần từ người thân tới trẻ”, bà Hạnh thông tin.
Từ kinh nghiệm của địa phương, bà Trần Thanh Huyền, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái cho rằng, để giảm thiểu trẻ em bị xâm hại tình dục nói chung, trẻ em vùng đồng bào DTTS nói riêng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể với các cơ quan chức năng.
“Chúng tôi thường xuyên tăng cường công tác phòng ngừa, nâng cao nhận thức về xâm hại tình dục và luật pháp liên quan; lồng ghép vào chương trình kỹ năng sống trong trường học”, bà Huyền thông tin.