Một số công ty lữ hành phản ánh tình trạng không ít khách sạn, resort ở Mũi Né - Phan Thiết (Bình Thuận) cuối tuần chỉ nhận khách đặt phòng 2 đêm và phải đặt ăn 1-2 bữa trong khu nghỉ.
Từ chối khách đoàn ở 1 đêm cuối tuần
Trong vai một đơn vị du lịch có nhu cầu đặt phòng khách sạn cho đoàn hơn 10 người, ở một đêm vào thứ Bảy (3/6) tại Mũi Né, PV. VietNamNet gọi điện cho các khách sạn, resort như M.N.B, B.O... để hỏi đặt phòng thì đều nhận được câu trả lời: không nhận khách ở 1 đêm cuối tuần, phải 2 đêm trở lên.
Nhân viên một resort cho hay, đó là quy định chung của khu nghỉ dưỡng, đặc biệt trong mùa cao điểm hè từ tháng 6 đến hết tháng 8. Resort này chỉ còn 1 đêm duy nhất ngày 9/6 dành cho đoàn, nhưng vào thứ Sáu chứ không phải cuối tuần.
Ông Lê Trung Tín, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Tín Việt (TP.HCM) cho hay, hều hết khách sạn, resort 4 sao ở Mũi Né đều có tình trạng cuối tuần chỉ ưu tiên nhận khách từ 2 đêm, không nhận 1 đêm.
Chưa kể, còn có chuyện ép khách phải đặt ăn 1-2 bữa trong khách sạn.
Theo ông Tín, đây là kiểu làm học từ nơi khác, rất không hay và không tốt cho du lịch của Bình Thuận nói riêng, ngành du lịch nói chung. Bởi, trên thực tế, nhu cầu và tài chính của khách có hạn.
“Việc khách sạn ưu tiên khách đặt 2 đêm cuối tuần vô tình thu hẹp đối tượng khách hàng muốn tham gia tour. Còn công ty lữ hành, dù tìm được khách sạn nhận đoàn ở 1 đêm giá cũng thường rất cao, phải ăn 1-2 bữa chính hoặc tổ chức tiệc gala. Bữa ăn nếu ngon thì không sao, nhưng giá trong menu thường 200.000-250.000 đồng/suất đôi khi còn thua cả 120.000 đồng bên ngoài thì sao chấp nhận được”, ông Tín bức xúc.
Thông tin này sau khi được đăng tải lên các diễn đàn du lịch, lập tức rất nhiều công ty du lịch khác lên tiếng thừa nhận và bày tỏ sự tiếc nuối cho du lịch Mũi Né - Phan Thiết.
Thậm chí, một số đơn vị du lịch cho hay, chuyện này đã xảy ra nhiều năm trước, nhưng chỉ vài resort làm kiểu đó nên không rầm rộ. “Cứ vào hè là toàn vậy. Book phòng mà nghe 1 đêm là báo không nhận đoàn… ” - một thành viên bức xúc.
Lý do xảy ra tình trạng này, các công ty du lịch cho rằng, là bởi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi vào hoạt động, giao thông thuận lợi. Việc di chuyến từ TP.HCM đến Mũi Né nhanh hơn nên lượng khách đổ đến đây, kéo theo nhu cầu đặt phòng ở một số khách sạn tăng cao nên đã xảy ra tình trạng “bán bia kèm lạc”.
Trên thực tế, theo Sở VH-TT&DL Bình Thuận, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, du lịch Bình Thuận đón khoảng 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, công suất phòng bình quân khoảng 70-90%. Trong đó, công suất phòng đạt bình quân 90-100% với khách sạn từ 1-2 sao và gần 100% với các resort, khách sạn từ 3-5 sao.
Lợi bất cập hại
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Văn Tài, CEO công ty Vietsense Travel (Hà Nội), cho hay, trên thực tế, việc ép khách đoàn mua 2 đêm cuối tuần kèm ăn là tình trạng chung tại nhiều địa phương, điển hình như Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Sầm Sơn, Hải Tiến (Thanh Hóa), thậm chí cả Sa Pa (Lào Cai),... Lý do bởi tính mùa vụ, khách chỉ đông 2-3 tháng hè. Khách cũng thường đông vào cuối tuần, trong tuần lại vắng.
Còn việc ép khách ở Mũi Né, theo ông Tài, là hy hữu bởi tại đây khai thác du lịch quanh năm, có nguồn khách liên tục, đều đặn. Việc các khách sạn, resort 4-5 sao có uy tín, thương hiệu mà làm như vậy thì khác gì kinh doanh chụp giật, cả công ty du lịch và khách dần sẽ quay lưng.
Ông lý giải, trong kinh doanh, các khách sạn muốn khách ở 2 đêm, ăn tại khu nghỉ nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Họ đã công khai chính sách đó, các công ty du lịch thuận mua thì vừa bán, nên về nguyên tắc làm như vậy không vi phạm pháp luật. Song, trong việc hợp tác với các đơn vị lữ hành, đó là kiểu “chơi không đẹp”, ép khách, đặt lợi nhuận lên trên hết.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty du lịch Best Price, phân tích, gặp tình huống đó công ty du lịch sẽ đổi khách sạn khác, như vậy họ sẽ mất khách. Chưa kể, thay vì đi Mũi Né, các DN lữ hành đang gợi ý khách đi Ninh Chữ hoặc Nha Trang, cũng bằng ô tô hành trình 4 ngày 3 đêm.
"Các khách sạn ép khách như trên có tầm nhìn ngắn, tận thu, trông vào khách lẻ là chính trong khi công ty du lịch mới đem lại nguồn khách bền vững, lâu dài", ông Tú đánh giá.
Các công ty lữ hành cũng khuyến cáo, bài học của du lịch Phú Quốc vẫn còn nóng hổi khi giá vé máy bay, chi phí ăn uống tăng cao khiến khách đến đảo Ngọc sụt giảm mạnh.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá dịch vụ tăng, điểm đến lại không có gì mới; thậm chí một số khách sạn, resort tại Mũi Né đã xuống cấp so với tiêu chuẩn sao tương đương. Thế nhưng, giá phòng vẫn “trên mây”, lại thêm điều kiện ở 2 đêm cuối tuần, ăn trong khách sạn,… Cách làm ăn chụp giật như vậy, làm sao giữ được chân khách.
Kiểm tra các khách sạn tại địa bàn du lịch trọng điểm trên toàn quốc
Thực hiện kế hoạch về kiểm tra đảm bảo chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam năm 2023 của Bộ VH-TT&DL, từ tháng 6-10/2023, Tổng cục Du lịch sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng sao ở các địa bàn trọng điểm du lịch trong cả nước.
Ngoài ra là các khách sạn quảng bá không đúng chất lượng dịch vụ, quảng cáo, niêm yết không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Theo đó, việc kiểm tra sẽ tiến hành ở cả 3 miền: miền Bắc (Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An); miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam); miền Nam (Bình Thuận, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang).
Là địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023, Bình Thuận phấn đấu đón 6,5 triệu lượt khách - cao hơn cả thời điểm du lịch bùng nổ (năm 2019) là 6,4 triệu lượt.
Các điểm du lịch đón một lượng khách tăng cao, vượt xa kỳ vọng, trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. TP.HCM, Thanh Hóa, Hà Nội, Khánh Hòa,... bội thu từ khách du lịch dịp này, cao nhất lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.
Kỳ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, Bình Thuận đón lượng khách tăng cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, một phần nhờ tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thông xe, rút ngắn quảng đường di chuyển.