Các địa phương, doanh nghiệp sẵn sàng đón các đoàn khách lớn từ Trung Quốc; trong đó, Nha Trang đang là điểm đến hot nhất. Mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế của Việt Nam năm 2023 là khả thi và nhiều khả năng sẽ vượt.
Nha Trang sẽ lập kỷ lục đón khách Trung Quốc?
Trong số các thành phố biển, Nha Trang (Khánh Hòa) được dự báo tiếp tục là điểm đến yêu thích được nhiều du khách Trung Quốc lựa chọn. Theo lịch bay mùa hè từ thị trường Trung Quốc đến Cam Ranh (Khánh Hòa) của Vietjet Air, hãng hàng không này sẽ khai thác các đường bay thẳng từ hơn 20 thành phố của thị trường hơn 1,4 tỷ dân đến Nha Trang, bắt đầu từ 26/3 đến 28/10.
Theo phân tích của các doanh nghiệp lữ hành, tổng cộng, Nha Trang sẽ đón khoảng 163 chuyến bay/tuần, với 49 số hiệu chuyến bay. Chia đều thì mỗi ngày, Nha Trang sẽ tiếp đón hơn 20 chuyến bay, tương đương khoảng 4.000-5.000 lượt du khách/ngày, cộng lại khoảng 1 triệu lượt khách Trung Quốc trong 7 tháng hè.
Nếu phương án trên là khả thi sẽ góp phần không nhỏ trong việc phục hồi tăng trưởng du lịch của tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt giúp Nha Trang tái thiết lập kỷ lục là "thành phố du lịch biển dành cho khách Trung Quốc".
Trên thực tế, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Khánh Hòa, với 70% thị phần khách quốc tế của tỉnh. Theo Hiệp hội Lữ hành đón khách Trung Quốc tại Khánh Hòa, đến nay 21 doanh nghiệp lữ hành thành viên đều đã có kế hoạch, chương trình để thu hút khách Trung Quốc quay trở lại Việt Nam. Hầu hết trong số 1.169 khách sạn, cơ sở lưu trú, với hơn 55.000 phòng đã hoạt động trở lại nên sẽ không có gì trở ngại trong việc đón lượng khách lớn. Các dịch vụ vui chơi giải trí ở Khánh Hòa cũng đã mở cửa trở lại gần như hoàn toàn nên đủ sản phẩm để phục vụ khách Trung Quốc.
Để các đối tác Trung Quốc có thời gian khởi động, chuẩn bị và có thời gian kết nối, khả năng phải đến quý II/2023, lượng khách du lịch Trung Quốc mới tăng cao trở lại.
Tuy nhiên, ông Hồ Hữu Huỳnh, đại diện công ty Beibaogo (TP.HCM), nhận xét, Việt Nam đang đón dòng khách Trung Quốc phân khúc thấp, chi tiêu ít. Một vài đơn vị đã liên hệ nhờ công ty ông kết nối với hướng dẫn viên và chuẩn bị cho đợt tiếp đón các chuyến bay charter tới, nhưng do Beibaogo chủ yếu làm dòng khách nghỉ dưỡng và thương mại nên không tham gia do lo ngại ảnh hưởng đến chất lượng.
Ông Huỳnh cho rằng, phân khúc khách này khi qua Việt Nam sẽ đi ồ ạt, với số lượng lớn, trong khi nhân sự du lịch còn thiếu, đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng Trung, và các dịch vụ kèm theo mang tính bùng phát nên rất dễ dẫn đến nguy thị trường Việt Nam lặp lại tình trạng tour giá rẻ, tour 0 đồng, tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc bát nháo như giai đoạn 2016-2019.
Trung Quốc là nguồn khách quan trọng nên ông Huỳnh đề xuất, giai đoạn đầu, nên thí điểm chọn 1-2 thành phố lớn, với các đơn vị cung ứng và hỗ trợ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, để đón khách đoàn Trung Quốc. Bởi, chúng ta cần tính đến sức tải tại điểm đến cho phù hợp. Như hiện tại, với 163 chuyến bay/tuần - trung bình mỗi ngày Nha Trang đón 4.000-5.000 khách Trung Quốc, là phù hợp.
Sau đó, tiến tới phân luồng khách. Thành phố Nha Trang đón khách Trung Quốc từ tháng 4-10/2023, Phú Quốc đón từ tháng 11/2023-3/2024, tránh tình trạng tập trung một điểm đến. Điều này phù hợp với đặc tính dòng khách Trung Quốc đông đúc, đi tới đâu có thể gây ồn ào tới đó, chưa kể còn làm ảnh hưởng tới thị trường khách khác.
Sẽ đạt và vượt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế?
Ông Nguyễn Đức Chí, nguyên Phó Phòng Lữ hành (Sở Du lịch TP.HCM), phân tích, hai tháng đầu năm, Việt Nam đón được 1,8 triệu khách quốc tế, trung bình là khoảng 900.000 khách mỗi tháng. Giai đoạn cao điểm khách đến Việt Nam từ tháng 10 năm trước tới tháng 4 năm sau, nếu bù trừ giai đoạn thấp điểm, cộng với việc dòng khách Hàn Quốc, Nhật Bản ổn định trở lại, thì kể cả khi khách Trung Quốc chưa đông trở lại, năm 2023, Việt Nam vẫn có thể đạt 8 triệu khách quốc tế.
Ông đánh giá, cùng với sự trở lại của khách đoàn Trung Quốc, chúng ta có thể đạt và vượt 8 triệu lượt khách trong năm nay.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cũng nhận định, việc khách đoàn Trung Quốc quay trở lại từ 15/3, nếu phục hồi khoảng 50-60% so với giai đoạn trước dịch thì Việt Nam có thêm 3-4 triệu khách quốc tế. Năm 2022, chúng ta đón được 3,7 triệu lượt khách thì mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong 2023 là hoàn toàn đạt được.
Song, tại một hội nghị về du lịch mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, băn khoăn, việc Việt Nam đặt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế năm nay có khiêm tốn không, bởi Campuchia cũng phấn đón 8 triệu khách, còn so với 20 triệu rồi chỉnh lên 30 triệu khách của Thái Lan thì con số của Việt Nam liệu có tụt hậu?
Ông kiến nghị, Việt Nam cần rà soát, đánh giá lại mục tiêu này. Như thế, chúng ta đã đánh giá hết thị trường khách chưa; trong đó đã rà soát lại cơ hội, tiềm năng hay chưa? Theo ông, với tiềm năng của du lịch Việt Nam và tốc độ hồi phục du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì năm 2023, tốc độ hồi phục ngành du lịch sẽ đạt 8,5%. “Phải chăng, chúng ta đang tự hạn chế mình, khi đó biện pháp sẽ thiếu tính đột phá mà chỉ là tình thế. Chỉ tiêu không cao chúng ta sẽ bay là đà mãi”, ông lo ngại.
Cùng quan điểm, ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải hành khách, Cục Hàng không Việt Nam, cho hay, mục tiêu 8 triệu khách năm nay của du lịch Việt Nam là khiêm tốn. Với việc thị trường Trung Quốc mở cửa, Việt Nam có thể đạt 10-12 triệu khách quốc tế.
Hàng không tăng tốc
Để đón khách đoàn Trung Quốc từ 15/3, các hãng hàng không đang ráo riết chuẩn bị khôi phục, mở lại và tăng chuyến trên các đường bay.
Xác định rõ Trung Quốc chỉ cấp phép mở tour du lịch, tập trung vào khách đi theo đoàn, Vietravel Airlines cho hay hãng đã ký hợp đồng thỏa thuận với một số đối tác để thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại trong thời gian tới.
Hãng sẽ tập trung vào các chặng bay kết nối một số thành phố lớn của Trung Quốc như Hàng Châu, Thường Châu, Côn Minh với thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.
Vietnam Airlines đã có kế hoạch tăng tần suất các chuyến bay, đồng thời khôi phục 9/10 đường bay kết nối Việt Nam và Trung Quốc trong tháng 4. Trước mắt, Vietnam Airlines bước đầu khôi phục các đường bay khởi hành từ Hà Nội/TP.HCM đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thành Đô từ ngày 26/3, với tần suất 21 chuyến/tuần. Từ cuối tháng 4, hãng dự kiến mở lại 3 đường bay giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô với tần suất 2 chuyến/tuần mỗi đường bay.
Với Vietjet Air, riêng giai đoạn 26-30/3, sẽ tăng tần suất lên 20 chuyến bay charter từ Trung Quốc đến cảng Cam Ranh (Khánh Hòa).
Bamboo Airways tiếp tục khai thác các chuyến bay thẳng kết nối Hà Nội với Thiên Tân với tần suất 1 chuyến/tuần.
Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Trung Quốc cho biết, hãng hàng không China Southern (Trung Quốc) cũng có kế hoạch mở lại các đường bay thương mại từ Trung Quốc đến sân bay quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa và tăng dần số chuyến bay từ tháng 4. Song song đó, việc đảm bảo an toàn bay và tuân thủ các quy định kiểm dịch và phòng dịch của hai nước Việt Nam và Trung Quốc và là những thách thức không nhỏ cần vượt qua.
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ngày 10/3 vừa ra thông báo về việc cho phép doanh nghiệp du lịch Trung Quốc thí điểm khôi phục hoạt động tổ chức tour du lịch theo đoàn cho công dân đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Đối tác gọi hỏi thông tin, chuẩn bị đón đoàn khách Trung Quốc đầu tiên là những tín hiệu vui khi Trung Quốc mở lại các tour khách đoàn đến Việt Nam từ 15/3. Song, việc đi sau các nước cùng rào cản cố hữu như thủ tục visa,... vẫn gây nhiều lo ngại.
Các đơn vị du lịch, hãng hàng không Việt Nam vẫn đang cấp tập chuẩn bị đón khách Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Việt Nam không có trong danh sách 20 quốc gia được Trung Quốc nối lại tour du lịch nước ngoài từ 6/2 khiến các đơn vị lo lắng.