Chiều 28/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết, trả lời câu hỏi ngày 4/6 về trường hợp "tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã thăm dò xong, có giấy phép khai thác nhưng không tự triển khai các dự án khai thác được do nhiều nguyên nhân, thì có thể thực hiện việc đấu giá các mỏ này để huy động các nguồn lực xã hội vào khai thác không?".
Bộ trưởng TN&MT khi đó cho biết "có thể đưa ra đấu giá khi xác định doanh nghiệp không thể thực hiện tổ chức khai thác".
Ông Hậu lưu ý về trường hợp này và cần quy định chặt chẽ để tránh tiêu cực.
"Doanh nghiệp không tự khai thác các dự án nhưng có thể dùng quyền khai thác để liên doanh, liên kết, góp vốn đầu tư với doanh nghiệp khác để triển khai khai thác. Đây là cách làm đúng, mở hướng ra cho doanh nghiệp và huy động được nguồn lực xã hội vào khai thác, chế biến khoáng sản. Nhưng, doanh nghiệp khác sẽ không cần đấu giá vẫn đương nhiên được khai thác", Đại biểu đặt vấn đề.
Vì vậy, ông cho rằng cần phải định giá quyền khai thác khoáng sản khi đưa vào góp vốn để tránh thất thoát tài sản của nhà nước. Việc định giá tài sản, định giá quyền sử dụng đất để đưa vào góp vốn đã có quy định cụ thể nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm, không ít cán bộ các cấp bị kỷ luật, vào vòng lao lý.
Do đó, Đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung về định giá quyền khai thác khoáng sản.
"Khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không thể tái tạo, bồi đắp; đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đóng góp tương xứng với giá trị của nó vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển đất nước.
Khoáng sản cũng như miếng mỡ ngon đặt trước miệng mèo. Ta không thể chỉ tăng cường dạy dỗ, nhắc nhở mèo rằng phải giữ gìn phẩm chất đạo đức, không được ăn vụng vì đó là thức ăn của chủ… mà cần phải đậy kỹ, khóa chặt.
Nếu không gần như chắc chắn sẽ phải đuổi, phải đánh, phải nhốt mèo lại, thậm chí xử trảm mèo; làm mất đi những con mèo giỏi bắt chuột, vốn là chức năng thiên bẩm của chúng", Đại biểu Hậu phát biểu.
Tranh luận về đấu giá khoáng sản sau đó, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho biết, trên báo chí nêu rất nhiều chuyên gia không yên tâm về "quy định đấu giá và không đấu giá".
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành luật Khoáng sản 2010 của Bộ TN&MT, ông Nghĩa dẫn số liệu báo chí phản ánh trong số 441 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp, chỉ có 10 giấy phép được cấp thông qua đấu giá (tỷ lệ 2,2%).
Còn ở địa phương, trong số 5.200 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp ở 63 tỉnh, thành, chỉ 827 giấy phép được cấp thông qua đấu giá (tỷ lệ 16%). Tính trên phạm vi cả nước, tỷ lệ các mỏ khoáng sản được cấp phép thông qua đấu giá chỉ đạt 14,8%. Như vậy, nhận định chung tỷ lệ cấp phép theo hình thức "xin - cho" rất cao.
Ông Nghĩa cho biết, khoáng sản được đấu giá chủ yếu dựa vào giá trị thương mại và nguồn thu; còn khoáng sản không đấu giá có thể xuất phát từ chính sách về an ninh quốc phòng, chiến lược về tài nguyên. Vì thế, cần có tiêu chí rõ ràng để phân biệt khoáng sản nào được đấu giá, khoáng sản nào không đấu giá.
Giải trình tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, quan điểm là sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, chiến lược khoáng sản của quốc gia. Một vài loại khoáng sản phải để cho các tập đoàn nhà nước dùng như than hay bauxite..., nội dung này Chính phủ quy định.
Nhưng ông cho biết thống nhất ý kiến của đại biểu, theo hướng những khoáng sản liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia do Chính phủ quy định, với loại "dưới nữa sẽ tính đến chuyện đấu giá".