Bằng thực tế trải nghiệm gần 15 năm dạy học ở một trường dân lập tỉnh lẻ (tuyển sinh đầu vào có chất lượng rất thấp), tôi nhận ra không có học sinh dốt.
Sở dĩ tôi khẳng định được điều này là vì vẫn có học sinh yếu môn này, môn kia nhưng bên cạnh đó là quy luật bù trừ. Có thể học sinh chưa giỏi môn tự nhiên thì lại học khá môn xã hội, chưa giỏi môn văn hóa thì lại giỏi môn thể dục thể thao, môn mỹ thuật, âm nhạc... Như vậy theo quan niệm của tôi, đánh giá một học sinh dốt là phải dốt toàn diện. Trên thực tế, không có học sinh dốt toàn diện.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở các nhà trường có rất nhiều học sinh lười học, bỏ bê việc học dẫn tới chất lượng học tập bị sa sút ở nhiều môn, thầy cô dạy mãi mà không hiểu nên thường bị coi là dốt.
Điều này cũng khẳng định không phải những học này “dốt bẩm sinh”, tức là do trí tuệ, chỉ số IQ quá thấp mà do điều kiện gia đình, nhà trường và xã hội tác động tiêu cực làm cho những học sinh lười học trở thành “dốt hóa”.
Thấu hiểu, biết chia sẻ với học sinh
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc lười học nhưng phổ biến hơn cả là một số nguyên nhân. Đối với gia đình, những học sinh lười học thường rơi vào gia đình không trọn vẹn như cha mẹ li hôn, bạo hành gia đình, cha mẹ thiếu gương mẫu... Nhà trường thì cách dạy chưa phù hợp, còn áp đặt, thiếu dân chủ, thiếu quan tâm sâu sát với người học... Xã hội có quá nhiều cám dỗ, bùng nổ thông tin, phương tiện nghe nhìn phát triển mạnh, trò chơi điện tử nở rộ, cơ hội việc làm thì nhiều (trình độ học vấn thấp vẫn có việc làm...).
Chính những nguyên nhân ấy làm cho học sinh học sa sút.
Để giúp học sinh có học lực thấp trở thành khá, giỏi,ì người thầy thật sự phải nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình. Trước hết, thầy phải là người bạn đồng hành với học sinh, người truyền ngọn lửa đam mê cho học sinh, người thấu hiểu và biết chia sẻ. Từ đó, tạo được niềm tin yêu, sự kính trọng của học sinh đối với người thầy thì người thầy khuyên bảo, định hướng, tư vấn học sinh mới nghe theo.
Người thầy thực sự là người tâm huyết, có trách nhiệm, có chuyên môn vững, hiểu hoàn cảnh học sinh, nắm bắt được hoàn cảnh, tâm lí học sinh để có phương pháp giáo dục phù hợp thì việc “chữa bệnh lười học” cho học sinh trở nên dễ dàng. Và như đã nói, những học sinh này hết lười cũng là hết dốt.
Mặt khác, trong mục tiêu giáo dục, bên cạnh sự phát triển toàn diện thì cũng cần quan tâm đến sự phát triển những năng lực đặc biệt của học sinh như thể thao, mĩ thuật, âm nhạc... Khi những năng lực này được giải phóng, học sinh sẽ cảm thấy tự tin, cảm nhận được niềm vui trong học tập, cảm thấy yêu trường, yêu lớp, yêu bạn bè, thầy cô. Ít nhiều các em sẽ cố gắng học đều các môn và những môn được coi là dốt dần dần sẽ được xóa sổ vì “dốt đến đâu, học lâu cũng biết”, miễn là học sinh chịu học thì mọi cái cái dốt đều không tồn tại nữa.
Tư duy là ngọn đèn pha soi rọi mỗi bước đường đi của chúng ta. Trong tư duy người thầy không có học sinh dốt thì người thầy sẽ có phương pháp, trách nhiệm làm cho thực tế không còn tồn tại học sinh dốt. Chúng ta cần có niềm tin mãnh liệt vào điều này thì giáo dục mới tiến bộ, xã hội mới phát triển.
Hồ Đình Kiếm (Giáo viên trường THPT Hoàng Mai 2, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An)
Ban Giáo dục báo VietNamNet mở diễn đàn "Có học sinh dốt thật không?", mong nhận được ý kiến của độc giả. Đóng góp xin gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin chân thành cảm ơn! |