Trong họp báo Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022 sáng 15/9, báo chí đặt câu hỏi về việc đánh giá về sửa Luật Đất đai, nhất là bỏ khung giá đất để chuyển sang xác định biểu giá theo thị trường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thông tin, dự thảo luật đất đai đang được Chính phủ gửi ra Quốc hội. Ngày mai, thường trực Uỷ ban Kinh tế sẽ họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ về dự thảo luật rất quan trọng này.
Theo ông Thanh, trong 8 gói chính sách theo Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã đặt ra chính sách tài chính, giá đất. Nghị quyết cũng đặt vấn đề bỏ khung giá đất, giao cho các địa phương ban hành bảng giá đất, với yêu cầu khách quan độc lập, bảo đảm sát giá thị trường. Dù vậy, ông Thanh nhìn nhận, việc xác định giá đất là vấn đề rất khó và giá đất tác động rất nhiều đối tượng trong xã hội.
“Việc nâng bảng giá đất giúp người dân được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ cao hơn; khiếu nại, tố cáo đất đai sẽ giảm, nhưng chi phí doanh nghiệp sẽ phải bồi thường nhiều hơn, dẫn đến tiền thuê đất, sử dụng đất sẽ tăng lên”, ông Thanh phân tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định, giá đất có thể giải quyết được vấn đề đối với đối tượng này, có thể ảnh hưởng tới đối tượng khác. Bài toán đưa ra bảng giá đất như thế nào là những vấn đề hết sức khoa học, thực tiễn cần phải nhìn thấu đáo theo nhiều chiều để xử lý.
Ngay cả chuyện bỏ khung giá đất, ông Thanh cũng chỉ ra, giữa 2 địa phương giáp ranh thì xử lý vấn đề như thế nào cũng là vấn đề khó. “Trước đây có khung của Chính phủ để 2 địa phương liền kề đưa ra những bảng giá sát nhau, bây giờ trao thẩm quyền cho HĐND các địa phương thì giá lại vênh nhau. Trên cùng một con đường, nhưng giá đất 2 tỉnh khác nhau cũng gây ra tranh cãi", ông Thanh dẫn chứng.
Ghi nhận ý kiến của báo chí, ông Vũ Hồng Thanh nói rõ: “Chúng tôi sẽ cùng các cơ quan liên quan xử lý hài hòa, chứ không thể nào đưa ra một giá đất thỏa mãn được mọi đối tượng”.
Thị trường bất động sản sau khi sửa Luật Đất đai ổn định hay không phụ thuộc vào việc giá đất, bảng giá đất tới đây thế nào. “Đây là vấn đề phức tạp. Nhưng mục đích của chúng ta là phải ổn định được thị trường bất động sản”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định, mục tiêu sửa luật là xử lý vấn đề của thị trường bất động sản, xử lý hài hoà lợi ích các đối tượng. Tuy nhiên, hiện nay việc sửa đổi mới ở giai đoạn bước đầu. Dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến qua 3 kỳ họp. Sau khi cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, các cơ quan sẽ tiếp thu, tới đầu năm sau sẽ tổ chức xin ý kiến nhân dân rộng rãi, phục vụ việc hoàn thiện về tài chính đất đai, giá đất "hai vấn đề vốn gây ra nhiều khiếu kiện".
Bộ TN&MT đang xin ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Phương án trong dự thảo đã bỏ quy định về khung giá đất, thay vào đó Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá và quyết định giá đất cụ thể. UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố vào ngày 1/1 của năm. Trong thời gian thực hiện, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá cho phù hợp. Hồi tháng 6, Trung ương ban hành Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Nhiều chủ trương mới được Trung ương nêu ra, như yêu cầu quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang; việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt; bỏ khung giá đất... |