Tiến độ khó khả thi
Với cả 3 dự án kể trên, Kiểm toán Nhà nước đều thống nhất với nội dung về sự cần thiết đầu tư dự án. tuy nhiên cơ quan này bày tỏ hoài nghi về “ngày về đích”.
Theo Kiểm toán Nhà nước, thực tiễn triển khai cho thấy, các dự án đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án thường cần khoảng 3 năm (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng… ), thời gian thi công hoàn thành công trình tối thiểu từ 2-3 năm”.
Trong khi đó, hai tuyến cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ - Sóc Trăng (44.691 tỷ đồng) và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (21.935 tỷ đồng) đều đặt ra tiến độ chuẩn bị đầu tư vào năm 2022 và hoàn thành vào năm 2026, riêng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng) hoàn thành vào 2025.
Việc đặt ra tiến độ cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025-2026 là khó khả thi nếu không có các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đặt dấu hỏi về nguồn vốn triển khai các dự án này bởi một số nguồn vốn dự kiến chưa có đầy đủ cơ sở xác định.
Chẳng hạn với cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải giải trình tại Báo cáo số 188/BC-CP ngày 21/5/2022 (dự kiến phân bổ cho dự án khoảng 572 tỷ đồng) chưa bảo đảm tính khả thi trong phương án dự kiến.
Nguồn vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội, theo Tờ trình hiện danh mục và mức vốn của từng dự án chưa được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn. Như vậy, chưa đầy đủ cơ sở để xác định nguồn vốn bố trí cho dự án.
Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 chưa được xác định rõ ràng do Chính phủ chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Ngoài ra, theo Tờ trình, dự kiến nhu cầu vốn giai đoạn 2022-2025 khoảng 15.096 tỷ đồng (khoảng 68,8% sơ bộ tổng vốn đầu tư) và giai đoạn 2026-2030 khoảng 6.839 tỷ đồng (khoảng 31,2% sơ bộ tổng vốn đầu tư), do đó cần cân nhắc, xác định nhu cầu vốn của dự án cho giai đoạn 2026-2030 phù hợp với quy định tại khoản 2, điều 89, Luật Đầu tư công năm 2019.
Vì vậy, để đảm bảo đầy đủ điều kiện trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ cần rà soát lại các phương án bố trí vốn, xác định cơ sở cân đối các nguồn vốn cho 3 dự án.
Lo thiếu nguồn vật liệu, giá cao
Kiểm toán Nhà nước cũng bày tỏ băn khoăn về việc cung cấp vật liệu cho các dự án.
Theo Kiểm toán Nhà nước, thời gian tới, có rất nhiều dự án xây dựng đường cao tốc, công trình xây dựng đồng loạt triển khai thi công. Để đảm bảo nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án thành phần thuộc các dự án đường cao tốc, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan và các địa phương có dự án đi qua khi khảo sát thiết kế cần điều tra, xác định chất lượng, trữ lượng, điều kiện khai thác của các mỏ vật liệu, đánh giá đầy đủ, chặt chẽ nguồn vật liệu…
Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần tính đến việc đáp ứng nhu cầu xây dựng không chỉ cho các dự án mà cho tổng nhu cầu trong thời gian thực hiện dự án, tránh những bất cập như trong quá trình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 vừa qua.
Bộ Giao thông vận tải cần có đề xuất về cơ chế khai thác vật liệu xây dựng thông thường cho dự án (Dự án đề xuất áp dụng cơ chế chính sách về vật liệu xây dựng thông thường tuy nhiên cơ chế này chỉ có thời hạn trong 2 năm 2022 và 2023, trong khi mục tiêu dự án thực hiện cơ bản hoàn thành năm 2026). Ngoài ra, các địa phương cần có cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp vật liệu cho dự án đúng tiến độ.
Mặt khác, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 chỉ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu và khai thác khoáng sản làm vật liệu cung cấp cho dự án trong năm 2022-2023, trong khi tỷ trọng nguồn vốn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thấp (chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư). Thực tế, tiến độ thi công của dự án chủ yếu thực hiện vào năm 2024-2025.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cần rà soát lại các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho dự án, nhất là việc áp dụng cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu cung cấp cho dự án, để tránh dàn trải chính sách đặc thù làm phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật, theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 984/TB-TTKQH.
Lương Bằng