Sau khi làm liều để tạo ra được quả vải thiều hữu cơ đắt giá nhất tỉnh Bắc Giang, lão nông người dân tộc Sán Dìu Trần Văn Hành lại bắt trend 'bán cảm xúc' từ chính đồi cây và thu tiền to.
Lời toà soạn:
Cùng với sự phát triển của đất nước, đồng bào các dân tộc Việt Nam ngày càng linh hoạt, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Những tấm gương làm kinh tế giỏi không chỉ nâng cao đời sống cho bản thân, gia đình mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược.
VietNamNet ghi nhận những điển hình tiêu biểu, những cá nhân có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo nên diện mạo mới cho các thôn bản.
Chặt bỏ ngọn cây rồi đếm tiền sướng tay
Giữa tháng 4, trên đồi những chùm hoa vải thiều dần kết thành trái chi chít, ông Trần Văn Hành tại thôn Chão, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho hay: “Cây sai hoa, quả vải đã bằng hạt đậu xanh và dự báo năm nay được mùa lớn”.
Vợ chồng ông Hành trồng vải thiều từ năm 1991. Những ngày đầu ăn cơm độn sắn, cháo ngô để lấy sức cầm cuốc san đất trồng vải. Khi ấy, người dân chỉ biết trồng và chăm sóc theo kinh nghiệm. Vải ra được quả nào hái bán quả đó, không biết đến kỹ thuật trồng và chăm bón sao cho quả đạt chất lượng cao.
Tuy nhiên, sản lượng vải thiều Lục Ngạn lúc đó chưa nhiều nên được giá. Về sau, diện tích tăng, người dân lại có kinh nghiệm nên sản lượng quả tăng mạnh từng năm. Mà ở chợ, cứ hàng gì có nhiều thì dễ mất giá.
Đến mùa thu hoạch, vợ chồng ông chở những sọt vải thiều nặng hàng tạ ra chợ bán. Dân buôn thi nhau chê quả xấu, nhỏ rồi ép bán giá rẻ, chỉ vài ngàn đồng mỗi cân.
Ông Trần Văn Hành (dân tộc Sán Dìu) là người đầu tiên ở Lục Ngạn ép vải thiều ra quả từ thân thành công. Ảnh: TA
Thậm chí, có đợt giá rẻ quá, người trồng vải nơi đây phải bán theo sọt chứ không theo cân. Sọt vải nặng hơn 1 tạ bán được 100.000 đồng, đủ tiền đổ xăng đi về, coi như mất trắng công chăm bón.
Chán cảnh bán vải thiều giá rẻ, nhiều nhà đã chặt bỏ, phá cả vườn cây. Vợ chồng ông Hành thì cố giữ lại, bởi vải thiều là cây cho thu nhập chính, phá bỏ cũng không biết trồng gì thay thế.
Có lần ngồi ở vườn ngắm cây, thấy tán vải phát triển nhanh, cành lá nhiều tạo ra khoảng râm nên sâu bệnh phát triển mạnh, ông lấy dao chặt bớt cành nhỏ đầu tán, tạo ánh sáng cho khu vườn. Sau đó ít ngày, ở thân cây đâm ra nhiều lộc mới, ra hoa và kết trái.
Lão nông Trần Văn Hành càng bất ngờ khi tỷ lệ đậu quả ở những nhánh cây mọc từ thân rất cao. Chất lượng cũng hơn hẳn quả vải ra từ ngọn.
Thấy thế, ông đề xuất với vợ cải tạo luôn cả mấy vườn vải của gia đình. Khi đó cũng sợ thất bại nhưng ông bà vẫn quyết liều một phen.
Năm 2011, họ bắt đầu triển khai thử nghiệm. Với kỹ thuật cắt tỉa cành, lộc mọc ra từ thân lần thứ nhất cắt bỏ, lần thứ hai giữ lại chăm sóc cho đơm hoa, kết trái rồi bón phân theo định kỳ, ông Hành ép được cây vải thiều ra quả từ thân đến ngọn.
Quả vải thiều đạt chất lượng cao hơn hẳn, mẫu mã cũng đồng đều. Mỗi cây cho khoảng 40-50kg quả từ thân, cùng lượng quả trên ngọn đạt tổng cộng 70-80kg, thậm chí có cây cho tới 1,8 tạ quả. Điều quan trọng, gia đình ông luôn bán được giá cao gấp rưỡi vải thiều ngoài chợ. Thương lái tìm tới tận nhà thu mua.
Vải thiều hữu cơ trong vườn nhà ông Hành luôn được doanh nghiệp bao mua với giá cao. Ảnh: TA
Đến năm 2019, ông lại bắt tay với doanh nghiệp làm vải thiều hữu cơ. Quy trình canh tác nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài nhật ký ghi chép chi tiết, trong vườn nhà ông còn lắp camera để giám sát toàn bộ quy trình từ chăm sóc cho tới thu hái quả. Sản phẩm được cấp tem nhãn, có QR code để khách hàng có thể quét mã kiểm tra thông tin.
Đến vụ thu hoạch vải thiều, ông bán cho doanh nghiệp 3 tấn vải thiều hữu cơ chất lượng cao. Họ về đóng hộp 12 quả bán giá 200.000 đồng/hộp (tương đương 17.000 đồng/quả và 600.000 đồng/kg). Đây cũng là loại vải thiều có giá đắt nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
Tại vườn, vải thiều hữu cơ loại 1 doanh nghiệp bao mua với giá 90.000 đồng/kg để đóng hộp, loại đóng túi giá 60.000 đồng/kg. Mức giá này cũng gấp đôi giá ngoài thị trường.
“Hái sọt vải bán đủ tiền đong gạo ăn nửa năm. Lượng vải có thể không bằng những năm trước nhưng tiền thì thu nhiều hơn, đếm sướng tay”, bà Bảy - vợ ông Hành khoe.
Về thu nhập từ cây vải thiều, ông Hành tiết lộ, tùy vào giá cả mỗi vụ mà thu được khoảng 800-900 triệu đồng/năm, có năm thu tới 1,2 tỷ.
Mấy năm gần đây, ngoài việc chăm sóc vườn vải của gia đình, ông Hành còn dạy kỹ thuật cắt tỉa cành cũng như chăm sóc để quả vải thiều có thể ra từ thân cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Nhiều người thành công, thu được những quả vải chất lượng không kém vải thiều trong vườn nhà ông.
Vườn vải thiều nhà ông Hành tấp nập du khách ghé thăm. Ảnh: Anh Đức
Một vụ 'bán cảm xúc' cho 10.000 du khách
Từ năm 2023 đến nay, ông Hành còn bắt trend “bán cảm xúc” cho khách du lịch ngay trên đồi vải thiều rộng 2ha của gia đình.
Trên đồi vải thiều, ngay từ thời điểm hoa mới chớm nở, ông đã đón vài đoàn khách tới tham quan. Công việc dọn dẹp vườn tược, cảnh quan đang được tiến hành để chuẩn bị bước vào mùa cao điểm đón khách.
“Trước kia trồng vải chỉ thu quả bán. Giờ làm nông cũng có thể đa giá trị, bán quả, bán cả câu chuyện, cảm xúc trên mảnh vườn cây của mình”, ông chia sẻ.
Năm 2023, lần đầu ông bắt tay với công ty du lịch đưa du khách về vườn. Bấy giờ, vườn vải thiều cũng đương độ bung nở hoa trắng muốt. Hàng ngày, các đoàn khách vào vườn tham quan, chụp ảnh và cắm trại. Còn ông hoặc hướng dẫn viên du lịch sẽ kể tường tận về quy trình trồng và chăm sóc vườn để tạo ra quả vải thiều chất lượng cao.
Một du khách cắm biển đánh dấu chủ quyền cây vải thiều mình bao mua tại vườn nhà ông Hành. Ảnh: Anh Đức
“Khách ở Hà Nội, các tỉnh lân cận đến vườn là chủ yếu. Cũng có các đoàn khách từ trong Nam ra. Rồi có cả khách nước ngoài vì họ cũng muốn tìm hiểu quá trình trồng, thu hái quả vải Việt Nam”, ông Hành nói.
Cứ thế, mỗi đoàn vài chục khách nườm nượp tới vườn, từ lúc cây vải bắt đầu ra hoa cho đến khi quả vải chín đỏ sai trĩu cành. Với mỗi du khách, ông được doanh nghiệp chi trả 50.000 đồng.
Mùa vải đầu tiên bắt trend “bán cảm xúc” đó, ông Hành đón khoảng 10.000 du khách, mang lại doanh thu khoảng 500 triệu đồng.
Được nghe ông kể về hành trình mấy chục năm tạo ra trái vải trên vườn đồi, nhiều khách chi cả chục triệu đồng để bao mua cây. Mỗi cây vải thiều cho sản lượng từ 150-200kg, nhưng họ vẫn mua vì trân trọng quá trình người nông dân làm ra trái vải, muốn một lần tự tay hái quả chín ăn.
Năm nay, ông tính toán bắt đầu từ tháng 5 sẽ vào cao điểm đón khách du lịch. Bởi, khi đó vải thiều trên cây dần chín đỏ, khách có thể trải nghiệm hái trái và thưởng thức ngay tại vườn.
Lão nông người dân tộc Sán Dìu cũng tiết lộ, gia đình ông đang trồng thử nghiệm loại vải thiều cho chất lượng đặc biệt để hướng tới phân khúc cao cấp. Bởi ông nghĩ, muốn thành công thì phải làm thứ mà thị trường cần, hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, chứ không phải là bán cái mình có.
Với sự hỗ trợ từ Chương trình 1719 và doanh nghiệp liên kết, mô hình trồng gia vị hữu cơ đã tạo sinh kế bền vững cho nông dân các xã vùng cao Lục khu Hà Quảng. Cây gia vị hữu cơ trồng ở “vùng đất khát” được đánh giá “tốt nhất thế giới”.
Chuyển đổi giống cây trồng từ cây ăn quả sang "thần dược" giúp người dân vùng sâu vùng xa huyện Sơn Động (Bắc Giang), đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có cơ hội thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.