Áp lực điều chỉnh thuế
Sau lần giảm một nửa mức thuế bảo vệ môi trường đầu tháng 4, mức thuế này với xăng còn 2.000 đồng/lít và còn 1.000 đồng/lít với dầu diesel, dầu nhờn, mazut. Nỗ lực tiếp theo lần này diễn ra trong bối cảnh giá xăng dầu đã đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại trong lần điều chỉnh gần đây.
Vấn đề giảm thuế, phí xăng dầu đã được các đại biểu chất vấn thẳng thắn tại diễn đàn Quốc hội đang diễn ra. Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói ông ủng hộ giảm thuế phí.
“Tôi cho rằng, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước bình ổn, vì vậy đến một lúc nào đó thì Nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá. Việc giảm giá xăng dầu sẽ có lợi ích là giảm được giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sức cạnh tranh và giải quyết được lao động, từ đó sẽ có tích lũy cho nền kinh tế. Chúng ta lại thu được thuế thông qua giá trị gia tăng của nền kinh tế, VAT và thu nhập doanh nghiệp ở mặt hàng khác, cho nên chúng tôi cho rằng đây cũng là một giải pháp, tuy nhiên là giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động”.
Trước đó, tại hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nói về sự cần thiết phải giảm giá xăng dầu: "Trong lúc này, để kiểm soát giá xăng dầu, một mặt phải dùng các công cụ, bao gồm cả thuế phí, tăng cường kiểm soát thị trường để giảm giá. Còn trường hợp giá tiếp tục tăng thì dùng chính sách an sinh, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế. Có như vậy mới hài hoà cả trong lẫn ngoài”.
Quan điểm của hai tư lệnh xăng dầu như vậy là khá đồng nhất và tương thích với báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ trình ra Quốc hội. Báo cáo viết, giá dầu tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 và 2023. Do vậy, yêu cầu cần điều hành linh hoạt, kịp thời giá xăng dầu trong nước đồng thời bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới.
Báo cáo Chính phủ đưa ra chủ trương “cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước” trong thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, tác động làm vô hiệu hoá một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 6, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Chính phủ nên có các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên, để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng. Định chế này cho rằng, chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát.
Dưới hàng loạt các khuyến nghị và chỉ đạo của Chính phủ, việc điều chỉnh thuế với xăng dầu như Bộ Tài chính là hợp lý và kịp thời.
Giữ ổn định vĩ mô làm trọng
Hiện nay mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (2.000 đồng cho 1 lít xăng và 1.000 đồng cho 1 lít dầu). Theo tính toán thì xăng dầu "cõng" khoảng 7.000 đồng cho 3 loại thuế đầu tiên.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đối với xăng dầu mới giữ cho giá của mặt hàng này không vượt ngưỡng quá cao.
Tuy nhiên, giảm thuế là thẩm quyền của Quốc hội, như Bộ trưởng Phớc nói: “Trước đây, chúng tôi định có văn bản đề nghị với Chính phủ để đề nghị với Quốc hội ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội để quyết định thuế trong xăng dầu để linh hoạt, bởi Quốc hội có 6 tháng họp một lần. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu Hiến pháp, chúng tôi thấy các quy định nghĩa vụ thuế là theo quy định của pháp luật. Cho nên chỉ khi được Quốc hội đồng ý thì chúng tôi mới có cơ sở để trình”.
Quá trình sửa luật không hề dễ vì phải đưa vào chương trình, được thông qua mà quy trình phải kéo dài cả năm. Vì thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nên việc điều chỉnh thuận lợi hơn nhiều.
Thực tế là giá xăng vượt 32.000 đồng/lít đặt ra thách thức chưa từng có đối với ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Tổng cục Thống kê cho biết, CPI đã tăng "cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây vì lý do chính là giá xăng dầu".
Lo lắng của dân về lạm phát ngày càng lộ rõ trong bối cảnh lạm phát thế giới đang đến cao trào trong hàng chục năm và chưa biết khi nào dừng lại.
Bên cạnh đó, ở trong nước, nguy cơ lạm phát đang ngóc đầu dậy vì cả hai yếu tố rõ mồn một là cầu kéo và chi phí đẩy. Bên cạnh giá xăng, sức mua tăng lên do dỡ phong tỏa, gói kích cầu, gói đầu tư công mở rộng chưa từng có để xây cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, tăng trưởng tín dụng cao, trái phiếu doanh nghiệp, tăng lương, tăng học phí, tăng viện phí, tăng giá sách giáo khoa… Tất cả các yếu tố đó đều gây nguy cơ lạm phát cao.
Vì thế, ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, cần nghiên cứu thêm phương án điều chỉnh giảm các loại thuế khác. Có lẽ, Tổ công tác vĩ mô của Chính phủ bao gồm các ngành kế hoạch và đầu tư, tài chính, công thương, ngân hàng nên cùng thảo luận để ra các kịch bản về giá xăng dầu và các hình huống, giải pháp đi kèm.
Quan điểm “ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát” được nhắc đi nhắc lại trong các văn kiện, các nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội cần luôn được ghi nhớ hàng đầu trong điều hành kinh tế trong bối cảnh cực kỳ đặc biệt này. Lạm phát mà tăng cao là rất khó để xử lý và làm thui chột nhiều thành quả phát triển.
Hơn nữa, người dân đã mòn mỏi vì Covid. Giảm giá xăng vừa cứu dân, vừa giúp kiềm chế lạm phát mà lại ghi điểm trong điều hành.
Tư Giang
Những đối tác lớn hiện ở trạng thái phục hồi, có thể mang lại cơ hội đối với thương mại và đầu tư cho Việt Nam. Tuy nhiên, diễn biến lạm phát đang là yếu tố đáng lo ngại.