Chiều 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho hay, dự thảo nghị định bổ sung tiêu chí sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước.
ĐB đề nghị cần cân nhắc, rà soát và làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Bởi, với mỗi trường hợp đều có những hệ quả pháp lý khác nhau.
Bên cạnh đó, cần làm rõ tiêu chí sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách pháp luật, làm căn cứ đánh giá cần có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Theo nữ ĐBQH, điều này để tránh việc lợi dụng các yếu tố vi phạm cá nhân của người thân để làm giảm uy tín của họ trong việc đảm nhiệm chức vụ được giao.
Góp ý về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề nghị không nên hạn chế không cho người có số phiếu tín nhiệm thấp quá 2/3 tổng số phiếu đánh giá được xin từ chức.
Ông lý giải: "Xin từ chức là quyền của cán bộ, công chức và Đảng có chủ trương khuyến khích cán bộ, công chức không đủ năng lực, uy tín, có sai phạm từ chức. Do đó, không nên hạn chế quyền này".
Theo ĐB, khác biệt lớn nhất về hệ quả pháp lý của người có quá nửa đến 2/3 tổng số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp với người có trên 2/3 tổng số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp đó là việc có qua hay không qua một thủ tục nữa, đó là bỏ phiếu tín nhiệm. Ông cho rằng quy định như thế là đủ.
Khoản 1, điều 12 quy định: "Đối với người có phiếu tín nhiệm thấp thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất", ĐB Cường cho rằng quy định này có 2 điểm bất cập cần cân nhắc.
Thứ nhất, về thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại điều này mâu thuẫn với quy định tại Điều 13 là giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND trình.
Thứ hai, thời điểm bỏ phiếu tín nhiệm được quy định tùy nghi. Theo quy định, thời điểm bỏ phiếu tín nhiệm có thể cách nhau từ 4-5 tháng. Ông Cường cho rằng cách làm như vậy không tạo sự thống nhất, bình đẳng giữa những người có số phiếu tín nhiệm thấp từ 50% đến 2/3. Vì vậy, ĐB đề nghị quy định chỉ một thời điểm bỏ phiếu ngay tại kỳ họp đó.
Trong trường hợp chưa chuẩn bị được nhân sự thay thế thì giao quyền cho cấp phó, không nên để xảy ra trường hợp một người đã trải qua 2 quy trình lấy phiếu tín nhiệm, tiếp đó lại bỏ phiếu tín nhiệm và có quá 50% bỏ phiếu không tín nhiệm nhưng lại để 4-5 tháng sau, nếu cộng 2 lần vào thì thành khoảng 8-10 tháng sau mới miễn nhiệm.
Lợi dụng phiếu tín nhiệm gây mất đoàn kết, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị bổ sung thêm quy định người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra tình trạng lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm gây mất đoàn kết nội bộ.
Đồng thời, trong tổ chức thực hiện cần làm tốt việc nắm tình hình và công tác tư tưởng để phòng ngừa từ sớm, từ xa việc này.
ĐB Trần Công Phàn (Bình Dương) đặt vấn đề, sau khi miễn nhiệm chức vụ do Quốc hội hoặc HĐND bầu còn tư cách của ĐBQH, tư cách của đại biểu HĐND sẽ phải tính thế nào? Ông Phàn đề xuất trường hợp này cũng nên cho thôi làm ĐBQH hoặc đại biểu HĐND nhưng cách thức cần quy định cụ thể trong nghị quyết.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ. Với nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, đối chiếu với Quy định số 96, tổng kết thực tiễn cho thấy quy định về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trên là hợp lý.