Trong một bài viết mới đăng tải trên tạp chí L'Obs của Pháp, Josep Borrell, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh kêu gọi các nhà lãnh đạo EU từ chối "cám dỗ hòa giải" với Nga.
“Những ý tưởng này đã sai vào năm 2022 và vẫn sai cho đến ngày nay”, ông Borrell viết, đồng thời lập luận rằng, EU không được để các ý tưởng đó “định hình chính sách của khối đối với Ukraine”.
Hiện không rõ ông Borrell đang đề cập đến đề xuất hòa bình nào. Trong EU, Thủ tướng Hungary Viktor Orban lâu nay vẫn kêu gọi giải quyết bằng thương lượng, với lí do quân Ukraine không thể giành chiến thắng quân sự trước Nga và các lệnh trừng phạt của EU chống Moscow gây tổn hại cho nền kinh tế liên minh nhiều hơn xứ sở bạch dương.
Tuy nhiên, lãnh đạo chính sách đối ngoại của EU có quan điểm ngược lại. Ông Borrell tin các lệnh trừng phạt đã làm suy yếu cỗ máy vận hành chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, dù trong một bài phát biểu gần đây ông thừa nhận chúng phần lớn chưa đạt mục tiêu.
“Thay vì tìm kiếm sự thỏa hiệp, chúng ta nên ghi nhớ những bài học đã rút ra từ năm 2022 và nỗ lực gấp đôi. Chúng ta phải chuyển mô hình từ hỗ trợ Ukraine ‘chừng nào họ cần' sang cam kết làm 'bất cứ điều gì cần thiết' để Ukraine giành chiến thắng", ông Borrell nhấn mạnh. Quan chức này cũng thúc giục các nước thành viên EU cung cấp "tên lửa tầm xa và các hệ thống vũ khí tiên tiến khác", bao gồm nhiều khẩu đội phòng không hơn cho Kiev.
Ông Borrell lưu ý, nhu cầu về vũ khí và đạn dược của Ukraine chỉ có thể được đáp ứng nếu có “sự phục hưng của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu”.
Theo đài RT, dù ông Borrell cho hay chi tiêu quốc phòng trên toàn EU đã tăng 40% kể từ năm 2014, nhưng mức tăng này không tương ứng với mức tăng sản xuất vũ khí trong khu vực.
Ví dụ, hồi tháng 3/2023, các nước thành viên EU đã cam kết sẽ cùng cung cấp một triệu quả đạn pháo cho Ukraine trước tháng 3/2024, nhưng đến nay mới chỉ 1/3 số đó được chuyển giao. Trao đổi với báo chí hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhận định không thể đạt được mục tiêu này.
Tờ Politico từng đưa tin, các nhà thầu quốc phòng trên khắp châu Âu đang cảnh giác với việc tăng cường sản xuất mà không nhận được hợp đồng chắc chắn từ các chính phủ. Nếu không có những hợp đồng như vậy, doanh nghiệp sẽ đối mặt nguy cơ thua lỗ nếu nhu cầu về vũ khí do họ sản xuất giảm trong những năm tới.