Theo đài RT, trong phát biểu đầu tiên trước công chúng kể từ khi xung đột nổ ra cuối tuần trước, Tướng Herzi Halevi, Tổng Tham mưu trưởng IDF hôm 12/10 nói: “IDF chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho quốc gia và các công dân của chúng ta. Chúng tôi đã không làm được điều đó vào sáng 7/10. Chúng tôi sẽ xem xét việc này và tiến hành điều tra, nhưng hiện là thời điểm chiến đấu”.
Ông Halevi lên án các vụ tập kích của Hamas vào lãnh thổ Israel, đồng thời quy trách nhiệm cho Yahya Sinwar, thủ lĩnh của nhóm vũ trang Hồi giáo này ở Dải Gaza.
Lãnh đạo IDF tuyên bố sẽ đáp trả bằng cách tấn công và tiêu diệt các tay súng Hamas cũng như tổ chức của họ, khiến “Gaza sau đó sẽ không còn như xưa nữa”. Ông cũng cam kết sẽ làm mọi cách để giải cứu các con tin, ước tính có thể lên tới gần 200 người, đang bị Hamas và tổ chức tự xưng Thánh chiến Hồi giáo bắt giữ.
Liên Hợp Quốc thống kê tổn thất ở Dải Gaza
Liên Hợp Quốc hôm 12/10 trích dẫn số liệu từ Bộ Công trình công cộng và nhà ở Gaza của Palestine cho hay, chiến dịch ném bom của Israel nhằm trả đũa Hamas kể từ ngày 7/10 đến nay đã phá hủy 752 tòa nhà trong khu vực, trong đó có 2.835 căn hộ của người dân. Thêm gần 1.800 ngôi nhà khác bị tàn phá đến mức không thể sửa chữa hoặc ở được nữa.
Theo báo Guardian, Liên Hợp Quốc cũng lên tiếng cảnh báo về sự hủy hoại nghiêm trọng hệ thống cơ sở hạ tầng dân sự ở Gaza trong các vụ pháo kích.
Ít nhất 90 cơ sở giáo dục, bao gồm 20 trường do Cơ quan Cứu trợ và công trình của Liên Hợp Quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) xây dựng và 70 trường do chính quyền Palestine quản lý đã bị trúng đạn pháo và hư hại. Một trường trong số đó bị san phẳng.
Hình ảnh Gaza đổ nát vì các vụ không kích trả đũa Hamas của quân Do Thái. Nguồn: CNN
Cơ quan cứu trợ nhân đạo OCHA của Liên Hợp Quốc cho biết thêm, 11 thánh đường Hồi giáo cũng trở thành mục tiêu bị tập kích và 7 công trình trong số đó bị phá hủy. Cũng theo cơ quan này, hơn 423.000 người Palestine ở Gaza đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Liên Hợp Quốc cảnh báo tình hình trong khu vực đang tiếp tục xấu đi khi các tổ chức nhân đạo không thể đưa hàng viện trợ tới vùng đất đã bị quân Israel phong tỏa, cắt hoàn toàn các nguồn cung cấp điện, nước và thực phẩm.