Để môn Sử không còn là 'nỗi buồn'
Năm 2025 là thời điểm khóa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (còn gọi là chương trình 2018) thi tốt nghiệp.
Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, vừa ban hành mới đây, của Bộ GD-ĐT có nhiều điểm mới, trong đó có việc đưa Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc.
Điểm mới này nhận được ý kiến trái chiều từ dư luận. Nguyên nhân là do cách dạy, học và thi môn Lịch sử vốn nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt khi điểm thi tốt nghiệp của môn học này thấp hơn các môn khác.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, 70% số bài thi Lịch sử điểm dưới 5, điểm trung bình môn là 4,3, thấp nhất trong 9 môn thi.
Ngược về những năm trước, điểm trung bình Lịch sử cũng rất thấp. Cụ thể, năm 2018, điểm trung bình môn Lịch sử là 3,79. Năm 2017, điểm trung bình môn này là 4,6. Năm 2016, trung bình môn Lịch sử là 4,49.
3 năm trở lại đây, tuy điểm trung bình môn Lịch sử có khả quan, nhưng vẫn thấp hơn các môn còn lại. Cụ thể, năm 2022 có 659.667 thí sinh tham gia thi môn Lịch sử, điểm trung bình là 6,34 điểm, điểm trung vị là 6,5. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7. Số thí sinh có điểm thấp hơn hoặc bằng 1 là 83 (chiếm tỷ lệ 0,01%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 127,557 (chiếm tỷ lệ 19,34%).
Năm 2021, có 637.005 thí sinh tham gia thi môn Lịch sử, điểm trung bình là 4,97, điểm trung vị là 4,75; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4. Số thí sinh có điểm thấp hơn hoặc bằng là 540 (chiếm tỷ lệ 0,08%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 331.429 (chiếm tỷ lệ 52,03%).
Năm 2020, có 553.987 thí sinh tham gia thi môn này, điểm trung bình là 5,19, điểm trung vị là 5. Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 4,5. Số thí sinh có điểm từ 1 trở xuống là 111, chiếm tỷ lệ 0,02%. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 260.074, chiếm tỷ lệ 46,95%.
Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc. PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết, trước khi quyết định đưa môn Lịch sử thành 1 trong 4 môn thi bắt buộc trong dự thảo, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc rất kỹ và xin ý kiến đa chiều.
Đây là nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết 63 của Quốc hội khóa XV, chỉ rõ: “Thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách học sinh”.
Thay đổi cách dạy, ngân hàng đề thi - 'chìa khóa' giúp học sinh mê Lịch sử
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, hoàn toàn nhất trí với dự thảo Bộ GD-ĐT đề ra trên nguyên tắc có học có thi.
Theo thầy Du, việc Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc sẽ đánh giá được cơ bản khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh và tạo động lực cho học sinh học Lich sử một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, đề thi nên theo hướng tinh giản kiến thức, trong đó tập trung vào kiến thức Lịch sử trọng tâm để giảm tải cho học sinh.
"Về ngân hàng câu hỏi, đa số phải nằm trong lớp 12 và giảm tải. Vấn đề hiện nay là Bộ GD-ĐT sẽ ra đề theo hướng nào? Bởi, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử không được cấu trúc theo xu hướng đồng tâm như chương trình cũ mà theo hướng xây dựng chuyên đề. Cho nên, vấn đề kiến thức có thể giới hạn theo chuyên đề rất dễ dàng"- Thầy Du nói.
Giáo viên này cũng cho rằng, mỗi hình thức thi sẽ có giá trị và mục tiêu riêng. Bốn môn chính thi riêng từng bài và các môn tự chọn thi gộp là hợp lý. Quan trọng nội dung thi có gây khó khăn cho thí sinh hay không.
Tương tự, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng, Lịch sử là môn thi bắt buộc là chính xác, nhưng câu hỏi nên ở dạng suy luận, đừng bắt học sinh phải ghi nhớ các sự kiện.
"Nếu học sinh không nhớ lịch sử đất nước Việt Nam sẽ rất nguy hiểm"- ông Sơn nói. Tuy nhiên theo ông Sơn, cần phải thay đổi cách thi và thay đổi cách giảng dạy môn học này, phải làm sao giảng dạy và thi cử môn này thật sự thu hút.
Ngoài ra, ngân hàng đề thi phải làm sao có tính mở, thời sự và chính xác. Vì vậy, định kỳ hằng năm nên rà soát, bổ sung vào ngân hàng đề thi bằng cách tìm chuyên gia, giáo viên giỏi ra đề.
Thầy Nguyễn Đăng Khoa - Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, TP.HCM, nhất trí, Lịch sử phù hợp là môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT. Bởi đây là môn học sinh cần nắm được các vấn đề như nguồn gốc con người, lịch sử nước nhà, lịch sử thế giới. Nếu thay đổi cách dạy môn này sẽ rất cuốn hút, học sinh sẽ không chỉ yêu thích mà còn say mê, tự tìm hiểu vấn đề.
Theo ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Lịch sử là môn học cần được coi trọng, bắt buộc thi tốt nghiệp THPT là đương nhiên.
"Tuy nhiên cần phải thẳng thắn rằng, từ xưa nay việc biên soạn sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy môn Lịch sử chưa thu hút học sinh"- ông Ngai nhìn nhận.
Theo ông Ngai, các nhà nghiên cứu biên soạn những cuốn sách theo chi tiết, kiến thức để hiểu sâu hơn lịch sử Việt Nam, để người đọc thấy được công sức của ông cha trong quá trình dựng nước, giữ nước. Những tài liệu này để học sinh có nhu cầu nâng cao hiểu biết tìm hiểu.
Đối với việc dạy đại trà chung trong trường, môn Lịch sử đừng bắt học sinh phải nhớ chi li, chi tiết từng trận đánh, làm sao qua môn học này hun đúc được tinh thần yêu nước, thấy được công sức của ông cha trong quá trình dựng nước, giữ nước, bảo vệ tổ quốc.
Điều này sẽ khiến học sinh kết nối, đồng cảm, quyết tâm giữ gìn truyền thống cha ông, bảo vệ quê hương đất nước, biết ơn những người đi trước, thấy được tài năng, khôn khéo, bản lĩnh của con người Việt Nam.
Sách giáo khoa và cách dạy phải nói được cốt lõi vấn đề thông qua những minh hoạ cụ thể, không cần người học phải nhớ ngày nào, giờ nào, đánh bao nhiêu trận...
Mời quý phụ huynh, học sinh tra điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2023 trên VietNamNet