Nhiều người chỉ trích việc chỉ sinh một con là cha mẹ ích kỷ, đứa trẻ sau này chỉ biết đến bản thân, không biết chia sẻ. Nhưng nhiều gia đình tự tin có nhiều cách để dạy con biết yêu thương, cha mẹ vẫn đồng hành cùng trẻ phát triển.
Sau khi đăng tải loạt bài viết về mức sinh thấp "chưa từng có” ở Việt Nam, VietNamNet nhận được nhiều ý kiến phản hồi, bày tỏ mối lo nguy cơ khi để mức sinh cả nước xuống quá thấp; những chính sách cần can thiệp và cả những lý do vì sao nhiều người lựa chọn chỉ sinh 1 con. VietNamNet xin lược đăng một số ý kiến.
“Dù gái hay trai, chỉ 1 là chốt sổ”
Gia đình chị Yến (Hà Nội) hiện có 1 bé trai 7 tuổi. Cháu học lớp 2 tại một trường tư, chi phí tổng cộng cho việc học mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, bằng gần một phần ba thu nhập của vợ chồng chị, chưa kể lúc con đau ốm, vào viện.
“Khi xưa, để đầu tư cho chúng tôi học hành, bố mẹ tôi từng tuyên bố dù phải bán nhà cũng cho con được học thứ tốt nhất. Vợ chồng tôi cũng vậy, dành mọi thứ tốt nhất cho con, vì thế ngay khi có ý định sinh con, vợ chồng tôi thống nhất chỉ sinh 1 là đủ, dù gái hay trai”, chị gửi bình luận.
Chị Yến cho biết sau Covid-19, công việc của chồng càng khó khăn, thu nhập giảm hẳn, chị càng thấu hiểu nỗi khổ để xoay xở cuộc sống của những gia đình công nhân, thu nhập thấp. Hiện với mức thu nhập từ tất cả các nguồn chưa đến 35 triệu đồng, cân đong đo đếm từ đối nội, đối ngoại, du lịch nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, mua sắm, các chi phí dự phòng khi đau ốm, tiết kiệm…, chị Yến khẳng định việc chỉ sinh một đứa con là đủ để giữ hạnh phúc gia đình.
“Nhiều người chỉ trích việc chỉ sinh một con tức là cha mẹ ích kỷ, lo con sau này chỉ biết đến bản thân, không biết chia sẻ. Nhưng có nhiều cách để chúng tôi dạy con biết yêu thương. Sinh một con giúp chúng tôi có nhiều thời gian đồng hành với con và quan tâm, tái tạo chính bản thân mình”, chị viết.
Phụ nữ hay nam giới cũng cần vị trí xã hội
“10 năm lấy chồng, 8 năm có con, tôi chưa tìm ra động lực để sinh tiếp con thứ 2”, chị Q.A gửi bình luận.
Với gia đình chị, kinh tế không phải là áp lực chính mà quan trọng là phải lo cho con và bản thân thật tốt. Từ khi bé 4 tuổi, chị cho bé đi học tiếng Anh, đàn piano, vẽ, lớn hơn thì học thêm toán thông minh, tiếng Anh nâng cao ở những trung tâm danh tiếng. Bé cũng hay theo mẹ đến các chương trình từ thiện cho các em nhỏ. Ở tuổi lên 8, bé rất tự tin, tự lập, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, sống tình cảm.
Theo chị, công việc ngày càng đòi hỏi phụ nữ cống hiến hơn, tháo vát hơn nhưng nếu có thêm con nhỏ, từ 4h30 chiều phải sấp ngửa đón hết đứa lớn đến đứa bé, từ đó đến 10 giờ tối phải lo con ăn uống, vệ sinh, kèm con học bài, thì "nhanh sao nổi" với người muốn có thời gian để phấn đấu cho công việc tốt hơn.
“Chồng tôi cũng rất hợp với con gái, không đặt nặng vấn đề phải có con trai nên hiện giờ hai vợ chồng thấy rất thoải mái. Nhưng bao năm nay, gia đình vẫn bị nhiều người chỉ trích, dọa dẫm khi nếu con không may bị tai nạn, bệnh tật, hoặc sau này về già, đau ốm, lấy ai chăm sóc”, chị chia sẻ.
“Làm cha mẹ, ai sinh con ra cũng muốn chăm sóc con thật chu đáo. Nhưng hiện nay chi phí nuôi dạy một đứa con rất tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức. Giờ không còn tư duy “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “đông con nhiều của” hay đẻ được nuôi được nữa. Sinh con phải có trách nhiệm với cuộc sống của con”, anh H.T, gửi ý kiến.
Cuộc sống tại đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội ngày càng nhiều áp lực, nhất là áp lực cạnh tranh công việc rất lớn, không riêng gì đàn ông mà cả phụ nữ đều rất bận rộn. Đàn ông cũng phải chăm sóc gia đình, chia sẻ việc nhà. “Nếu đàn ông chỉ coi việc sinh đẻ, nuôi dạy con là của phụ nữ, đó mới là ích kỷ”, anh T. chia sẻ.
Với những gia đình áp lực kinh tế, chăm sóc bố mẹ, chuyện nuôi 2 con với những điều kiện tốt nhất có thể khiến họ rất vất vả, vì thế họ lựa chọn chỉ sinh 1 bé.
Trong bình luận gửi đến VietNamNet, chị T.D, cũng là người thuộc thế hệ “con một”, chia sẻ: "Người già nhiều bệnh, bố mẹ hai bên mỗi năm vào viện 6 lần. Mỗi lần như vậy, chúng tôi vừa lo công việc, lo cho người con duy nhất đang tuổi học tiểu học rồi lại chia nhau vào viện vì không có đủ chi phí thuê người chăm bố mẹ. Không có thời gian đứng lại thở tròn một hơi, nói gì đến một bữa ăn giấc ngủ đàng hoàng”.
Cũng theo độc giả này, thấu hiểu nỗi vất vả của những gia đình “neo người”, những người thế hệ như chị để thích ứng xu hướng sinh ít con không còn tư tưởng “trẻ cậy cha, già cậy con” mà tự chuẩn bị cho mình kịch bản độc lập khi về già, không vướng bận con cháu.
Trong nhiều ý kiến gửi về VietNamNet, nhiều độc giả cũng kiến nghị các giải pháp để đảm bảo mức sinh bền vững, tránh nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động, thiếu hụt cô dâu trong khi dư thừa chú rể. Trong đó, cần bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con; thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con như chi phí giáo dục, y tế..., đồng thời có chính sách không khuyến khích kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con.
Người di cư ngày càng sinh ít con
Theo Cục Dân số, Bộ Y tế, nếu trước đây người dân di cư tới các thành phố lớn có mức sinh cao thì nay, với chi phí đắt đỏ, thu nhập bấp bênh, khả năng ổn định cuộc sống thấp, người di cư có mức sinh ngày càng thấp.
"Số liệu điều tra toàn quốc năm 2019 cho thấy mức sinh của người không di cư là hơn 2,1 con; trong khi người di cư chỉ hơn 1,5 con/phụ nữ, thấp hơn 10 năm trước gần 0,5 con", theo Cục Dân số.
Mức sinh ở Việt Nam năm 2023 tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm. Mức sinh thấp kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội, đặc biệt là áp lực cho thế hệ trẻ là "con một" hôm nay.
Nếu mức sinh tiếp tục giảm, theo dự báo của Liên Hợp Quốc, năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng tỉnh Nghệ An bây giờ. Đến năm 2700, Việt Nam chỉ còn vài chục nghìn người.