Năm học 2023-2024 là năm thứ 2 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT. Điểm khác biệt so với chương trình hiện hành là ngoài 8 môn học bắt buộc Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử, học sinh sẽ phải lựa chọn 4 trong 9 môn gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật để học cùng các chuyên đề.
Theo đó, các trường THPT sẽ căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên để xây dựng sẵn các tổ hợp, mỗi trường sẽ đưa ra những tổ hợp khác nhau để học sinh lựa chọn.
Lãnh đạo các cơ sở giáo dục cho rằng việc lựa chọn tổ hợp môn rất quan trọng trong suốt thời gian THPT và cả việc định hướng nghề nghiệp sau này. Bởi lẽ, nếu học sinh lựa chọn môn học phù hợp sẽ phát huy được thế mạnh của mình.
Trường hợp lựa chọn sai tổ hợp, học sinh sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng và áp lực. Thực tế, năm ngoái - năm đầu tiên học sinh học chương trình mới lớp 10, không ít em không thể theo, phải chuyển tổ hợp.
Thế nhưng, việc đổi tổ hợp môn tự chọn cũng rất phức tạp vì còn liên quan đến lượng kiến thức học sinh phải trau dồi cũng như việc kiểm tra, đánh giá.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Bội Quỳnh – Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng bên cạnh việc chọn môn học theo năng lực, sở trường, sở thích, học sinh cũng nên cân nhắc đến yếu tố nghề nghiệp trong tương lai.
“Lựa chọn tổ hợp tự chọn nên là những môn có tính chất định hướng nghề nghiệp và phù hợp năng lực học sinh. Nhiều em sợ môn học tự nhiên khó nên không dám chọn. Thế nhưng, sau này các em muốn xét tuyển đại học bằng khối A1 không học môn tự nhiên sẽ rất khó", bà Quỳnh nói.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), thừa nhận năm ngoái - năm đầu tiên triển khai chương trình lớp 10 mới, cũng có học sinh nguyện vọng muốn chuyển tổ hợp môn học.
“Việc đưa ra quyết định chọn tổ hợp môn gắn bó suốt 3 năm THPT không phải là điều dễ dàng. Các em phải căn cứ vào nhiều yếu tố như năng lực, sở thích cá nhân, thế mạnh nhà trường... Để học sinh hiểu rõ hơn về môn học tự chọn có phù hợp, chúng tôi cho học sinh học thử một tháng trước khi chính thức chốt môn học tự chọn ở lớp 10”, ông Bình cho hay.
Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Là - Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Lão ( Hải Phòng), trước khi đăng ký, học sinh và phụ huynh cần chú ý tìm hiểu kỹ tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn của nhà trường năm học 2023-2024.
“Căn cứ vào năng lực, sở trường và xu hướng nghề nghiệp trong tương lai được coi là yếu tố tiên quyết để đăng ký tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn.
Việc lựa chọn những môn học phù hợp sẽ giúp học sinh yên tâm trong quá trình học tập, trang bị tốt nhất những kiến thức cần thiết nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và nghề nghiệp sau này.
Học sinh tránh việc chọn theo số đông, theo trào lưu hay theo nhóm bạn học cùng lớp. Cha mẹ không nên áp đặt những môn học, ngành nghề mình yêu thích lên con mà không xem xét đến năng lực, sở trưởng cũng như cảm xúc và tâm lý của các em”, cô Là nói.
Hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) cũng nhấn mạnh phụ huynh và học sinh cần đưa ra quyết định đăng ký tổ hợp môn học lựa chọn dựa trên năng lực học tập và định hướng nghề nghiệp. Nếu không, quá áp lực, giữa chừng các em phải đổi lại tổ hợp, trong khi không phải trường nào cũng đáp ứng được nguyện vọng đổi tổ hợp này.
Hơn thế, điều khó nhất khi đổi tổ hợp giữa chừng là học sinh phải bổ sung kiến thức trong thời gian ngắn của dịp hè mà học sinh khác đã học trong 9 tháng.
“Học sinh phải hiểu rõ thế mạnh bản thân, mơ ước và khát vọng về ngành nghề. Trả lời được câu hỏi đó cùng với suy nghĩ nghiêm túc, tôi tin các em sẽ chọn được tổ hợp môn phù hợp”, vị hiệu trưởng này cho hay.