Ngày 24/6, danh ca Khánh Ly có buổi trò chuyện thân mật với báo giới và người hâm mộ tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Trở lại sau nhiều năm xa cách, Khánh Ly bồi hồi lẫn biết ơn bởi mảnh đất và con người nơi đây đã cưu mang bà suốt một quãng đời.
Khánh Ly ngày ấy là cô bé Lệ Mai "học dốt, không xinh đẹp cũng chẳng giỏi giang như mẹ". Trong lớp, bà đọc thơ, nghe nhạc; tan trường, bà hay đi dạo đồi, thỉnh thoảng ngủ quên dưới gốc thông già. Năm 3 - 4 tuổi, Khánh Ly không hiểu sao được bố dạy hát một bài buồn thê lương như Chiều vàng. Đôi khi, bà nghĩ bài hát đã vận vào đời mình.
Sau này khi cãi gia đình lấy chồng ở tuổi 16, Khánh Ly lại được mảnh đất và con người Đà Lạt cưu mang để đi hát kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ.
Khánh Ly biết ơn cuộc đời, Trịnh Công Sơn và khán giả. Bà được bố mẹ sinh ra, nhưng nhờ Trịnh Công Sơn mới thành người.
Ngày xưa, Trịnh Công Sơn viết "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng", Khánh Ly không đồng tình. Tuổi trẻ, bà nghĩ đơn thuần "Tấm lòng chẳng mài ra ăn được", trong khi nhạc sĩ họ Trịnh chỉ cười rằng tấm lòng "để gió cuốn đi". Sau này khi trở thành mẹ 4 con, Khánh Ly đã dạy các con cách sống tử tế, lớn lên thành người đàng hoàng, biết yêu thương.
Khánh Ly tiết lộ được Trịnh Công Sơn thương vì ngoan ngoãn, vâng lời. Với bà, ông là tri kỷ, bạn bè, anh em, thậm chí cha chú. Bà khẳng định "không nghe lời bất cứ ai trừ ông Sơn". Chẳng hạn, Trịnh Công Sơn bảo "Mai hát đi" thì bà có thể phải hát đến sáng. Nếu ông Sơn không nói gì mà mải trò chuyện với hội bạn, bà sẽ ngồi im lắng nghe.
Mồ côi cha từ nhỏ, Khánh Ly thiếu thốn, khao khát tình thương. Thuở bé cứ nghe tiếng mở cửa, bà luôn ao ước người trở về là cha mình. Viễn cảnh đó theo bà đến tận bây giờ. Đó là một phần lý do bà hình dung Trịnh Công Sơn như người cha nghiêm khắc, ít nói, luôn dành điều tốt đẹp cho mình.
Dù là nàng thơ quan trọng trong sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Khánh Ly tự thấy chẳng là gì: "Không có tôi, nhạc ông Sơn vẫn cứ hay và nổi tiếng. Không có ông Sơn, tôi mãi mãi không có những gì hôm nay".
Bà nói thêm: "Tôi thường tự nhận xét mình không đẹp, hát không hay, không có tài. Mọi người nghe sống sượng quá phải không? Nhưng tôi không thể nói mình hát hay khi thật lòng thấy mình hát không hay được. Khán giả muốn nghe tôi hát đơn giản vì họ yêu tôi, yêu ông Sơn và âm nhạc của ông".
Khánh Ly biết ơn khán giả. Những ngày qua, bà đi đến bất cứ đâu đều có người nhận ra, từ cháu bé đến người lớn, những ông tài xế, bà bán xôi, chị bưng trà... Họ săn đón, niềm nở khiến bà sung sướng, xúc động. Ca sĩ Quang Thành tiết lộ: "Show 'cháy' vé quá sớm, có khán giả còn hài hước hỏi vé... trên cây".
Về cái tên Như một lời chia tay, Khánh Ly nhấn mạnh từ "như", bởi bà không chắc chắn điều gì trong tương lai. Danh ca nói: "Hôm nay, tôi ở đây để chào mọi người một lời. Nếu ngày mai phải ra đi, tôi yên lòng vì đã chào hỏi xong".
Trong buổi gặp, ca sĩ Quang Thành đặt câu hỏi: Có phải cô Ly đổ vỡ hôn nhân vì yêu âm nhạc quá, mải đi hát bên ngoài mà không chu toàn việc gia đình? Khánh Ly đáp: "Tôi thấy rất oan cho ca sĩ. Nhiều người ca sĩ tôi biết yêu chồng thương con, đi làm kiếm tiền về nhà chăm con hầu chồng chu đáo, tận tụy vẫn bị mang tiếng. Hay, chẳng phải cứ là nhạc sĩ thì lăng nhăng. Họ không phải con người như thế. Họ bị mang tiếng "xướng ca vô loài" rất oan", rồi danh ca Khánh Ly cúi gằm mặt khóc vài giây.
Xuyên suốt sự kiện, Khánh Ly hát như nói và nói như hát. Nhiều lần đang trò chuyện, câu nói được bà biến thành câu hát đầy uyển chuyển. Bà được Trịnh Công Sơn chọn làm nàng thơ cũng bởi lối hát như nói không rền rĩ, đãi bôi. Mỗi chủ đề bà chia sẻ về cuộc sống, con người và sự nghiệp luôn có dấu ấn âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Quan trọng hơn, bà muốn truyền tải tư tưởng, lối sống của ông đến khán giả.
Ngày trở lại Đà Lạt, Khánh Ly mê mẩn ăn khoai mật nướng, ngô luộc, vào Café Tùng uống một ly rồi về. Bà không thích nhà hàng sang trọng, chỉ thích ngồi lề đường vỉa hè.
Tuổi U80, Khánh Ly hiếm ra đường, không có nhu cầu tiêu tiền. Mỗi sáng dậy, bà tạ ơn Chúa vì được sống thêm một ngày. Bà ít gần gũi người già bởi: "Người già còn gì khác ngoài chuyện vợ chồng, con cái, dâu rể... rồi đến chuyện mình? Chính tôi cũng đang ở độ tuổi "3 cao": cao máu, cao mỡ, cao đường; và "1 thấp" - thấp khớp".
Video: Khánh Ly hát như nói
Danh ca thích gặp gỡ người trẻ, học hỏi họ những điều mới. Mỗi lần đi diễn, bà thích tiếp xúc các ca sĩ trẻ đẹp, hát hay, nhờ họ giúp đỡ mình.
"Tuổi già như con tàu sắp đắm, chẳng ai trốn chạy được. Tôi hãnh diện trong 60 năm đi hát, cuộc đời tôi trải qua đủ cay đắng, vinh quang, được mọi người yêu thương", Khánh Ly nói.
Nhiều năm qua, lần nào Khánh Ly định về nước cũng bị các con can ngăn vì bà đã có tuổi. Khánh Ly nói: "Nếu ở nhà, mẹ chỉ có thể ngồi giữa 4 bức tường ôm 2 con chó, cuộc đời như thế thì còn gì? Để mẹ đi".
Trước khi qua đời, chồng bà - ông Nguyễn Hoàng Đoan - dặn dò: "Em lớn tuổi rồi, hãy gần tôn giáo và công tác xã hội sẽ tốt cho em". Vì thế, bà đi để hát, làm từ thiện, chứng kiến những tấm chân tình của khán giả rồi mang về "làm quà", kể lại cho các con nghe. Chân đau mấy, Khánh Ly cũng quyết đi và hát, không muốn trở thành gánh nặng cho con.
Cuối buổi gặp, Khánh Ly nhờ mọi người bỏ đi những danh xưng: nữ hoàng, danh ca, tượng đài, huyền thoại,... "Khánh Ly ai cũng biết rồi, thêm "ca sĩ" là thừa, "danh ca" lại càng thừa. Cũng xin đừng gọi tôi là "tượng đài", vì tượng xây được sẽ phá được", bà nói.
Gia Bảo