Nhiều nạn nhân người Việt bị bán sang bang Shan phía bắc Myanmar, nơi các nhóm vũ trang địa phương cho phép những nhà chứa và sòng bạc bất hợp pháp hoạt động.
Lời tòa soạn:
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán. Việc đi lại giữa các quốc gia, các châu lục ngày càng thuận lợi như hiện nay khiến hoạt động mua bán người ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp.
Từ bẫy việc nhẹ lương cao cho tới những lời hứa đổi đời, nhiều người cả tin, đặc biệt là phụ nữ ở những quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, đã trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người bất lương. Dù cơ quan chức năng các nước đã rất nỗ lực ngăn chặn, triệt phá những đường dây buôn người nhưng hoạt động này vẫn xảy ra.
Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu cùng độc giả loạt bài về vấn nạn buôn người trên thế giới, với những câu chuyện cuộc đời thấm đẫm nước mắt của những nạn nhân người Việt và hành trình trở về quê mẹ đầy gian truân, trắc trở.
Điểm đến của những kẻ buôn người đang thay đổi, sau khi Trung Quốc thiết lập hàng rào khổng lồ dọc biên giới phía nam giáp Việt Nam, Lào và Myanmar. Hàng rào dây thép gai này cao 3m được trang bị cảm biến chuyển động, và kéo dài ít nhất 1.000km.
Không ít người Việt Nam sinh sống gần biên giới Trung Quốc từng sống dựa vào việc di cư và làm việc phi chính thức ở Trung Quốc. Nhưng từ khi có hàng rào, họ không còn dễ dàng di chuyển, và rơi vào cảnh kiệt quệ tài chính. Đây chính là cơ hội để những kẻ buôn người giăng bẫy “việc nhẹ lương cao”.
Chia sẻ với tờ Al Jazeera, ông Michael Brosowski, người sáng lập Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation), tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Hà Nội chuyên giải cứu các nạn nhân của nạn buôn người, cho biết: “Hàng rào biên giới khiến những kẻ buôn người khó đưa nạn nhân vượt biên hơn. Trước đây, chúng sẽ đưa nạn nhân băng qua các con đường mòn trên núi và qua sông để vào Trung Quốc mà không bị phát hiện. Nhưng bây giờ, chúng không thể làm như vậy.
Những kẻ buôn người đã mở thêm điểm đến mới để đưa nạn nhân tới. Chúng tôi ghi nhận sự gia tăng hoạt động buôn người đến miền bắc Myanmar, Campuchia và cả ở Lào”.
Các nhà chứa ở Myanmar có khả năng nằm dưới sự điều hành của những băng nhóm tội phạm chuyên lừa đảo và đánh bạc theo hình thức trực tuyến ở Campuchia. Số nạn nhân sập bẫy của các băng nhóm này đã gia tăng trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành.
“Báo cáo từ hàng trăm người mà chúng tôi từng nói chuyện cho thấy, những tên tội phạm điều hành các nhà thổ ở Myanmar và các vụ lừa đảo trực tuyến ở Campuchia là người Trung Quốc. Chúng hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc, bởi chúng không thể phạm tội ác ở quê nhà”, ông Brosowski nói.
Ở Campuchia, Lào và Myanmar, nạn nhân của bọn buôn người chủ yếu được đưa đến các đặc khu kinh tế (SEZ) ở vùng biên giới, nơi các quy định được kiểm soát lỏng lẻo. Như tại Myanmar, xung đột giữa lực lượng nổi dậy và quân đội Myanmar càng khiến tình hình thêm phức tạp.
Ông Richard Horsey, cố vấn cấp cao về Myanmar tại tổ chức phi chính phủ Crisis Group, cho biết: “Cuộc đảo chính năm 2021 ở Myanmar đã làm suy yếu quyền kiểm soát của quân đội đối với các vùng của đất nước mà đặc biệt là vùng ngoại vi, tạo cơ hội cho những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia”.
Báo cáo về nạn buôn người tại Myanmar vào năm 2022 của Mỹ tiết lộ, dựa theo báo cáo của các đối tác dân sự vào năm 2021, có khoảng 500 phụ nữ Việt Nam hành nghề mại dâm ở đặc khu hành chính bang Wa của Myanmar. Một số phụ nữ báo cáo họ là nạn nhân của bọn buôn người.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, tình hình ở Myanmar có thể còn trở nên tồi tệ hơn. “Nếu không có biện pháp giám sát và quản lý ở các khu vực chính phủ không kiểm soát mà thường là vùng biên giới, phụ nữ và trẻ em gái từ những vùng này và các nơi khác ở Đông Nam Á có thể dễ dàng trở thành nạn nhân bị buôn bán tình dục trong các sòng bạc và đặc khu kinh tế do các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số (EAO) ở Myanmar, hoặc các công ty Thái Lan, Trung Quốc sở hữu và điều hành”, báo cáo cho biết.
Theo tổ chức Rồng Xanh, nhiều nạn nhân người Việt bị bán sang bang Shan phía bắc Myanmar, nơi các nhóm vũ trang địa phương cho phép những nhà chứa và sòng bạc bất hợp pháp hoạt động. Tổ chức phi chính phủ Crisis Group cũng nhận định, bang Shan “từ lâu đã là trung tâm của các cuộc xung đột, và sản xuất ma túy bất hợp pháp”.
“Việc những người Việt thoát khỏi các bang phía bắc Myanmar để trở về quê nhà là cả một hành trình dài xuyên rừng, vượt núi, sông. Tất cả họ đều có nguy cơ bị bắn, bị bắt lại, và bị bán lần nữa. Những gì đang xảy ra ở khu vực này là rất sốc, nhưng hầu như thế giới lại không biết đến”, ông Brosowski nói.
Nhà tâm lý Đinh Thị Minh Châu tại tổ chức Rồng Xanh cho Al Jazeera biết thêm: “Tất cả những phụ nữ mà chúng tôi đã giải cứu ở Myanmar đều phải nỗ lực hơn bất kỳ người nào khác. Họ không còn quan tâm đến rủi ro, cái chết mà chỉ cố gắng tìm cách trốn thoát. Họ đang rất, rất tập trung vào việc cố gắng tìm cách chạy thoát. Tình hình ở đó quá khủng khiếp đối với bất kỳ ai để có thể chịu đựng được”.
Bài 3: Từ vụ 39 người Việt chết trong container tại Anh hé lộ những đường dây ma quỷ
Bị cáo Marius Mihai Draghici (50 tuổi) người Romania bị tuyên phạt hơn 12 năm tù trong vụ 39 người Việt chết ngạt trong chiếc xe tải ở gần London hồi tháng 10/2019.