Với người miền xuôi, ngô là một trong những lương thực được yêu thích, có thể biến tấu thành nhiều món ăn vặt, ăn chơi lạ miệng như ngô nướng, ngô luộc hay ngô chiên. Còn đối với người dân tộc H’Mông, ngô đã được nâng tầm lên thành đặc sản với cách chế biến độc đáo, kỳ công. Đó chính là món mèn mén.
Mèn mén (hay còn gọi là bột ngô hấp) là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào dân tộc H'Mông tại các vùng như Hà Giang, Bắc Hà (Lạng Sơn), Simacai (Lào Cai).
Món này được làm từ giống ngô tẻ đặc trưng của địa phương. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, bà con dân tộc Mông lại phơi ngô trên hiên nhà hay gác bếp, chờ khi thật khô mới đem đi làm mèn mén.
Đầu tiên, người ta tách hạt ngô, nhặt và loại bỏ các hạt bị sâu, mốc và chỉ giữ lại những hạt tròn và mẩy nhất rồi đem đi xay. Muốn bột ngô thành phẩm ngon, người dân nơi đây thường xay bằng cối đá truyền thống. Bởi vậy, công đoạn xay ngô được xem là vất vả nhất khi làm mèn mén.
Ngô xay xong được đem sàng để bỏ mày và sạn, sau đó đổ ra vào nia để trộn cùng chút nước. Người ta phải tính toán lượng nước sao cho khéo, vừa đủ để bột không bị khô hay ướt quá. Nếu bột khô, khi hấp sẽ khó chín, còn bột ướt sẽ làm món ăn bị nhão, không ngon.
Để hoàn thành món mèn mén, bà con dân tộc H’Mông phải đem hấp bột ngô tới hai lần. Nồi hấp được sử dụng là một chiếc chảo lớn chứa nước, ở giữa đặt một chõ cao. Bột ngô sau khi đảo với nước sẽ được đặt trong chiếc chõ này.
Tùy từng loại ngô mà thời gian hấp lần đầu cũng khác nhau. Với ngô non, hấp đến khi nước sôi, hơi bốc nhiều trên miệng chõ là được. Còn với ngô già, cần hấp lâu hơn chừng 10-12 phút.
Sau đó, bột được đổ ra mẹt, chờ nguội bớt sẽ được đem đi vò cho tơi. Lúc này, người ta cho thêm lượng nước vừa đủ nữa vào bột đã hấp rồi lại trộn đều tay, tránh bột bị vón cục. Khi thấy bột tơi trở lại thì tiếp tục cho vào chõ để đồ lần hai.
Mèn mén có màu vàng hấp dẫn từ ngô nên được ví như "cơm vàng" của người Mông (Ảnh: Tú Nguyễn, Phùng Huyền, Cuong Nguyen).
Mèn mén được chế biến thủ công, không nêm nếm gia vị nên giữ nguyên được vị ngọt, bùi và dẻo thơm. Ở chợ phiên, món này còn được hòa vào nước dùng để ăn cùng phở, mỳ hoặc kết hợp với một số nguyên liệu, biến tấu thành nhiều món có hương vị khác nhau.
Sau hai lần đồ, mèn mén trở nên tơi xốp và được xúc ra từng bát, có thể ăn ngay hoặc rưới mắm lên, thưởng thức cùng các món ăn khác.
Nhiều thực khách lần đầu thưởng thức mèn mén có thể thấy khó ăn nhưng khi đã quen lại thấy ngon, lạ miệng.