Ngày 23/10, Hội nghị tổng kết mô hình thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm được Bộ Y tế tổ chức nhằm thực hiện Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 16/9 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Tại hội nghị, đại diện 3 địa phương (TP.HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh) báo cáo tình hình thực hiện thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Theo đó, kết quả hoạt động công tác đảm bảo an toàn thực phẩm khi nhập 3 ngành gồm: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Ban Quản lý An toàn thực phẩm cho thấy hiệu quả hơn.

W-an-toan-thucpham-1.jpg
Theo 3 địa phương, công tác quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả hơn sau khi thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Ảnh: Hoàng Linh

Hoạt động truyền thông được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm được nguồn kinh phí đáng kể so với khi còn tổ chức riêng lẻ tại 3 ngành như trước đây. Ngoài ra, việc xử lý sự cố về an toàn thực phẩm, điều tra ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn cũng chủ động, kịp thời hơn, tạo hiệu quả trong giám sát các mối nguy để cảnh báo cho cộng đồng. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được tăng cường, đạt hiệu quả tích cực…

Tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cho biết, mô hình Ban An toàn thực phẩm không nhất thiết phải giống nhau tại các địa phương. Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh cần bổ sung, hoàn thiện báo cáo, tập trung làm rõ các vấn đề như lý do, cơ sở đề xuất mô hình thí điểm; kết quả thực hiện mô hình thí điểm: cơ cấu tổ chức, hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, có so sánh với giai đoạn trước khi thí điểm; các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân... Đây là cơ sở để các địa phương kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về mô hình.

Riêng với TP.HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý địa phương cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung thể chế để phù hợp, triển khai có hiệu quả. Khi xây dựng chức năng, nhiệm vụ của sở này không được chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương. 

Việc dừng, duy trì, hoặc nhân rộng mô hình thí điểm, hoặc thành lập mô hình mới trên nền cốt của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền của Chính phủ quyết định trên cơ sở ý kiến của các bộ, địa phương.

Ngày 19/9, tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Theo nghị quyết, sở này đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2024. Như vậy, TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước có sở an toàn thực phẩm. 

Hoàng Linh