Bác sĩ Nguyễn Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, cho biết trưa ngày 7/9, trung tâm tâm Y tế huyện Hạ Lang đã nhận được thông báo của trạm y tế xã Thống Nhất về việc có các trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại phân trường Bản Khâu, xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang.
25 học sinh cùng ăn và có triệu chứng đau bụng, nôn ói, buồn nôn, đau đầu. Thời gian ngộ độc từ 10h30 tới 11h30. Theo các học sinh, trong giờ giải lao các em học sinh từ lớp 1 tới lớp 5 đã ra cổng trường mua kẹo ngậm hương vị sữa và thạch si rô dừa về ăn. Một giờ sau, các học sinh này có triệu chứng ngộ độc. Cô giáo đã báo cho phụ huynh đến đón con để đưa lên trung tâm y tế huyện khám. Sau đó, 6 học sinh có biểu hiện nặng phải nhập viện theo dõi.
Các em học sinh vào viện trong tình trạng lo lắng, mệt mỏi. Nhiều em không có biểu hiện đau bụng nhưng vì ăn kẹo chung với bạn nên theo tâm lý đám đông, hội chứng dây chuyền. Sau 1 ngày theo dõi và truyền nước, kháng sinh đường tiêu hóa, 6 học sinh được ra viện.
Theo bác sĩ Tiến, ngay lập tức bệnh viện đã gửi báo cáo cho các cơ quan chức năng và tiến hành kiểm tra các loại kẹo ở cổng trường. Hiện nay, tình trạng an toàn thực phẩm ở khu vực ngoài cổng trường rất đáng báo động.
Bác sĩ Tiến cũng gặp các trường hợp vào ngộ độc sau khi ăn các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc, thậm chí hết hạn sử dụng. Người bán hàng cũng không rõ sản phẩm từ đâu, họ mua từ những người tiếp thị tới mời chào, thậm chí, hàng không còn hạn sử dụng họ cũng không biết.
Các phương tiện truyền thông cũng liên tục đưa thông tin cơ quan chức năng đã bắt nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ hàng lậu bánh, kẹo không bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh thực phẩm, sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng...
Vì vậy, bác sĩ Tiến cho rằng gia đình, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền cho học sinh không ăn vặt ngoài cổng trường. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giám sát các sản phẩm bán cho học sinh, tránh mua phải hàng kém chất lượng dẫn tới mất an toàn thực phẩm.
Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho biết chúng ta không thể dẹp các hàng quán bán rong ở cổng trường bởi vì đó là cung - cầu. Nguy hiểm lớn nhất đó là bố mẹ cho tiền trẻ hoặc mua cho con các thực phẩm ăn sẵn tại cổng trường.
Các thực phẩm này đều chứa các hóa chất bảo quản, phụ gia và màu thực phẩm, người ăn khó phát hiện ra. Những sản phẩm này đều có nguồn gốc từ nhiều nơi sản xuất từ xúc xích, xiên que, bim bim, thạch, kẹo, nước hoa quả… nên kiểm soát chất lượng và vệ sinh sản phẩm rất khó.
Theo ông Ngữ, các cơ quan quản lý tại địa phương cần tăng cường thanh kiểm tra các cửa hàng, xe đẩy tại cổng trường, tốt nhất kiểm tra đột xuất các cơ sở này nếu phát hiện không đảm bảo sẽ yêu cầu đóng cửa hàng, cấm bán, xử lý nghiêm vi phạm với thực phẩm mất an toàn bày bán trước cổng trường sẽ mang tính răn đe cho người bán hàng.
Ngoài ra, các phụ huynh và cô giáo nên tuyên truyền cho học sinh tẩy chay thực phẩm không an toàn ở cổng trường, nói không với các hàng hóa không có tiếng Việt, không nhãn mác.