Định danh phóng viên, cung cấp 3 chức năng chính qua nền tảng số
Từ thực tế công tác quản lý báo chí truyền thông trên địa bàn cùng những kinh nghiệm trong thời gian thử nghiệm tiện ích ‘Mạng lưới phát ngôn’ trên Hue-S, từ tháng 3/2024, tỉnh Thừa Thiên Huế, trực tiếp là Sở TT&TT địa phương này đã đưa vào vận hành chính thức nền tảng kết nối báo chí truyền thông của tỉnh được tích hợp trên Hue-S.
Được hiển thị trên Hue-S với tên gọi ‘Mạng lưới phát ngôn’, nền tảng kết nối báo chí truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp cho các cơ quan báo chí và phóng viên đủ điều kiện, được xác thực định danh 3 nhóm chức năng chính gồm: Báo chí gửi câu hỏi cho cơ quan Nhà nước; Cơ quan Nhà nước gửi thông tin cho báo chí để truyền thông; Giấy mời và thẻ tác nghiệp báo chí điện tử.
Cụ thể, phóng viên đăng ký trực tuyến tham gia mạng lưới phát ngôn trên Hue-S, dữ liệu đăng ký sẽ được xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực định danh phóng viên, đồng thời, thông qua cơ sở dữ liệu báo chí của tỉnh Thừa Thiên Huế để xác thực loại hình cơ quan báo chí. Sau khi xác thực thành công, phóng viên sẽ chỉ cần đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử mức 2 - VNeID, nền tảng Hue-S sẽ xuất hiện khối chức năng ‘Mạng lưới phát ngôn’ để cơ quan báo chí tham gia tác nghiệp trên nền tảng số.
Hiện nay, khi có nhu cầu truyền thông, cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ cung cấp dữ liệu nguồn cho báo chí qua Hue-S, tại khối chức năng ‘Mạng lưới phát ngôn’. Dữ liệu nguồn bao gồm nội dung thông tin, hình ảnh, clip đảm bảo đầy đủ cho cơ quan báo chí. Ngoài ra, thông tin đầu mối liên hệ cũng được cơ quan Nhà nước cung cấp để các cơ quan báo chí tiếp cận khi có nhu cầu làm rõ thông tin.
“Dữ liệu nguồn sẽ được cung cấp đến cho toàn bộ các cơ quan báo chí có đăng ký sử dụng mạng lưới phát ngôn trên Hue-S kèm theo thông báo nhanh trên ứng dụng giúp cho cơ quan báo chí nhận diện và tiếp cận ngay thông tin. Dữ liệu nguồn được xác định là nguồn chính thống để cơ quan báo chí sử dụng cho hoạt động truyền thông ngay mà không cần phải thêm bước xác thực thông tin theo quy định của UBND tỉnh", đại diện Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.
Với chức năng ‘Kết nối báo chí tham gia sự kiện’, khi có sự kiện cần mời báo chí tham gia, từ nền tảng chính quyền số, cơ quan Nhà nước sẽ tạo lập thông tin. Kết quả sau khi tạo lập sẽ được gửi đến tức thời cho cơ quan báo chí theo danh sách được mời.
Thông tin báo chí tiếp cận được gồm có nội dung, thời gian, địa điểm sự kiện, giấy mời điện tử cũng như các tư liệu kèm theo sự kiện. Đặc biệt, mỗi sự kiện đều được kèm theo 1 thẻ tác nghiệp báo chí điện tử để áp dụng hình thức kiểm soát thành phần và tạo điều kiện tác nghiệp cho báo chí. Cơ quan báo chí chỉ cần sử dụng các dữ liệu điện tử trên Hue-S để tham gia các sự kiện mà không cần các giấy tờ khác.
Đáng chú ý, với chức năng ‘Báo chí đặt câu hỏi cho cơ quan Nhà nước’, đúc rút kinh nghiệm trong thời gian thí điểm ‘Mạng lưới phát ngôn’, ở nền tảng kết nối báo chí truyền thông trên địa bàn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã áp dụng chung, thống nhất quy trình xử lý ý kiến của tiện ích ‘Phản ánh hiện trường’ cho nhiều việc khác có tương tác giữa chính quyền với người dân trên nền tảng Hue-S, trong đó có việc hỏi – đáp của cơ quan báo chí với các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.
“Việc áp dụng thống nhất theo quy trình phản ánh hiện trường là điểm mấu chốt, giúp tăng hiệu quả các hoạt động tương tác giữa cơ quan báo chí, phóng viên với các cơ quan Nhà nước của tỉnh”, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định.
Theo đó, hiện nay, câu hỏi của phóng viên gửi cho cơ quan Nhà nước tại Thừa Thiên Huế qua nền tảng, sẽ được gửi đến Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh - IOC của tỉnh. Tại đây, IOC sẽ chuyển câu hỏi đến đúng cơ quan có trách nhiệm trả lời, đồng thời, giám sát về tiến độ trả lời của cơ quan đó theo quy định đã được ban hành. Sau khi nhận được câu hỏi, người có trách nhiệm phát ngôn của đơn vị sẽ trả lời trong khoảng thời gian theo quy định. Kết quả trả lời phải được cập nhật trên Hue-S, đồng thời, gửi tới báo chí cũng qua nền tảng số này.
Hiệu quả bước đầu từ mô hình kết nối báo chí qua nền tảng số
Một điểm cộng nữa của mô hình kết nối mạng lưới báo chí tại Huế qua nền tảng Hue-S là việc hỗ trợ địa phương, Sở TT&TT theo dõi, giám sát và đo lường kết quả quá trình tương tác giữa cơ quan Nhà nước với báo chí dựa trên dữ liệu số. Các số liệu từ nền tảng sẽ được phân tích, cho thấy mức độ hiệu quả của cơ quan báo chí, cơ quan Nhà nước và nhiều tiêu chí khác để UBND tỉnh có cơ sở hoạch định các chính sách thúc đẩy hiệu quả công tác thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh.
Clip giới thiệu về nền tảng kết nối báo chí truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguồn: Sở TT&TT Thừa Thiên Huế.
Theo thống kê của Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế, sau hơn 2 tháng triển khai, đã có 75 cơ quan báo chí, tạp chí đăng ký tham gia nền tảng; 25 cơ quan báo chí gửi 105 câu hỏi cho 35 cơ quan Nhà nước, với tỷ lệ trả lời câu hỏi trước hạn và đúng hạn đạt trên 80%; Cơ quan Nhà nước đã cung cấp 93 thông tin nguồn, 64 cơ quan báo chí tiếp cận đưa tin với tổng số 1.060 bản tin. Ngoài ra, dịp Festival Huế 2024, tỉnh đã cấp phát 327 thẻ điện tử cho báo chí qua Hue-S.
“Nhờ triển khai nền tảng kết nối báo chí truyền thông trên Hue-S, những bất cập, hạn chế trước đây trong quá trình tương tác giữa cơ quan Nhà nước với báo chí đã cơ bản được giải quyết. Thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tiếp tục đánh giá, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ nền tảng và tiếp tục đồng bộ các giải pháp”, đại diện Sở TT&TT Thừa Thiên Huế thông tin.
Đánh giá cao mô hình, cách làm sáng tạo, bước đầu phát huy hiệu quả của Huế, Bộ TT&TT đã đề nghị Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ kinh nghiệm cho Sở TT&TT các tỉnh, thành phố khác để các địa phương có thể triển khai nhanh, hỗ trợ 2 chiều: Vừa quản lý phóng viên tốt hơn, vừa kịp thời cung cấp thông tin báo chí quan tâm.