Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc botulinum, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Điển hình là vụ ngộ độc xảy ra tại Quảng Nam vào tháng 3, với 10 ca nhập viện sau khi ăn món cá chép ủ chua, trong đó một bệnh nhân đã tử vong.
Tháng 5/2023, tại TP.HCM cũng ghi nhận 6 ca ngộ độc botulinum bao gồm 3 trẻ em và 3 người lớn nhập viện điều trị. 5 trường hợp có triệu chứng sau khi ăn bánh mì với chả lụa so một cơ sở ở TP Thủ Đức sản xuất, một trường hợp ăn mắm ủ lâu ngày.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu oxy). Thực phẩm có nguy cơ nhiễm là rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.
Khi vào cơ thể, độc tố botulinum gây liệt cơ, nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, nạn nhân cần được sử dụng thuốc giải độc càng sớm càng tốt. Biểu hiện của người nhiễm độc tố này là khó thở, tay chân yếu. Thời gian khởi phát thường xảy ra từ vài tiếng tới 24 giờ sau ăn.
Lưu ý, người bệnh không thể sơ cúu tại nhà mà cần được đưa đến bệnh viện ngay khi xuất hiện triệu chứng, đặc biệt là các cơ sở y tế có máy thở.
Để phòng ngừa ngộ độc botulinum, cách tốt nhất là người dân cần đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh các thức ăn chế biến “lạ” như làm chín bằng ủ, ngâm muối, các loại đồ hộp đóng kín tự làm, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Botulinum là vi khuẩn kỵ khí, môi trường các thiếu oxy càng phát triển nên dễ có trong các đồ hộp, do đó, bác sĩ Khanh khuyến cáo nếu thấy đồ hộp bị phồng, hết hạn dùng, người dân tuyệt đối không nên ăn.