Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Quy định về thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài cho Thủ đô là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) khẳng định, trong bối cảnh hiện nay đây là một nội dung quan trọng, nếu làm tốt sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được mục tiêu đề ra. Ông Hùng nêu thực tiễn các nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình thành công và trở thành nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... rất ít khi dựa vào tài nguyên mà chủ yếu dựa vào thu hút nhân tài để bứt phá.
Tuy nhiên, theo ĐB, quy định tại dự thảo luật còn chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi, hiệu quả hơn. Ông Hùng dẫn số liệu giai đoạn 2013-2023, Hà Nội chỉ thu hút được 55 nhân tài là thủ khoa các trường đại học, còn TP.HCM - một nơi có nhiều chính sách thu hút nhân tài thì chỉ thu hút được 5 nhân tài giai đoạn 2018-2022.
Ông cho biết: "Không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài tự đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ. Chính phủ nhiều quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, cơ sở nghiên cứu, vườn ươm công nghệ đã chủ động tìm nhân tài từ rất sớm khi họ còn đang là học sinh, sinh viên, sẵn sàng hỗ trợ kinh phí học tập, trả lương, ký cam kết tuyển dụng từ trước khi ra trường".
Vì vậy, ĐB nhấn mạnh chỉ thu hút và trọng dụng là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài.
"Người tài không có nghĩa là người thông minh nhất, có nhiều bằng cấp nhất, học vị cao nhất mà là người phù hợp nhất với vị trí công việc, đạt được kết quả cao nhất trong nhiệm vụ được giao, có tầm nhìn và khả năng phát triển trong tương lai", ĐB nêu quan điểm.
Ông nêu câu nói của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu về người tài: "Tôi ưa chuộng hiệu quả. Với một công chức trẻ ở vị trí cao, tôi không quan tâm anh ta đã làm việc bao nhiêu năm. Nếu anh ta là người tốt nhất cho vị trí đó, hãy xếp anh ta ở vị trí đó".
Từ đây, ĐB đề nghị cần có một chương riêng về nội dung này với tên gọi “Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Ngoài ra, ông đề nghị xây dựng chính sách thông tin truyền thông về phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bổ sung cơ chế, chính sách phát hiện sớm nhân tài từ đó có lộ trình, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng vào những ngành nghề trọng điểm, cần thiết cả khu vực công và khu vực quan trọng khác.
Cần bổ sung cơ chế, chính sách xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại tạo mọi điều kiện để người tài phát triển cống hiến, thực hiện bằng được phương châm 4 không đó là "Không được, Không thể, Không muốn và Không dám tham nhũng".
Ông cũng đề xuất xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở, điều kiện làm việc tại nhà, các chế độ hỗ trợ khác cho gia đình, vợ con người tài để họ yên tâm làm việc. Ông nêu kinh nghiệm từ Trung Quốc đã có quy định riêng về nhà ở cho người tài, giúp thu hút được khoảng 900 người tài từ khắp nơi trên thế giới về làm việc trong khu vực công.
ĐB cho rằng cần cân nhắc cho phép chuyên gia, nhà quản lý đã khẳng định được tài năng, kinh nghiệm có thể được phép nắm giữ vị trí điều hành tại đơn vị, dự án, đề án nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, đơn vị sự nghiệp công. Ông cho biết, các nước xung quanh Việt Nam như Thái Lan, Malaysia đang làm rất tốt việc này.
Cần có quỹ phát triển nhân tài
Cũng nói về vấn đề này, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết dự thảo luật đã thiết kế một khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đây là nội dung quan trọng, tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, theo ông Mai cần trao quyền cho HĐND TP ban hành văn bản quy định cụ thể với đối tượng cần thu hút, có sự phân loại rõ ràng, để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài.
Ông cũng lưu ý cần có một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc phù hợp, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tạo điều kiện cho người tài năng cống hiến và thăng tiến. Theo ông đây chính là yếu tố giữ chân và phát huy tiềm năng người tài. Bởi một môi trường mà ở đó họ được là chính mình, bộc lộ năng lực sở trường, được tôn trọng, trọng dụng là điều quan trọng hơn cả, thậm chí còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng nội dung dự thảo luật quy định còn chung chung, như quy định về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng học sinh, sinh viên ra sao.
Ông đề nghị quy định rõ ràng về đối tượng và việc đào tạo cần có ràng buộc trách nhiệm. Ông cho biết, một số nơi như Đà Nẵng, TP.HCM khi đào tạo, bồi dưỡng nhân tài "cho đi đã đời", đi học xong không về nước mà ở nước ngoài luôn, thậm chí về không phục vụ cho cơ quan nhà nước mà ra làm cho tư nhân.
Trong khi TP chi ngân sách cho nhóm đối tượng này đi ăn học, vì thế ông đề nghị phải có quy định cụ thể, ràng buộc với đối tượng được cử đi học, đào tạo khi trở về phải phục vụ cho TP trong bao nhiêu năm.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đề nghị cần làm rõ cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng được ngay, đặc biệt trong thu hút, trọng dụng nhân tài, chất lượng cao. Theo ĐB, dự thảo luật mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài vẫn còn chung chung, không định hình được tiêu chí áp dụng trong thực tiễn, chưa quy định rõ cách thức tổ chức, sử dụng nhân tài sau tuyển dụng, chưa thể hiện rõ chế độ thù lao, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm nhân tài....
Ông cho rằng cần có quỹ phát triển nhân tài, tạo cơ chế thông thoáng, vượt trội để nhân tài cống hiến cho Thủ đô.