Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) là một trong những nhà văn nổi bật nhất của văn đàn Việt Nam hiện đại. Ông viết truyện ngắn, kịch, tiểu luận, thơ… Các truyện ngắn của ông đã được tái bản rất nhiều lần, được dịch và xuất bản tại nhiều nước, giúp nhà văn nhận được những giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Phê bình, tiểu luận cho Giăng lưới bắt chim của Hội Nhà văn Hà Nội (2006), Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (2007), Giải Premio Nonino, Italia (2008), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2022).
Đây là thành quả tìm kiếm, lựa chọn và giới thiệu những bài thơ chưa từng được công bố của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ngoài ra còn có một số truyện ngắn đã xuất bản nhưng vì lẽ nào đó bị lãng quên, các kịch bản phim, tiểu luận, những ký họa trên gốm, cùng những tấm ảnh tư liệu quý giá theo mỗi dấu mốc cuộc đời nhà văn.
Đội ngũ biên tập Nhã Nam tạm gọi cuốn sách này là “di cảo” nhằm giúp độc giả nhận thức lại về sự vận động tư duy sáng tạo và cảm quan nhân sinh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ những năm 1970 cho đến ngày ông rời cõi tạm, năm 2021.
Cũng theo Nhã Nam, tên tập di cảo này được lấy từ đoạn thơ trong truyện Chảy đi sông ơi của chính nhà văn. Sách được chia làm 3 phần:
Phần 1: Những bài thơ chưa công bố của tác giả; các truyện ngắn, tiểu luận, tạp văn, kịch bản phim truyện.
Phần 2: Ký họa trên gốm, gồm có các ký họa chân dung người thân, bạn bè, văn nghệ sĩ và tự họa; các ký họa về tác giả, tác phẩm và sự kiện văn chương.
Phần 3: Tư liệu ảnh về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, bao gồm một số ảnh chụp qua các mốc cuộc đời của ông, ảnh chụp bản thảo và bài đăng trên báo được gia đình, bạn bè lưu giữ.
Những tác phẩm bộc bạch chân tình
Người đọc thường biết tới Nguyễn Huy Thiệp qua các tác phẩm văn xuôi vang danh như Tướng về hưu, Không có vua, Tuổi 20 yêu dấu, Những ngọn gió Hua Tát, Con gái thủy thần... Tuy chưa bao giờ ra mắt tập thơ nào, nhưng ông sáng tác thơ từ khi còn trẻ.
Tập thơ đầu tiên được giới thiệu trong cuốn sách có tựa đề Những vần thơ chua xót được ông hoàn thành lúc 27 tuổi. Dù viết theo kiểu ghi nhật ký, thỏa mãn cảm xúc và suy tư của một giáo viên tỉnh lẻ, nhưng độc giả vẫn thấy được chất giọng, cái nhìn khá riêng của Nguyễn Huy Thiệp.
Đầu năm 2020, sau khi lâm bệnh nặng, người ta vẫn thấy Nguyễn Huy Thiệp cố gắng cầm bút viết để giãi bày cảm xúc, tâm trạng và giữ cho đầu óc tỉnh táo. Và tập thơ thứ hai được lựa chọn từ những vần thơ cuối đời của ông.
Đặc biệt, cuốn sách giới thiệu tới độc giả ba tập truyện ngắn chưa được ông đưa vào bất kỳ tác phẩm nào. Hai trong số đó là tác phẩm đầu tiên đăng báo vào năm 1986 là Cô My và Vết trượt. Truyện thứ ba Những bài hát được đăng trên Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, số 24, ngày 18/6/1989. Đây là thời điểm Nguyễn Huy Thiệp đang “cập thời vũ”, trở thành hiện tượng nổi bật nhất trên văn đàn.
Không thể phủ nhận Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn lớn có sức ảnh hưởng nhất của văn đàn Việt Nam hiện đại. Song bên cạnh thành tựu đáng tự hào, nhà văn cũng trải qua nhiều thăng trầm và câu chuyện dở khóc dở cười.
Trong tập di cảo có chọn lọc một số tiểu luận thể hiện sự trăn trở của nhà văn về sáng tác, vai trò của văn chương với luận điểm gai góc. Những bài viết này đều đã gửi nhưng không được báo đăng.
Cụ thể, trong tiểu luận Văn học là cuộc sống, Nguyễn Huy Thiệp viết: "Khi một số truyện ngắn của tôi in ra, tôi đã gặp vô số chuyện rắc rối đau lòng. Đôi ba người thân của tôi nằng nặc cho rằng truyện Tướng về hưu viết bôi xấu họ. Tôi đã bị dọa đánh và cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thoát nguy cơ bị đánh: những người tự xưng là nhân vật trong truyện ấy vẫn thỉnh thoảng lượn lờ ở ngõ nhà tôi chửi rủa…”.
Anh hùng còn chi cũng giới thiệu hai kịch bản phim do chính ông viết là Tướng về hưu (đã hoàn thành và được đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi sử dụng làm bộ phim cùng tên năm 1988) và Không còn vua (viết xong năm 2002).
Các bức ký họa đặc biệt trên gốm
Thời điểm được công chúng trao danh hiệu nhà văn, Nguyễn Huy Thiệp thừa hiểu nó “vừa hữu ích lại vừa phù phiếm”. Theo Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn, người biên tập cuốn sách, trong khi văn đàn vẫn mơ mộng, đòi hỏi tác phẩm đỉnh cao thì người ta lại thấy Nguyễn Huy Thiệp viết kịch bản phim và tiểu thuyết “ba xu”. Lúc công chúng tưởng như nhà văn đã cạn sức viết, ông vẫn ngồi ký họa gốm hàng ngày.
Thời trẻ, Nguyễn Huy Thiệp yêu thích và từng học vẽ, minh họa báo nhưng ông chỉ thực sự vẽ nhiều trên gốm theo hình thức ký họa.
Ở phần hai cuốn sách, chúng ta thấy rằng, bên cạnh những văn nhân, bạn hữu thân sơ mà ông vẽ tặng, Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra yêu thích ký họa những cá tính văn chương lớn như Victor Hugo, Balzac, Hemingway, Puskin, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Hoàng Ngọc Hiến, Tô Hoài, Lê Lựu…
Ngoài ra, ông cũng vẽ lại bìa, nhân vật trong tác phẩm của mình nhân các dịp đặc biệt.
Hồi ức được tái hiện qua những bức ảnh
Phần ba tập di cảo tổng hợp một số tư liệu ảnh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua các chặng đường đời, những sự kiện và bạn hữu văn chương mà ông có dịp gặp gỡ.
Người đọc sẽ được thấy hình ảnh Nguyễn Huy Thiệp thủa mới dạy học ở Sơn La, sang tới giai đoạn gây náo động văn đàn, cho đến chuyến về thăm những nơi ông từng dạy…
Ở phần cuối, ngoài bản thảo viết tay, đánh máy các sáng tác của nhà văn cùng một số bút tích… ta bắt gặp những nét bút “hí hoáy” của Nguyễn Huy Thiệp giữa tháng ngày lâm bệnh như lời khẳng định rằng không ngôn từ nào ngoài chữ nghĩa của ông biểu đạt chính xác về nghiệp viết và cuộc đời mình đến thế.