Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, liên quan tới vụ việc ngộ độc thực phẩm tại quán cơm gà Trâm Anh (phố Bà Triệu, TP. Nha Trang) tính đến ngày 15/3, địa phương ghi nhận 345 ca ngộ độc. Hiện có 201 người đang điều trị ở 13 bệnh viện và trung tâm y tế. Bước đầu cơ quan chức năng xác định vi khuẩn Salmonella là tác nhân gây ngộ độc cho nhiều người.
Trước đó, tại TP. Hội An, Quảng Nam cũng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến 273 người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng, nguyên nhân ngộ độc cũng là vi khuẩn Salmonella.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Anh Tuấn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật nội soi Ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội), ngộ độc thực phẩm chủ yếu do nhiễm vi khuẩn Salmonella, E. coli và Bacillus. Vi khuẩn Salmonella phát triển rất nhanh ở môi trường nóng ẩm (35-37 độ C).
Khi mổ thịt gia súc, gia cầm, nếu không làm sạch sẽ, vi khuẩn Salmonella sẽ phát tán ra môi trường và bám vào thực phẩm như thịt, trứng gia cầm. Nếu ăn trứng sống, luộc trứng không kỹ, người dân cũng có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella. Rau và sữa cũng dễ nhiễm Salmonella phát tán từ phân động vật ra.
Vi khuẩn này khi vào cơ thể người sẽ sinh sôi và tiết ra độc tố kích thích ruột, gây ra đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể xuất hiện 1 ngày sau ăn, thậm chí có trường hợp sau 4-5 ngày.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa (Hà Nội) cho biết, vi khuẩn Salmonella có thể xuất hiện ở bất cứ loại thịt động vật sống nào trong đó thịt gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng phổ biến nhất.
Trong quá trình chế biến, người làm không tuân thủ nguyên tắc chế biến thực phẩm sống - chín, không rửa tay sạch sẽ khiến vi khuẩn từ thực phẩm sống nhiễm sang chín và nhanh chóng sinh sôi. Lượng vi khuẩn càng nhiều, độc tố sinh ra càng lớn.
So với E. coli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn, có thể gây tử vong. Người bệnh đau bụng co thắt, ớn lạnh, tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn, dấu hiệu mất nước như nước tiểu có màu sẫm, khô miệng và năng lượng thấp, phân có máu.
Để phòng ngộ độc thực phẩm, Phó giáo sư Thịnh khuyến cáo người chế biến cần tuân thủ các quy tắc về an toàn thực phẩm, rửa tay hoặc dùng găng tay khi nấu nướng. Tuyệt đối không dùng chung dao, thớt khi chế biến thực phẩm sống, chín.
Thức ăn chín cần bảo quản riêng biệt, có tủ kính và sử dụng sớm sau khi nấu xong. Nếu để ở môi trường thông thường, thời gian tối đa chỉ 4 tiếng. Còn thực phẩm sống, người chế biến cần cho vào tủ đông, tách biệt hoàn toàn khu thực phẩm sống - chín.
Đối với người tiêu dùng, Phó giáo sư Thịnh khuyên nếu ăn uống ở bên ngoài cần chọn nơi đủ an toàn, bàn ghế, bát đĩa phải sạch sẽ. Hạn chế ăn đồ sống, đồ tái ở các cơ sở ăn uống dịch vụ vì nguy cơ mất an toàn lớn hơn rất nhiều tại gia đình.