Theo thống kê mới của Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2022, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, tiếp tục nở rộ. Việc triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử qua Internet và điện thoại di động đã đạt được những kết quả ấn tượng, thu hút số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ khá lớn cũng như số lượng và giá trị giao dịch tăng cao.
Cụ thể theo Báo điện tử Chính phủ trích dẫn, trong 11 tháng đầu năm 2022 so với 11 tháng đầu năm 2021, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị...
Dịch Covid-19 đã thúc đẩy tiến trình chuyển dịch hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Sự chuyển dịch này tiếp tục được duy trì sau đại dịch, thậm chí còn tăng trưởng nhiều hơn khi các ngân hàng nắm bắt xu hướng, tích cực triển khai các dịch vụ, công nghệ hiện đại, với nhiều chương trình ưu đãi.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán nêu một số định hướng, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2023. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, và Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Anh Hào